Những khó khăn trong huy động tiền gửi tiết kiệm thông qua Tổ tiết kiệm và vay vốn
HGĐT- Những năm qua, NHCSXH Chi nhánh tỉnh đã không ngừng nâng cao chất lượng hoạt động của các Phòng giao dịch, đồng thời thực hiện việc cho vay ủy thác thông qua các tổ chức hội, đoàn thể.
Lãnh đạo NHCSXH tỉnh, tặng hoa cho các tập thể, cá nhân đoạt giải trong Hội thi Tài năng văn nghệ - Nghiệp vụ giỏi của ngành năm 2011. Ảnh: NGỌC TÂN (NHCSXH) |
Bên cạnh nguồn vốn của T.Ư, NHCSXH tỉnh còn tích cực triển khai công tác huy động vốn nhàn rỗi trong nhân dân, đồng thời tăng cường dịch vụ ủy thác (DVUT) thông qua các tổ chức chính trị - xã hội (CTXH) và nâng cao chất lượng hoạt động của Tổ tiết kiệm và vay vốn (TK&VV) nhằm góp phần thực hiện tốt nhiệm vụ của đơn vị cũng như chương trình mục tiêu quốc gia về XĐGN, ổn định xã hội.
Đến hết tháng 8 năm 2011, 4 tổ chức CTXH của tỉnh đang quản lý trên 3.329 Tổ TK&VV không ngừng được củng cố, với hơn 108.819 thành viên tham gia, với số tiền dư nợ là 1.610.676 triệu đồng, chiếm khoảng 98,5% tổng dư nợ. Xác định nguồn vốn cho vay đối với các đối tượng chính sách ở tỉnh mỗi năm một tăng lên. Nhằm triển khai thực hiện có hiệu quả chương trình tín dụng cho vay ưu đãi đối với hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác trên địa bàn, thời gian qua, NHCSXH chi nhánh tỉnh đã phối hợp chặt chẽ với các tổ chức CTXH , thành lập được 195 điểm giao dịch cố định/195 xã, phường, thị trấn trong toàn tỉnh. Nhận thức sâu sắc ý nghĩa của hoạt động huy động tiền gửi tiết kiệm của người nghèo thông qua Tổ TK&VV là nhằm từng bước tạo cho người nghèo ý thức dành tiền để tạo vốn tự có và quen dần với hoạt động tín dụng và tài chính; đồng thời tạo thêm nguồn vốn để mở rộng cho vay, góp phần thực hiện mục tiêu giảm nghèo của địa phương. Trên cơ sở các văn bản hướng dẫn của Tổng Giám đốc NHCSXH Việt Nam, NHCSXH chi nhánh tỉnh đã phối hợp với các tổ chức CTXH triển khai huy động tiền gửi tiết kiệm, đồng thời tổ chức tập huấn, hướng dẫn nghiệp vụ huy động tiền gửi tiết kiệm cho cán bộ hội, cán bộ Tổ TK&VV... Sau hơn hai năm triển khai thực hiện, đã có gần 21% số Tổ TK&VV tiến hành huy động tiền gửi tiết kiệm tự nguyện của tổ viên với số tiền tiết kiệm huy động qua các Tổ TK&VV do 4 tổ chức hội, đoàn thể quản lý là 1.173 triệu đồng (đạt 7,3% kế hoạch giao). Tuy nhiên, bên cạnh những địa phương, đơn vị, Tổ TK&VV làm tốt việc huy động tiền gửi tiết kiệm vẫn còn một số địa phương, đơn vị, Tổ TK&VV chưa triển khai, hoặc đã triển khai nhưng kết quả đạt thấp. Trong đó, nổi lên một số hạn chế, thiếu sót đáng lưu ý như: Nhiều nơi cán bộ hội, cán bộ Tổ TK&VV chưa làm tốt công tác phổ biến, tuyên tuyền dẫn tới còn một bộ phận không nhỏ người nghèo và đối tượng chính sách hiểu chưa đầy đủ về chủ trương, mục đích, ý nghĩa của việc huy động tiền gửi tiết kiệm từ người nghèo. Có nơi cán bộ hội, tổ còn áp đặt mức gửi tiền tiết kiệm bình quân cho tổ viên hoặc gửi tiết kiệm theo số tiền lượng vay, có tổ thực hiện việc thu tiết kiệm ngay sau khi người vay nhận tiền; việc công khai thu, chi tiền tiết kiệm của tổ thực hiện chưa thường xuyên. Kết quả này chưa phải là lớn nhưng rất đáng ghi nhận, chủ trương huy động tiết kiệm đã nhận được sự hưởng ứng, tự nguyện tham gia của đông đảo người nghèo vì sự phát triển của chính mình và cộng đồng; đồng thời, kết quả trên cũng phản ánh sự nỗ lực cố gắng của đội ngũ cán bộ NHCSXH, cán bộ các tổ chức chính trị - xã hội nhận ủy thác và cán bộ Tổ TK&VV. Nguồn tiền tiết kiệm của người nghèo đã góp phần nâng mức đầu tư cho vay, giúp người vay chủ động hơn trong việc trả nợ ngân hàng, hạn chế một phần rủi ro tín dụng.
Để triển khai có hiệu quả việc huy động tiền gửi tiết kiệm của người nghèo thông qua Tổ TK&VV trong năm 2011 và những năm tiếp theo, các đơn vị nhận ủy thác cần làm tốt hơn nữa công tác tuyên truyền, phổ biến đến người nghèo và các đối tượng chính sách về chủ trương huy động tiết kiệm cũng như mục đích, ý nghĩa của việc gửi tiền tiết kiệm thông qua Tổ TK&VV. Cán bộ Hội, cán bộ Tổ TK&VV cần hướng dẫn cụ thể, để tổ viên tự bàn bạc, thống nhất mức tiền gửi tiết kiệm hàng tháng, tránh áp đặt, mức gửi tùy theo khả năng của từng tổ viên. Việc thu tiền tiết kiệm nên thực hiện trong các kỳ sinh hoạt tổ, hạn chế việc thu tiền gửi tiết kiệm ngay sau khi tổ viên nhận tiền vay tại điểm giao dịch. Thực hiện nghiêm túc việc công khai thu, chi tiền gửi tiết kiệm của tổ theo quy định của NHCSXH. Tiếp tục tổ chức tập huấn, hướng dẫn cho cán bộ Tổ TK&VV về phương pháp, tuyên truyền, vận động, huy động tổ viên tham gia gửi tiền tiết kiệm thông qua Tổ TK&VV. Các tổ chức hội, đoàn thể cần đẩy mạnh phối hợp với NHCSXH biên tập và in ấn những tài liệu tuyên truyền, hướng dẫn huy động tiền gửi tiết kiệm để phát đến tay cho từng tổ viên. Thường xuyên kiện toàn, nâng cao chất lượng hoạt động của Tổ TK&VV. Cần rà soát, củng cố đội ngũ cán bộ tổ đảm bảo đủ năng lực, trình độ và nhiệt tình với hoạt động của tổ. Coi trọng nội dung sinh hoạt tổ, trong đó: Tập trung các hoạt động trao đổi kinh nghiệm sản xuất, chuyển giao KHKT; hướng dẫn tổ viên xây dựng phương án SXKD phù hợp, giúp tổ viên sử dụng vốn đúng mục đích, đạt hiệu quả. Các cấp hội cần tăng cường công tác kiểm tra, giám sát hoạt động của Tổ TK&VV, kịp thời phát hiện và ngăn ngừa những sai phạm trong quá trình hoạt động của tổ nói chung và trong việc huy động tiền gửi tiết kiệm nói riêng để chủ trương huy động tiền gửi tiết kiệm của người nghèo được thực hiện sâu rộng và ngày càng hiệu quả.
Ý kiến bạn đọc