Làm gì để “giàu” từ khoáng sản?
HGĐT- Nguồn tài nguyên “chiến lược”:
Trong các nguồn tài nguyên có 2 nhóm khoáng sản được các quốc gia trên thế giới xếp vào loại “Tài nguyên chiến lược” là: dầu mỏ - và mỏ kim loại. Trong giai đoạn bùng nổ kinh tế hiện nay nhiều quốc gia đã cạn kiệt nguồn tài nguyên chiến lược buộc phảI thắt chặt công tác quản lý sử dụng.
Nhiều quốc gia giàu có đã tranh thủ thu mua tài nguyên giá rẻ của các nước đang phát triển, các nước nghèo về chôn lấp để dự trữ cho các thế hệ mai sau. Cần nhận thức, khoáng sản dù ở đâu đó, trong giai đoạn lịch sử phát triển nào, thì nó vẫn luôn là nguồn tài nguyên mang tính “Chiến lược” trong mỗi quốc gia. Quốc gia nào giàu tài nguyên thì quốc gia đó càng có nhiều lợi thế phát triển và ngược lại. Nhưng trên thế giới cũng có không ít quốc gia rất giàu tài nguyên, lại rất nghèo thường xuyên phải gánh chịu các cuộc sung đột giữa các thế lực mạnh. Ngược lại, nhiều đất nước ít tài nguyên, thậm trí không có tài nguyên có sẵn, nhưng họ biết sử dụng tài nguyên hiệu quả mà họ vượt lên thành các cường quốc trên thế giới.
Khoáng sản ở Hà Giang được đánh giá là tỉnh có tiềm năng về tài nguyên khoáng sản. Tính đến thời điểm hiện tại Hà Giang đã xác định được 149 mỏ, điểm mỏ. Có rất nhiều mỏ kim loại quý hiếm được xác định như: Man gan, Ăng ti mon, Vàng, bạc, Chì kẽm, sắt, Mi ca. Theo đánh giá và phê chuẩn chiến lược phát triển ngành công nghiệp khai thác, chế biến của tỉnh thì Hà Giang có khả năng xây dựng nhà máy chế biến “sâu” các loại khoáng sản như, luyện thép từ khai thác quặng sắt, luyện gang, từ khai thác Man gan, luyện chì kẽm từ khai thác các mỏ chì kẽm.v.v... Tỉnh cũng xác định, chỉ có chế biến sâu khoáng sản mới nâng cao được giá trị đích thực của nguồn lợi có từ tài nguyên. Đồng thời cũng xác định nguồn khoáng sản đã được tìm thấy và đánh giá sơ bộ trữ lượng nếu biết sử dụng hiệu quả nó sẽ là thế mạnh của nền kinh tế cho cả trước mắt và lâu dài cho tương lai phát triển bền vững không chỉ cho riêng nền kinh tế trong tỉnh, mà cho cả đất nước mai sau. Tuy nhiên trong quá trình triển khai thực hiện đến nay cũng đã và đang bộc lộ những khiếm khuyết cần được nhìn nhận, sắp xếp lại cho hiệu quả hơn.
Thực trạng khai thác:
Báo cáo của UBND tỉnh cho thấy, trên địa bàn toàn tỉnh đã có 181 giấy phép được các cấp từ Bộ TNMT và UBND tỉnh cấp cho việc khai thác, chế biến khoáng sản các loại. Cụ thể: Bộ TNMT cấp 3 giấy phép, UBND tỉnh cấp 178 giấy phép. Trong lĩnh vực khai thác, chế biến khoáng sản kim loại có 54 giấy phép và trong số này có 7 giấy phép được chuyển nhượng (hay nói cách khác là bán lại giấy phép); đã có 36 doanh nghiệp được cấp phép khai thác tại47 mỏ và điểm mỏ. Chia ra: Khai thác quặng sắt 7 giấy phép cho 5 doanh nghiệp khai thác tại 7 mỏ. Quặng chì kẽm có 8 giấy phép cấp cho 7 doanh nghiệp khai thác tại 8 mỏ. Quặng Man gan có 24 giấy phép cấp cho 19 doanh nghiệp khai thác tại 24 mỏ, điểm mỏ. Quặng Ăng ti mon có 5 giấy phép cấp cho 4 doanh nghiệp khai thác tại 5 mỏ, điểm mỏ. Mi ca có 1 giấy phép cấp cho 1 doanh nghiệp khai thác tai 3 điểm mỏ. Đến thời điểm này chỉ có rất ít đơn vị sản xuất, khai thác khoáng sản có sản phẩm chế biến “sâu” giá trị kinh tế cao, đóng góp vào ngân sách tỉnh. Còn lại rất nhiều đơn vị được cấp phép khai thác khoáng sản đóng góp vào ngân sách địa phương là chưa tương xứng, thậm trí là không đáng kể so với nguồn lợi mà khoáng sản đã và sẽ mang về. Đấy là chưa nói đến tác động về môi trường trong khai thác để lại?.
Phải “làm giàu” từ khoáng sản:
Làm giàu từ khoáng sản là một thực tế không hề chối cãi. Bài học có từ lời giải tại Công ty cổ phần Cơ khí & Khoáng sản Hà Giang đã minh chứng điều trên thành hiện thực. Thực tế cũng cho thấy, các doanh nghiệp lâu nay đã đưa ra ngàn vạn lý do để trì hoãn khai thác, chế biến “sâu” để bán thô theo kiểu “dễ làm, khó bỏ” (!) Nhìn nhận điều đó, tỉnh cũng đã mạnh tay và cương quyết chấn chỉnh lại lĩnh vực khai khoáng. Số liệu chưa thật đầy đủ: Hà Giang đã đình chỉ 19 giấy phép đã cấp, 10 doanh nghiệp bị buộc ngừng khai thác. Trong thời gian này, các hoạt động chấn chỉnh liên tục nhận được sự chỉ đạo ráo riết từ Tỉnh uỷ - UBND tỉnh buộc các đơn vị khai thác phải thực thi đúng quy định của luật, quy chế địa phương ban hành. Làm giàu từ khoáng sản là tất yếu trong quá trình phát triển kinh tế của đất nước. Muốn làm giàu từ nguồn tài nguyên không tái tạo chỉ có cách phải biết sử dụng tiết kiệm. Và lẽ đương nhiên muốn tiết kiệm tài nguyên khoáng sản thì buộc phải chế biến sâu, phải đầu tư Chất sám - công nghệ. Đi đôi khai thác, sử dụng hiệu quả với bảo vệ môi trường mới phát triển bền vững. Bằng sự cương quyết của tỉnh, tin rằng nguồn tài nguyên khoáng sản sẽ là thế mạnh thúc đẩy phát triển KT-XH ngày càng nhanh, bền chắc.
Ý kiến bạn đọc