Giải pháp thu hút vốn đầu tư nước ngoài

18:01, 14/09/2011

HGĐT- Số liệu thống kê mới công bố của Cục đầu tư nước ngoài FIA/MPI cho biết: Trên địa bàn tỉnh ta hiện có 7 dự án đầu tư nước ngoài còn hiệu lực, với tổng số vốn đăng ký 9,89 triệu USD, trong đó vốn điều lệ chiếm 9,31 triệu USD. Viêc thu hút vốn vào địa bàn tỉnh ta đang phải cạnh tranh với các địa phương khác có lợi thế hơn về vị trí và quy hoạch thu hút vốn đầu tư nước ngoài.


Hoạt động thu hút vốn đầu tư là quá trình huy động, sử dụng các nguồn vốn phục vụ sản xuất, kinh doanh nhằm cung cấp dịch vụ và sản phẩm đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của cá nhân, xã hội. Hiện có 3 hình thức tiếp nhận vốn đầu tư chính gồm trực tiếp, gián tiếp và tín dụng quốc tế. Đối với các nước, địa phương đang phát triển, nơi có thị trường tiềm năng, nguồn nguyên liệu phong phú, lực lượng lao động trẻ, dồi dào nhưng lại đang ở trình độ phát triển thấp, thiếu vốn đầu tư, công nghệ lạc hậu, kinh nghiệm quản trị kinh doanh hạn chế...thì vai trò của dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) bên cạnh 6 nguồn vốn đầu tư phát triển toàn xã hội khác như nguồn ngân sách Nhà nước, Trái phiếu Chính phủ, vốn tín dụng đầu tư theo kế hoạch Nhà nước, vốn đầu tư của dân cư và tư nhân, vốn huy động khác là rất quan trọng.


Thu hút thành công nguồn vốn FDI không chỉ là nhiệm vụ riêng của các cấp quản lý địa phương, vai trò quản lý của địa phương rất quan trọng nếu như biết thông qua các hoạt động đầu tư để hướng tới mục tiêu tái cơ cấu kinh tế. Với đặc thù của một tỉnh miền núi, biên giới, điều kiện KT-XH hết sức khó khăn, xuất phát điểm đi lên của nền kinh tế thấp, thì có thêm các nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài cùng các nguồn đầu tư của Chính phủ sẽ góp phần quan trọng trong việc thay đổi kết cấu hạ tầng, nâng cao đời sống, đảm bảo an sinh xã hội. Đến thời điểm hiện tại, trên địa bàn tỉnh ta có 7 dự án đầu tư nước ngoài còn hiệu lực, tổng số vốn đăng ký 9,89 triệu USD, trong đó vốn điều lệ chiếm 9,31 triệu USD. Việc thu hút vốn đầu tư nước ngoài vào địa bàn tỉnh ta đang phải cạnh tranh với các địa phương vùng đồng bằng Sông Hồng và những tỉnh lân cận. Bởi lẽ, họ đã có cam kết ưu đãi thu hút vốn FDI sớm hơn, có cơ sở cho việc mở rộng sản xuất sớm hơn tỉnh ta, môi trường đầu tư và lợi thế so sánh của tỉnh ta với các vùng lân cận cũng còn nhiều điểm chênh lệch quá lớn.


Tiến sỹ Phạm Hùng Tiến - Đại học Kinh tế (ĐHQG Hà Nội) nhận định: Cho đến nay, Hà Giang vẫn phụ thuộc rất nhiều vào nguồn vốn bên ngoài để phát triển cơ sở vật chất, chưa đạt tới mức độ có thể tự phát triển, tự đầu tư để tạo ra những nền tảng thúc đẩy phát triển kinh tế. Tuy nhiên, Hà Giang cũng có lợi thế đó là: Giá trị của Công viên địa chất toàn cầu; tiềm năng phát triển du lịch sinh thái của khu bảo tồn thiên nhiên Tây Côn Lĩnh; tài nguyên sinh vật phong phú và đa dạng sinh học khá cao; giá trị của văn hóa dân tộc đa dạng, giàu bản sắc; điều kiện tự nhiên đặc biệt cho phép tạo ra những sản phẩm nông nghiệp có giá trị cao... Những lợi thế này cần phải được các nhà quản lý địa phương khẳng định khi xem xét cơ cấu các đối tác đầu tư vào địa bàn tỉnh. Môi trường đầu tư của tỉnh đang trong giai đoạn cải thiện, việc đơn giản hóa các thủ tục kinh doanh sẽ là thuận lợi cho thu hút đầu tư. Mỗi khi có dự án lớn được cấp phép đầu tư, thì sẽ tạo ra hiệu ứng lan tỏa về sự tin cậy đối với môi trường đầu tư và sẽ kéo được các nhà đầu tư tiềm năng vào địa bàn tỉnh. Nếu như ở cấp độ quốc gia, môi trường kinh doanh là điều kiện cần đối với tăng trưởng nhanh, bền vững, còn ở cấp độ địa phương như Hà Giang, các yếu tố cơ sở hạ tầng kỹ thuật cũng đóng vai trò quan trọng như phát triển nguồn nhân lực kỹ thuật, quản lý và kinh doanh.


Nguyện vọng của các nhà đầu tư cũng cần phải được nhìn nhận một cách tổng thể, bởi họ không chỉ quan tâm đến cơ sở hạ tầng kỹ thuật, khả năng huy động nguồn nhân lực, những giải pháp tài chính, họ còn tìm hiểu mạng lưới doanh nghiệp đang hoạt động tại địa phương. Khi các doanh nghiệp lớn, đặc biệt doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài triển khai đầu tư, họ sẽ tạo lực hút các doanh nghiệp vệ tinh khác cùng chuyển đến, tạo nên nhóm, cụm ngành nghề. Vấn đề hiện nay là làm sao để các doanh nghiệp nước ngoài có thể tiếp cận được với các nguồn thông tin, làm thế nào để Hà Giang tiếp thị hình ảnh là một địa điểm đầu tư hấp dẫn.


Nằm ở vị trí điểm đầu khu vực kinh tế vùng biên, điểm tiếp giáp nối liền các hoạt động ngoại thương, do vậy khi đưa ra giải pháp về môi trường đầu tư, Hà Giang cần tính đến yếu tố tổng thể là sự phối hợp đa ngành và liên kết vùng. Để có được một thế hệ đầu tư nước ngoài chất lượng, thân thiện với môi trường, thay vì nhiều giải pháp hỗ trợ tản mạn, phân tán từ tỉnh đến huyện, ngành, sản phẩm, địa bàn như hiện nay thì nên ưu đãi cả gói, dành cho nhóm các nhà đầu tư trong một cụm ngành nghề nhất định. Hà Giang cần có quy hoạch tổng thể cho hoạt động FDI, trên cơ sở đó, khẩn trương rà soát địa điểm cũ, xây dựng danh mục địa điểm, dự án mới kêu gọi đầu tư nước ngoài, danh mục ưu đãi đầu tư để giúp các nhà đầu tư có thêm thông tin trước khi quyết định đầu tư. Quy hoạch phát triển cấp tỉnh thông qua vốn FDI phải xác định rõ nên bắt đầu từ đâu, phân bổ nguồn lực ra sao, ưu tiên các khâu nào trước để giải quyết vấn đề.


Cũng theo Tiến sỹ Phạm Hùng Tiến, có những nền kinh tế trên thế giới đã tự tiếp thị hình ảnh rất tốt, chỉ bằng cách nói nước họ có rất nhiều người nói tiếng Anh, quy định kinh doanh đơn giản, nằm sát trung tâm công nghiệp hay vùng du lịch nổi tiếng...những vấn đề tưởng như đơn giản nhưng mang lại hiểu quả kinh tế cao. Hà Giang hoàn toàn có thể tham khảo, vận dụng linh hoạt kinh nghiệm thu hút dòng vốn FDI vào thực tế của địa phương.


THIÊN THANH

Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

Việt Vinh, Tân Thành vào mùa thu hái lá giang
HGĐT- Giống như mọi năm, năm nay mùa thu hái lá giang của bà con các xã Việt Vinh, Tân Thành (Bắc Quang) đang sôi động vào mùa.
14/09/2011
Làm gì để “giàu” từ khoáng sản?
HGĐT- Nguồn tài nguyên “chiến lược”:Trong các nguồn tài nguyên có 2 nhóm khoáng sản được các quốc gia trên thế giới xếp vào loại “Tài nguyên chiến lược” là: dầu mỏ - và mỏ kim loại. Trong giai đoạn bùng nổ kinh tế hiện nay nhiều quốc gia đã cạn kiệt nguồn tài nguyên chiến lược buộc phảI thắt chặt công tác quản lý sử dụng.
14/09/2011
Tăng cường công tác bảo vệ và phát triển rừng
HGĐT- Nhiều năm qua, công tác quản lý, bảo vệ rừng, tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật, trọng tâm là Luật Bảo vệ và Phát triển rừng và các văn bản quy phạm pháp luật trong nhân dân, đã có những chuyển biến tích cực, rừng ngày càng được mở rộng, bảo vệ tốt hơn. Kết quả đó đã góp phần quan trọng vào việc thực hiện thắng lợi nhiệm vụ đẩy mạnh phát triển kinh tế – xã hội
14/09/2011
Triển khai nhiệm vụ cuối năm và quán triệt Chỉ thị 02 của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam
HGĐT- Sáng 10.9, Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh tỉnh Hà Giang tổ chức Hội nghị triển khai nhiệm vụ trọng tâm những tháng cuối năm 2011 và quán triệt thực hiện Chỉ thị số 02/CT-NHNN của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam. Dự có lãnh đạo Ngân hàng nhà nước Chi nhánh tỉnh, lãnh đạo các Chi nhánh Ngân hàng Nhà nước đóng chân trên địa bàn, cùng đại diện các phòng ban liên quan đến ngân hàng.
12/09/2011