Chi cục Quản lý chất lượng NLS - TS nâng cao uy tín nông sản của tỉnh
HGĐT- Trong tâm thức của nhiều con dân đất Việt, nhất là những người có thú vui thưởng thức hương thơm thanh khiết của chè xanh vào mỗi buổi sáng, thì sản phẩm chè Shan tuyết, chè sạch Hà Giang không thể thiếu trong mỗi gia đình.
Không chỉ khi nạn chè “bẩn” thỉnh thoảng lại hoàn hành, đe dọa uy tín, chất lượng chè các tỉnh miền núi phía Bắc, nhiều người mới chọn sản phẩm chè Hà Giang như một giải pháp an toàn, mà từ lâu chè Shan tuyết Hà Giang luôn được người sành chè trong và ngoài nước ưa chuộng. Nhằm giữ uy tín sản phẩm chè, bản thân người dân vùng chè và các doanh nghiệp chế biến trên địa bàn tỉnh luôn quan tâm, chú trọng đến chất lượng sản phẩm. Tuy nhiên, cũng có lúc, có nơi, có cơ sở chế biến chè mini đã buông lỏng công tác vệ sinh an toàn thực phẩm. Chấn chỉnh tình trạng này, Chi cục Quản lý chất lượng nông, lâm sản -thủy sản (NLS-TS) đã tổ chức các đoàn kiểm tra và đưa ra nhiều khuyến cáo nhằm giữ vững uy tín, chất lượng sản phẩm chè sạch có xuất sứ Hà Giang.
Cho đến nay, Chi cục Quản lý chất lượng NLS - TS là đơn vị duy nhất trên địa bàn tỉnh có chức năng quản lý Nhà nước về chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm đối với nông, lâm, thủy sản trong quá trình sản xuất đến khi thực phẩm được đưa ra thị trường nội địa hoặc xuất khẩu; thực hiện các chương trình giám sát về chất lượng, vệ sinh an toàn sản phẩm nông, lâm, thủy sản trong quá trình trồng trọt, chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản, thu hoạch, đánh bắt, thu gom, giết mổ động vật, sơ chế, chế biến, bao gói, bảo quản, bán buôn, vận chuyển đến khi sản phẩm được đưa ra thị trường; kiểm tra, chứng nhận chất lượng an toàn vệ sinh thực phẩm đối với sản phẩm nông, lâm, thủy sản sản xuất tại các cơ sở trên địa bàn quản lý trước khi đưa ra thị trường địa phương...
Trở lại với việc kiểm tra chất lượng sản phẩm chè, Chi cục đã tiến hành khảo sát tại các vùng chè Vị Xuyên, Bắc Quang, Quang Bình, Hoàng Su Phì, Xín Mần. Kiểm tra thực tế vùng chè Tiên Nguyên (Quang Bình) cho thấy, nơi đây hiện có 665 ha chè, chủ yếu là chè Shan tuyết, năng suất bình quân 30 tạ/ha, sản lượng chè khô sơ chế mỗi năm của cả vùng đạt khoảng 1 nghìn tấn. Trên địa bàn xã có 200 máy chè mini đang hoạt động, qua kiểm tra điểm 5 cơ sơ chế biến cho thấy, các cơ sở này chưa có ý thức trong việc đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, việc chế biến chè vàng còn để trực tiếp sản phẩm sơ chế trên nền nhà, sản phẩm sau khi sơ chế được phơi bên cạnh đường giao thông, nhiều bụi bẩn nên nguy cơ gây ô nhiễm, mất an toàn vệ sinh rất cao, hệ thống nhà xưởng, thiết bị chế biến chè cũng chưa đảm bảo vệ sinh. Tình trạng các cơ sở chế biến chè vàng không đảm bảo vệ sinh cũng xảy ra ở những địa bàn như Hoàng Su Phì, Xín Mần, sản phẩm chè sơ chế thường được phơi gần đường giao thông, gần khu chăn nuôi gia súc nên dễ dẫn đến nguy cơ không đảm bảo vệ sinh.
Qua kiểm tra, Chi cục cũng khẳng định: Trên địa bàn tỉnh không xuất hiện tình trạng trộn tạp chất (đất bùn, bột đá) và nhuộm chè gây mất an toàn, ảnh hưởng đến thương hiệu chè của tỉnh. Từ thực tế kết quả kiểm tra, Chi cục đã tuyên truyền, vận động để bản thân người trồng chè, cơ sở sản xuất, chế biến chè nâng cao ý thức, tinh thần trách nhiệm trong việc giữ vệ sinh sản phẩm, không trộn tạp chất, nhuộm màu trong chế biến làm mất uy tín, thương hiệu chè Hà Giang. Qua đó, nhiều cơ sở chế biến chè mini, đặc biệt các cơ sở chế biến chè vàng đã nhận thức được những hạn chế và có hướng khắc phục, không để việc làm, hành động thiếu hiểu biết ảnh hưởng đến sản phẩm chè của tỉnh.
Trao đổi với chúng tôi, ông Phạm Đức Tuấn, Chi cục phó Chi cục Quản lý chất lượng NLS - TS cho biết: Thực tế trên địa bàn tỉnh đang có tình trạng sản xuất thiếu quy hoạch đồng bộ, không có chiều sâu nên dễ dẫn đến phá vỡ cân bằng sinh thái; hệ thống quản lý chưa đồng bộ, đôi khi còn lúng túng; cơ sở vật chất phục vụ công tác đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm chưa đáp ứng đầy đủ; việc phát triển sản xuất nông nghiệp tốt, an toàn (VietGAP) chưa được quy hoạch thành vùng... Từ thực trạng đó, với chức năng, nhiệm vụ được giao, Chi cục luôn xác định làm tốt công tác tham mưu quy hoạch vùng sản xuất rau, quả, chè, lúa, gạo theo thực hành nông nghiệp tốt (GAP) và VietGAP, đồng thời xây dựng đề án, chính sách hỗ trợ sản xuất, chế biến theo tiêu chuẩn trên; thực hiện một số mô hình mẫu về sản xuất VietGAP trên rau, quả, chè, lúa, gạo.
Từ đầu năm đến nay, Chi cục đã thực hiện hỗ trợ hộ nghèo xã Đạo Đức (Vị Xuyên) sản xuất rau theo hướng an toàn; hỗ trợ thực hiện mô hình đầu tư thâm canh chè Shan tuyết theo hướng an toàn tại xã Xuân Minh (Quang Bình); xây dựng chính sách nâng cao giá trị sản xuất nông nghiệp theo hướng bền vững; mô hình trồng rau theo hướng an toàn tại xã Ngằm Đăng Vài (Hoàng Su Phì). Bên cạnh đó, Chi cục còn phối hợp với các cơ quan chức năng, mở nhiều đợt tập huấn nhằm nâng cao nhận thức của người dân về sản xuất, chế biến nông, lâm, thủy sản sạch, an toàn, thân thiện với môi trường... Những hoạt động của Chi cục đang góp phần làm lành mạnh hóa hoạt động sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm, uy tín, thương hiệu nông sản hàng hóa của Hà Giang trên thị trường, từ đó tạo đầu ra ổn định cho sản phẩm, nâng cao đời sống người dân.
Ý kiến bạn đọc