Tính chuyên nghiệp trong hoạt động bán đấu giá tài sản
HGĐT - Năm 2010, Nghị định 71 của Chính phủ ra đời quy định về nguyên tắc, trình tự, thủ tục bán đấu giá tài sản, đấu giá viên, tổ chức bán đấu giá tài sản và quản lý Nhà nước đối với hoạt động bán đấu giá tài sản. Đây là văn bản pháp quy rất quan trọng, thể hiện trình tự thực hiện và giúp hoạt động bán đấu giá tài sản phát triển theo hướng chuyên nghiệp.
Theo tinh thần Nghị quyết 71, các loại tài sản được tiến hành bán đấu giá gồm: Tài sản thi hành án theo quy định của pháp luật; tài sản là tang vật, phương tiện vi phạm hành chính bị tịch thu sung quỹ Nhà nước theo quy định của pháp luật; tài sản bảo đảm trong trường hợp pháp luật về giao dịch đảm bảo xử lý bằng đấu giá; tài sản Nhà nước được xử lý bằng bán đấu giá theo quy định của pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước, tài sản là quyền sử dụng đất trong trường hợp Nhà nước giao đất có thu tiền sử dụng đất hoặc cho thuê đất được bán đấu giá theo quyết định của cơ quan có thẩm quyền. Việc bán đấu giá tài sản được thực hiện theo nguyên tắc công khai, liên tục, khách quan, trung thực, bình đẳng, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của các bên tham gia, mọi cuộc bán đấu giá đều phải do đấu giá viên điều hành theo đúng trình tự, thủ tục quy định.
Từ khi Nghị định 71 ra đời, hoạt động bán đấu giá tài sản trên địa bàn tỉnh ta có nhiều khởi sắc và đang từng bước tiến lên chuyên nghiệp. Sau nhiều năm đi vào hoạt động, Trung tâm dịch vụ bán đấu giá tài sản (Sở Tư pháp) đã tổ chức thành công nhiều cuộc bán đấu giá, nguồn kinh phí thu được từ dịch vụ bán đấu giá đóng góp một phần vào việc tăng thu ngân sách Nhà nước. Mặc dù hiện nay, Trung tâm chỉ có hai đấu giá viên đủ điều kiện điều hành cuộc bán đấu giá theo quy định của pháp luật, nhưng đã khẳng định rõ tính chuyên nghiệp qua việc điều hành, tổ chức thành công nhiều cuộc bán đấu giá và số tiền bán tài sản thường cao hơn nhiều so với mức giá khởi điểm. Ông Phạm Ngọc An, Giám đốc Trung tâm dịch vụ bán đấu giá tài sản, đồng thời cũng là đấu giá viên chia sẻ: Một trong những yếu tố tác động rất lớn đến hoạt động bán đấu giá tài sản thời gian qua chính là đội ngũ cán bộ. Nhìn chung, trình độ cán bộ của trung tâm tương đối đồng đều song phần lớn chưa qua tập huấn nghiệp vụ bán đấu giá tài sản nên việc tham mưu chưa sâu, chưa đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ. Bên cạnh đó, đội ngũ đấu giá viên, viên chức vừa thiếu, vừa chậm đổi mới, trụ sở làm việc chật hẹp, thiếu phương tiện, máy móc bổ trợ cần thiết cho hoạt động bán đấu giá, không có kho bãi để cất trữ, trưng bày tài sản bán đấu giá...
Vượt qua những khó khăn đó, đội ngũ cán bộ, đấu giá viên của Trung tâm dịch vụ bán đấu giá tài sản đã hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, nhiều cuộc bán đấu giá được tổ chức thành công với giá bán tài sản gấp nhiều lần so với giá khởi điểm của tài sản được cơ quan chức năng định giá. Cụ thể như: Cuộc bán đấu giá xe ô tô Accoord được tổ chức trong tháng 6 vừa qua, giá khởi điểm được tính 75 triệu đồng, sau khi mở phiên đấu giá, giá trị của xe được đẩy lên 225 triệu đồng, vượt 150 triệu đồng so với giá khởi điểm, số tiền nộp ngân sách Nhà nước trên 2 triệu đồng; hoặc cuộc bán đấu giá hệ thống dây chuyền, máy móc của chủ sở hữu là Ngân hàng Đầu tư phát triển, giá khởi điểm của hợp đồng 410,657 triệu đồng, khi chuyển qua trung tâm và tổ chức bán đấu giá, số tài sản trên bán được 560 triệu đồng, vượt giá khởi điểm gần 150 triệu đồng, số phí nộp ngân sách Nhà nước trên 5,6 triệu đồng... Từ đầu năm đến nay, Trung tâm đã thực hiện ký 24 hợp đồng tài sản là quyền sử dụng đất, tang vật, phương tiện tịch thu theo quyết định xử lý vi phạm hành chính, tài sản của Hội đồng bán đấu giá cấp huyện, tài sản bảo đảm của các tổ chức tín dụng, tài sản để thi hành án với giá khởi điểm trên 5,4 tỷ đồng, bán đấu giá thành công và thành công một phần 22 hợp đồng, giá khởi điểm trên 4,6 tỷ đồng, giá bán gần 5,8 tỷ đồng, vượt giá khởi điểm trên 1,1 tỷ đồng, tổng số phí thu được trên 70 triệu đồng, nộp ngân sách Nhà nước trên 21 triệu đồng. Việc triển khai thực hiện các hợp đồng và tổ chức các phiên bán đấu giá tài sản được thực hiện theo đúng các quy định của pháp luật về bán đấu giá tài sản.
Trao đổi với chúng tôi, ông Phạm Ngọc An nhấn mạnh: Thành công nhất trong hoạt động của Trung tâm dịch vụ bán đấu giá tài sản đó là đưa tài sản trở về đúng mặt bằng giá trị thực tế của nó, tạo sự công khai, lành mạnh trong hoạt động bán đấu giá tài sản, góp phần tăng thu ngân sách địa phương thông qua việc tổ chức thành công các phiên đấu giá.
Ý kiến bạn đọc