Mèo Vạc phát triển cây mắc rạc phủ xanh đất trống đồi núi trọc

17:13, 26/08/2011

HGĐT- Với tiềm năng, thế mạnh sẵn có của địa phương, trong những năm qua huyện Mèo Vạc đã không ngừng tập trung lãnh đạo, chỉ đạo đồng bào các dân tộc trên địa bàn phát triển các loại cây lâm nghiệp, nhằm góp phần phủ xanh đất trống đồi núi trọc, cải thiện môi trường sinh thái, nhất là chống rửa trôi, sói mòn, tăng cường chất đốt, bổ sung thức ăn xanh cho gia súc về mùa khô.


Những kết quả đạt được từng bước đưa kinh tế nông, lâm nghiệp của huyện ngày càng phát triển. Cùng với các loại cây lâm nghiệp khác được đưa vào gieo trồng, trong những năm qua huyện đã mạnh dạn đưa cây Mắc rạc, một loại cây trồng mới vào gieo trồng và đem lại hiệu quả khả quan.


Huyện Mèo Vạc có tổng diện tích tự nhiên là 57.437,0 ha, trong đó diện tích đất lâm nghiệp là 26.463 ha, chiếm 46,7 % tổng diện tích tự nhiên của huyện. Trong đó, đất chưa sử dụng là 11.585,5 ha, đất phi nông nghiệp 1.756,5 ha. Với điều kiện tự nhiên khắc nghiệt, địa hình chia cắt phức tạp, diện tích rừng của huyện chủ yếu là rừng đầu nguồn, rừng phòng hộ. Vì vậy, việc triển khai trồng rừng phủ xanh đất trống đồi núi trọc được huyện đặc biệt quan tâm. Trong những năm qua, việc triển khai Dự án 327, Dự án 661 trồng rừng tập trung đạt được nhiều hiệu quả rõ rệt, góp phần phát triển kinh tế, xã hội, tăng độ che phủ của rừng lên 30,6%. Song, do điều kiện tự nhiên và khí hậu khắc nghiệt, các loài cây đưa vào trồng tập trung chủ yếu là cây thông, sa mộc, mỡ, lát, keo... phát triển chậm tạo độ che phủ thấp. Năm 2000, huyện đã mạnh dạn mua hạt cây Mắc rạc từ tỉnh Cao Bằng về trồng thử nghiệm 10 ha trên núi đá xen đất bạc mầu tại xã Giàng Chu Phìn và Cán Chu Phìn. Năm 2002, Dự án HPM - hợp phần lâm nghiệp tiếp tục đầu tư trồng 100 ha tại các xã Giàng Chu Phìn, Cán Chu Phìn, Lũng Pù, thị trấn Mèo Vạc, Tả Lủng, Sủng Trà, Sủng Máng, Lũng Chinh, Pả Vi và xã Pải Lủng. Sau 12 năm triển khai trồng thử nghiệm cho thấy, cây Mắc rạc là loài cây đa tác dụng, rất phù hợp với điều kiện vùng cao núi đá. Đến nay, cây có chiều cao trung bình từ 3 - 5 m và đã cho khai thác củi để cung cấp chất đốt, sau khi khai thác khả năng tái sinh rất tốt và tái sinh được nhiều lần.


Trong quá trình thực hiện từ 1999 đến 2002, dự án mới chỉ dừng lại ở mức độ hỗ trợ hạt giống cho nhân dân gieo trồng, công tác kiểm tra, giám sát thực hiện chưa được chú trọng dẫn đến tỷ lệ thành rừng thấp, nhiều diện tích sau khi trồng người dân khai thác khi cây còn quá nhỏ nên không có khả năng tái sinh hạt hoặc nảy chồi được. Ngoài ra, Mắc rạc là cây gỗ nhỏ nên không có giá trị kinh tế về gỗ, do đó chưa được nhân dân quan tâm đầu tư, phát triển. Đây cũng là loài cây mới được đưa về trồng khảo nghiệm nên chưa có quy trình kỹ thuật phù hợp, trồng theo kinh nghiệm là chủ yếu nên diện tích trồng không đạt như mong muốn, mật độ trồng quá dầy, nhiều hộ đã không cuốc hố mà quãi thẳng trên nền đất, vì vậy tỷ lệ cây mọc thấp hoặc bị chuột, côn trùng ăn ảnh hưởng đến tỷ lệ nảy mầm. Tuy nhiên, sau khi trồng cho thấy cây Mắc rạc khá phù hợp với điều kiện tự nhiên, khí hậu của huyện, cây có thể sống và phát triển tại những vùng đất khô cằn trên núi đá xen lẫn đất không thể trồng loài cây khác, cây có bộ rễ khỏe cắm sâu vào đất. Khi còn nhỏ, rễ phát triển dài gấp 2-3 lần thân cây nên chống chịu được hạn hán, rét đậm. Diện tích trồng từ năm 2009 đến nay có chiều cao từ 4- 5m, đường kính thân cây từ 5 đến 10 cm, cây xanh quanh năm, gỗ cứng chắc, người dân thu hái thân cây làm củi, lá cây được sử dụng làm thức ăn chăn nuôi. Đặc biệt, cây Mắc rạc có khả năng tái sinh chồi mạnh và khả năng phát tán hạt rất cao. Qua khảo sát sơ bộ cho thấy, 1 ha cây Mắc rạc nếu khai thác đúng quy trình kỹ thuật sẽ cho thu hoạch từ 1,8 Ste đến 3,0 Ste củi, chưa kể lượng lá cành nhỏ làm thức ăn cho gia súc. Hiện nay toàn huyện có 111,2 ha cây Mắc rạc, trong đó diện tích cho thu hái hạt giống là 40 ha.


Để phát huy tiềm năng, lợi thế của từng tiểu vùng trong phát triển lâm nghiệp, huyện đã đề ra nhiều giải pháp tích cực và đồng bộ, từ năm 2011 - 2015 huyện chủ trương tiếp tục mở rộng diện tích trồng cây Mắc rạc lên 1.700 ha, trong đó nhà nước đầu tư 1.200 ha,nhân dân các xã đã có diện tích trồng trước đây thu hái hạt tự trồng nhân rộng 500 ha, trong đó trồng mới 40 ha, chăm sóc, bảo vệ 111,2 ha nhằm chủ động cung cấp hạt giống. Đến năm 2015, phát triển diện tích cây Mắc rạc cùng với các chương trình khoanh nuôi bảo vệ và phát triển rừng của Dự án 661 sẽ nâng cao độ che phủ rừng toàn huyện lên 36%, góp phần bổ sung thức ăn cho đàn gia súc vào mùa khô là 20% trong khẩu phần ăn. Mặt khác, cung cấp chất đốt tại chỗ, thường xuyên cho trên 2.000 hộ gia đình, góp phần giảm thiểu áp lực nhu cầu chất đốt lên rừng tự nhiên, hạn chế nạn chặt phá rừng. Tập trung triển khai trồng tại 18 xã, thị trấn để giữ đất, chống rửa trôi và hoang hóa, trồng xen vào các diện tích cỏ với mật độ cho phép, núi đất xen đá, đất chưa sử dụng, đất phi nông nghiệp...Trồng làm giàu rừng tại các vùng đệm của rừng tự nhiên, rừng thưa tạo băng xanh cản lửa, tập trung trồng trên các đỉnh núi cao để sau này quả rụng sẽ tự nhân rộng với phương thức gieo hạt thẳng. Đảm bảo đủ diện tích, mật độ, đúng trọng tâm theo định hướng chung, phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương.


Trên cơ sở nguồn vốn hỗ trợ của Nhà nước từ Nghị quyết 30a của Chính phủ đầu tư mua hạt giống, hỗ trợ nhân công lao động, phân bón cho 1.200 ha diện tích cây Mắc rạc và với nguồn giống sẵn có, các xã, thị trấn hướng dẫn, đôn đốc và vận động nhân dân tự nhân rộng 500 ha tại các khu vực ven nương rẫy, khu vực núi đá, xung quanh nhà. Tranh thủ các nguồn vốn đầu tư, hỗ trợ của nhà nước, kết hợp cùng với các điều kiện sẵn có của địa phương như đất đai, thời tiết khí hậu, sức lao động, giống và kinh nghiệm của nhân dân, đẩy mạnh việc chuyển giao KHKT, nhằm phát triển nhanh về số lượng, đảm bảo về chất lượng đối với việc phát triển diện tích cây Mắc rạc. Từ năm 2011 – 2015 nguồn giống cung cấp chủ yếu mua tại Cao Bằng, đẩy nhanh trồng mới, đầu tư thâm canh 40 ha trong năm 2011 tại 4 xã núi đất Niêm Sơn, Niêm Tòng, Nậm Ban, Tát Ngà; bảo vệ và chăm sóc tốt 111,2 ha hiện có thành vùng chuyên cung cấp giống có chất lượng tốt để trồng trong huyện và cung cấp giống cho 4 huyện vùng cao núi đá sau này. Về vốn, hỗ trợ nhân dân mở rộng, phát triển diện tích bằng nguồn vốn 30a của Chính phủ và các nguồn vốn từ chương trình dự án khác của Nhà nước. Tận dụng các diện tích đất nông, lâm nghiệp chưa sử dụng, đất trồng ngô đã bỏ hoang hoá nhiều năm, khu vực ven các bờ nương, kè đá, ven các tuyến đường dân sinh, khu vực núi đá xen lẫn đất, đất chưa sử dụng, đất phi nông nghiệp để trồng, nhằm tận dụng tối đa các quỹ đất sẵn có. Bên cạnh đó, tăng cường công tác tuyên truyền, tập huấn kỹ thuật cho nhân dân, hướng dẫn nhân dân thu hái hạt giống, bảo quản và xử lý hạt phục vụ tại chỗ cho công tác trồng và nhân rộng diện tích. Mật độ trồng 2.000 – 3.000 cây/1 ha. Định mức giống 22 kg hạt/1 ha. Hướng dẫn và chuyển giao KHKT cho nhân dân, các biện pháp bảo quản và xử lý ngâm ủ thức ăn cho gia súc từ lá cây, đồng thời khai thác hợp lý làm củi đun. Thường xuyên tập huấn nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ khuyến nông từ huyện đến cơ sở. Hàng năm, mở các lớp tập huấn về kỹ thuật trồng, vận động nhân dân tranh thủ những ngày nông nhàn đẩy nhanh phát triển diện tích cây Mắc rạc.


HIẾN CHƯƠNG

Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

Hội thảo xúc tiến đầu tư
HGĐT- Ngày 21.8, tại khu KTCK Thanh Thủy, UBND tỉnh tổ chức Hội thảo xúc tiến đầu tư năm 2011.
22/08/2011
Tập đoàn Công nghiệp Tây Giang đồng hành cùng sự phát triển của tỉnh
HGĐT- Trong những ngày tháng tám lịch sử, hòa chung với không khí thi đua lao động sản xuất lập thành tích chào mừng cách mạng tháng 8 và quốc khánh 2.9, chào mừngkỷ niệm 120 năm ngày thành lập tỉnh; tập thể cán bộ, công nhân viên công ty cổ phần mangan việt bắc, thuộc tập đoàn công nghiệp tây giang, vinh dự được đón đồng chí Nguyễn Thị Kim Ngân, Bí Thư TƯ đảng, Phó Chủ tịch
22/08/2011
Khai mạc Hội chợ Thương mại Quốc tế xúc tiến đầu tư và việc làm Hà Giang năm 2011
HGĐT- Tối 20.8, tại Khu kinh tế cửa khẩu Thanh Thủy, UBND tỉnh phối hợp với Công ty Cổ phần Hội chợ triển lãm Quốc tế VINEXPO tổ chức khai mạc Hội chợ Thương mại Quốc tế xúc tiến đầu tư và việc làm Hà Giang năm 2011.
20/08/2011
Tính chuyên nghiệp trong hoạt động bán đấu giá tài sản
HGĐT - Năm 2010, Nghị định 71 của Chính phủ ra đời quy định về nguyên tắc, trình tự, thủ tục bán đấu giá tài sản, đấu giá viên, tổ chức bán đấu giá tài sản và quản lý Nhà nước đối với hoạt động bán đấu giá tài sản. Đây là văn bản pháp quy rất quan trọng, thể hiện trình tự thực hiện và giúp hoạt động bán đấu giá tài sản phát triển theo hướng chuyên nghiệp.
19/08/2011