Hội Chọi bò - “đòn bẩy” phát triển chăn nuôi ở Mèo Vạc

19:02, 17/08/2011

HGĐT- Người xưa có câu: “Con trâu là đầu cơ nghiệp”. Nhưng đối Mèo Vạc, một huyện vùng cao núi đá nơi địa đầu Tổ quốc thì con bò mới chính là “Đầu cơ nghiệp” của bà con nông dân các dân tộc nơi đây.


 

 Cán bộ Phòng No&PTNT Mèo Vạc đo vòng ngực bò để kiểm tra cân nặng của các chú bò đăng ký dự thi Hội Chọi bò Mèo Vạc, lần thứ Nhất - 2011.


Chính nhờ các chương trình, dự án của Nhà nước đầu tư, hỗ trợ cho người dân nên giờ đây chăn nuôi gia súc, nhất là con bò đã trở thành một trong những mũi nhọn không chỉ thúc đẩy nền kinh tế của huyện tăng trưởng mà còn là một trong những con xóa đói, giảm nghèo vững chắc của Mèo Vạc.


Những ngày này, đến với huyện Mèo Vạc bạn sẽ thấy một bầu không khí hết sức náo nhiệt. Mỗi ngày qua đi lại càng gần đến ngày diễn ra Hội Chọi bò huyện Mèo Vạc lần thứ nhất, năm 2011 được diễn ra từ ngày 23 - 24.8.2011 tại Sân vận động trung tâm thị trấn Mèo Vạc. Đây là một hoạt động ẩn chứa trong đó rất nhiều ý nghĩa, không chỉ là hoạt động chào mừng kỷ niệm 120 năm Ngày thành lập tỉnh Hà Giang; kỷ niệm 20 năm Ngày tái lập tỉnh mà còn có một ý nghĩa hơn là thông qua Hội Chọi bò để huyện Mèo Vạc duy trì, phát triển lễ hội, làm phong phú thêm các hoạt động trong đời sống văn hóa tinh thần của bà con các dân tộc sinh sống trên địa bàn cũng như tạo động lực cho bà con nhân dân chú tâm hơn nữa đến nghề nuôi bò, một thế mạnh lớn của địa phương. Đến nay, mọi công tác chuẩn bị đã, đang được huyện triển khai khẩn trương, với mong muốn đem đến cho du khách, khán giả những trận đấu hấp dẫn, quyết liệt giữa các “chú bò” trên Cao nguyên đá.


Tuy là lần đầu tiên tổ chức Hội Chọi bò nên dù sao các cấp lãnh đạo huyện sẽ gặp rất nhiều bỡ ngỡ từ khâu chuẩn bị cơ sở vật chất, trang thiết bị, sân bãi chọi, đến khâu tuyển lựa bò chọi... Nhưng qua công tác tìm hiểu thực tế của chúng tôi thì huyện huyện Mèo Vạc đã từng bước khắc phục mọi khó khăn về cơ sở vật chất, sân bãi, học hỏi kinh nghiệm tổ chức với quyết tâm tổ chức Hội chọi bò thành công... Ông Trần Kim Ngọc, Phó Chủ tịch UBND huyện Mèo Vạc, Trưởng ban tổ chức cho biết: “Để chủ động triển khai các công việc, Ban tổ chức các ngày lễ lớn của huyện đã thành lập 4 tiểu ban, phân công nhiệm vụ cụ thể cho các thành viên. Tổ chức đoàn công tác sang huyện Bảo Lâm (tỉnh Cao Bằng), là địa phương có truyền thống chọi bò hàng năm để học tập kinh nghiệm, cách thức tổ chức, sân bãi. Còn riêng về vấn đề sân bãi chọi, huyện sẽ sử dụng Sân vận động trung tâm huyện làm sới chọi. Dự kiến du khách đến xem hội chọi bò sẽ rất đông nên huyện đã chỉ đạo thị trấn Mèo Vạc, các ban, ngành liên quan tăng cường công tác đảm bảo an toàn trong dịp diễn ra chọi bò; có chỗ để xe cho du khách tránh tình trạng ùn tắc gây cản trở giao thông... Và một phần rất quan trọng để Hội chọi diễn ra thành công là việc tuyển lựa những chú bò tham gia chọi. Từ khi có kế hoạch tổ chức, huyện đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền đến tất cả các xã, thị trấn về kế hoạch tổ chức, điều lệ thi đấu, tiêu chuẩn bò chọi để các xã, tổ chức cá nhân chủ động lựa chọn bò tham gia chọi đạt tiêu chuẩn. Đồng thời cơ quan chuyên môn của huyện cũng đã tiến hành cân đo những chú bò mà các xã, thị trấn, các tổ chức cá nhân đăng ký tham gia chọi. Hội Chọi bò năm nay, Ban tổ chức dự kiến sẽ có khoảng 30 - 32 con bò của 18 xã, thị trấn tham gia chọi theo hình thức loại trực tiếp.


 

 Ông Vừ Sía Cơ đếm răng để xác định độ tuổi của bò dự thi.


Trong những ngày này các chủ bò đang dồn hết tâm huyết, công sức cho việc chăm sóc những chú bò của mình. Để có được một chú bò đạt tiêu chuẩn, các chủ bò đã không tiếc công sức cũng như tiền của để tìm kiếm, săn lùng những nơi có những con bò to khỏe để mua về thi chọi. Ông Vừ Sía Cơ, dân tộc Mông, trú tại tổ 4, thị trấn Mèo Vạc, một “lão chăn bò” chính hiệu, ông đã tích lũy được rất nhiều kinh nghiệm về chăn nuôi, tuyển chọn bò từ nhiều năm buôn bán bò đã quyết định tham dự Hội chọi bò lần này. Con bò mà ông đăng ký dự thi được mua tại chợ Mèo Vạc trong thời gian gần đây với giá gần 30 triệu đồng. Sau khi được cán bộ Phòng No&PTNT huyện xuống kiểm tra về độ tuổi, cân nặng, độ hăng của bò đều đạt và vượt tiêu chuẩn của Hội thi, ông đã gần như bỏ tất cả công việc để dồn sức chăm sóc, huấn luyện bò theo một chế độ đặc biệt mà chỉ riêng mình ông biết. Không chỉ riêng ông Cơ, các chủ bò đăng ký tham dự chọi bò đều lựa chọn được cho mình chú bò ưng ý và đang chăm sóc, tập luyện bằng nhiều phương pháp khác nhau với mong muốn bò của mình khi tham dự sẽ cống hiến cho khán giả những trận đấu hay, quyết liệt, kịch tính. Ông Mua Sìa Sá, tổ 2, thị trấn Mèo Vạc, tâm sự khi chúng tôi cùng cán bộ Phòng No&PTNT huyện đến kiểm tra bò chọi: “Từ xa xưa rồi, mình đã rất thích xem chọi bò, nay tỉnh, huyện tổ chức Hội Chọi bò tại Sân vận động thị trấn mình phải tham gia chứ. Cho nên khi cán bộ tuyên truyền về Hội chọi là mình bỏ sức, dồn tiền đi không biết là bao nhiêu xóm, nhiều gia đình để tìm cho được con bò ưng ý. Đấy cán bộ thấy con bò mình chọn to to là, nó mới 5 tuổi thôi mà nặng gần 5 tạ. Nó hăng lắm, với cách nuôi, huấn luyện bí mật của mình, mình tin là sẽ “ăn giải”...”.


Tới thời điểm hiện tại, tuy còn nhiều khó khăn với nhiều công đoạn, song với sự chuẩn bị tích cực, kỹ lưỡng, tạo thuận lợi nhất cho các chủ bò của huyện Mèo Vạc, hy vọng Hội Chọi bò lần đầu tiên tại huyện sẽ diễn ra thành công, an toàn, thu hút được đông đảo du khách và nhân dân đến tham gia, cổ vũ cho các trận đấu. Theo như quyết tâm của huyện Mèo Vạc đề ra thì Hội chọi bò Mèo Vạc lần thứ nhất sẽ không chỉ mang tính giải trí mà nó còn cổ vũ, là động lực cho phong trào chăn nuôi bò của đồng bào các dân tộc trên địa bàn. Thông qua cuộc thi để chọn ra những con giống tốt nhất, khỏe nhất nhằm giữ gìn nguồn gen bò quý hiếm của địa phương để phát triển và nhân rộng. Và cũng trong thời điểm trung tuần tháng 7.2011, tại xã Sủng Trà (Mèo Vạc), Báo Hà Giang đã phối hợp với huyện Mèo Vạc, xã Sủng Trà tổ chức mua, trao tặng trực tiếp 30 con bò giống cho 30 hộ gia đình nghèo có bò bị chết rét trong đợt rét hại đầu năm 2011 và một số hộ có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn không có trâu, bò cày kéo, với tổng số tiền là 200 triệu đồng. Hòa cùng với những hoạt động thiết thực kỷ niệm những ngày Lễ lớn của tỉnh thì đợt trao tặng bò của Báo Hà Giang cũng sẽ là động lực giúp cho đàn bò Mèo Vạc thật sự trở thành “cơ nghiệp” là “đòn bẩy” trong công tác xóa đói, giảm nghèo bền vững của huyện nhà...


PHI ANH

Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

Công ty Cổ phần cơ khí & khoáng sản: Vượt qua khó khăn, ổn định và phát triển sản xuất
HGĐT- Nửa đầu năm 2011, mặc dù nền kinh tế thế giới và trong nước có nhiều biến động, suy giảm, trong đó nổi cộm đầu năm là tình hình lạm phát, lãi ngân hàng tăng cao, sự tăng giá xăng dầu và giá nguyên liệu… làm ảnh hưởng không nhỏ đến sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp nói chung, của Công ty nói riêng.
17/08/2011
Nhiều hộ dân ở xã Tân Thành, Bắc Quang được mùa nhãn
HGĐT- Năm nay, mặc dù đầu năm thời tiết rét đậm, rét hại kéo dài, nhưng những cây nhãn ra hoa muộn lại có tỷ lệ đậu quả rất cao. Đó là nhận định của nhiều người dân ở xã Tân Thành, huyện Bắc Quang cũng như thực tế đang diễn ra ở rất nhiều xã trong huyện Bắc Quang, nơi mà không ít hộ dân đang rất phấn khởi trước một mùa nhãn bôi thu.
17/08/2011
“Chìa khoá vàng” mở cửa tương lai
HGĐT- Nhờ sử dụng vốn vay của Ngân hàng hiệu quả nên nhiều hộ gia đình trong tỉnh đã từng bước vươn lên thoát nghèo và làm giàu chính đáng. Với nhiều mô hình chăn nuôi, trồng trọt hàng năm cho thu nhập vài chục triệu đồng.
15/08/2011
Liên kết giữa các tổ chức, đơn vị sản xuất - kinh doanh và người lao động nhằm tạo nhiều cơ hội việc làm
HGĐT- Với dân số có đến gần 74 vạn người, lao động trong độ tuổi chiếm 65% và nguồn lao động tăng tại chỗ khoảng 19.000 người/năm. Đây có thể coi là một ưu thế của Hà Giang.
15/08/2011