Hỗ trợ người lao động khi giá cả tăng cao
Thời gian qua, giá cả hàng hóa, dịch vụ thiết yếu biến động, nhất là giá lương thực, thực phẩm tăng cao, khiến đời sống của người lao động (NLÐ) nghèo, nhất là công nhân tại các khu công nghiệp (KCN) trong cả nước gặp nhiều khó khăn.
Tuy nhiên, "trong cái khó, ló cái khôn", nhiều DN đã cùng NLÐ tự "chèo chống", tìm những biện pháp để cải thiện, nâng cao chất lượng cuộc sống.
Ðời sống NLÐ khi giá cả "leo thang"
Những ngày gần đây, tại các chợ lớn, nhỏ trong thành phố Huế như Ðông Ba, An Cựu, Bến Ngự... giá thịt lợn tăng cao và tăng mạnh nhất trong nhóm các mặt hàng thực phẩm, từ 20.000 đến 25.000 đồng/kg; thịt gia cầm tăng từ 15.000 đến 20.000 đồng/con. Các loại rau xanh cũng tăng giá từ 5 đến 10%. Do vậy, ngoài những khoản chi tiêu bất khả kháng, phần lớn công nhân, NLÐ nghèo, những người thu nhập thấp ở Thừa Thiên - Huế vẫn tìm mọi cách "thắt lưng, buộc bụng" nhằm chống chọi với giá cả tăng. Ðể "giữ lửa" và tạo được bữa ăn ngon, đủ dinh dưỡng trong tổ ấm gia đình, các bà nội trợ đã tìm mua các loại thực phẩm "đồng quê" như tôm, cua, ốc, ếch và tỉ mỉ chế biến, cũng là cách để tiết kiệm chi tiêu. Công nhân lao động đi làm việc ở các nhà máy mang theo cặp lồng cơm để ăn trưa, bởi khẩu phần ăn ở công ty ngày mỗi ít, thức ăn đạm bạc, mỗi suất cơm 8.000 - 10.000 đồng không còn đủ chất đạm cần thiết để bảo đảm sức khỏe. Trong "cái khó ló cái khôn", NLÐ nghèo đã tìm ra đủ cách để lo bữa ăn cho gia đình tươm tất. Chị Lan Anh, công nhân may ở KCN Phú Bài (Thừa Thiên - Huế) kể: "Sáng dậy sớm từ năm giờ ra tận chợ đầu mối mua cá tươi về chế biến thành các loại mắm, để chồng và các con tôi ăn ngon miệng hơn". Một công nhân khác làm trong ngành xây dựng thì tiết lộ: "Mùa nào thức nấy, mình tận dụng "đặc sản" cây nhà, lá vườn để chế biến. Thay vì nấu canh thịt bò, canh tôm, mình nấu canh hến, con khuyết nấu với me đất vừa rẻ, mát lại bổ. Các loại thức ăn thời tăng giá phải kỳ công hơn một chút, mới mong đủ chất, hợp túi tiền".
Tan ca chiều, hàng nghìn công nhân Khu chế xuất KCX Linh Trung I (quận Thủ Ðức, TP Hồ Chí Minh) ùa ra đường quốc lộ đi chợ mua thực phẩm nấu bữa tối. Cầm bó rau muống héo uá trên tay, chị Trần Thị Phương, quê ở Nghệ An, công nhân KCX Linh Trung cho biết: Tôi đã vào làm công ty hai năm với mức thu nhập 1,8 triệu đồng/tháng. Nếu làm tăng ca, tôi có thêm mấy trăm nghìn đồng/tháng. Trong hoàn cảnh khó khăn, ngoài giờ làm tăng ca, nhiều công nhân khác còn tìm việc làm thêm. Chị Nguyễn Thị Thảo mới vào làm việc tại KCX Tân Thuận (quận 7), nên thu nhập của chị hằng tháng chỉ hơn một triệu đồng kể cả tăng ca. Do vậy, chị vay tiền mua máy khâu, nhận hàng gia công về nhà làm thêm.
Tại KCN Trà Nóc 1 và Trà Nóc 2, TP Cần Thơ có 126 doanh nghiệp (DN) đang hoạt động, thu hút hơn 30 nghìn công nhân, lao động. Những tháng đầu năm 2011, giá cả tiêu dùng tăng cao trong khi thu nhập không tăng làm đời sống một bộ phận công nhân gặp rất nhiều khó khăn. Chị Lê Kim Thảo, công nhân Công ty TNHH thủy sản Mekong cho biết: "Giá thịt cá tăng cao nên thức ăn hằng ngày của công nhân chủ yếu vẫn là rau, củ. Giá gạo, rau củ tăng từ 2 đến 3 nghìn đồng/ kg; thịt lợn tăng gần gấp hai lần, cá tăng từ 10 đến 15 nghìn đồng/kg; giá điện, nước tăng, nhà trọ tăng từ 50 đến 100 nghìn đồng/phòng,... Trong khi thu nhập của em chỉ hơn hai triệu đồng/ tháng, không thấm vào đâu so với giá cả tăng".
Những công nhân đã lập gia đình, có con nhỏ, đời sống càng chật vật hơn. Hai vợ chồng chị Phan Thị Phụng Hảo, quê ở Tân Hiệp (Kiên Giang) làm công nhân cho Công ty TNHH Lạc Tỷ (KCN Tân Phú Thạnh) với mức lương chưa tới bốn triệu đồng, tâm sự: "Ðể tiết kiệm, sáng chúng tôi rang cơm ăn lót dạ, tối về lo bữa cơm với mớ rau héo, cá ươn. Vậy mà chẳng tháng nào đủ chi tiêu, nói gì tới dự phòng khi đau ốm". Vào thăm phòng trọ của gia đình chị Nguyễn Thị Thanh (khu vực 5, phường Trà Nóc), Công nhân Công ty Cổ phần may Meko đúng lúc chị đang chuẩn bị bữa cơm tối với đĩa rau xào và hai quả trứng luộc. Chị Thanh phân trần: "Biết ăn uống như vậy không đủ sức để lao động lâu dài, nhưng trong gia đình còn nhiều thứ phải lo lắm. Thu nhập hằng tháng của vợ chồng em chỉ hơn bốn triệu đồng. Năm trước, vẫn còn đủ trang trải cuộc sống, nhưng sang năm nay, tiền học cho con cũng không có, em đành gửi con về quê ở Vĩnh Long cho bà ngoại nuôi".
Tiền lương không đủ trang trải cuộc sống, công nhân ngành thủy sản, may mặc, bao bì, chế biến thực phẩm... bình quân phải tăng ca từ hai đến sáu giờ mỗi ngày để tăng thu nhập thêm từ 600 nghìn tới một triệu đồng/tháng, cải thiện cuộc sống gia đình. Việc tăng ca, làm thêm giờ phần nào giúp công nhân giảm bớt khó khăn nhưng lại ảnh hưởng đến sức khỏe, công nhân không có thời gian để tham gia các hoạt động vui chơi, giải trí... Từ đầu năm đến nay, có khoảng ba nghìn công nhân KCN Trà Nóc nghỉ việc, một số tìm việc khác với hy vọng thu nhập cao hơn, nhất là công nhân thủy sản, may mặc. Một số DN hoạt động không hiệu quả, nợ lương công nhân, nổi cộm nhất là tại Công ty thủy sản An Khang với hàng trăm công nhân đang đứng trước nguy cơ mất việc. Ông Trần Trung Dũng, Trưởng phòng Tổ chức Công ty Hải sản Việt Hải, nhìn nhận: " Hiện thu nhập của công nhân lao động từ 2 đến 3,5 triệu đồng/tháng. Mặc dù công ty có hỗ trợ bữa ăn trưa mười nghìn đồng và thực hiện nhiều chính sách đối với công nhân lao động thông qua hoạt động công đoàn, nhưng với giá cả thị trường tăng như hiện nay, cuộc sống NLÐ còn nhiều khó khăn. Vì thế, số công nhân lao động ở công ty luôn biến động, số ra đi luôn nhiều hơn số tuyển dụng vào".
Nhiều biện pháp hỗ trợ NLÐ
Trước những khó khăn, một số DN hỗ trợ công nhân để an tâm công tác. Công ty TNHH may Hào Tân, Công ty TNHH may xuất khẩu Việt Thành (KCN - Tiểu thủ công nghiệp Cái Sơn - Hàng Bàng) tổ chức bếp ăn tập thể mỗi ngày ba bữa tại công ty, xây nhà cho ở trọ miễn phí... hằng tháng công ty có chế độ thưởng may vượt định mức. Công ty TNHH Kwong-Lung Meko (KCN Trà Nóc) điều chỉnh mức hỗ trợ tiền ăn của NLÐ từ tám đến mười nghìn đồng/ngày, điều chỉnh mức hỗ trợ tiền xe đi lại của NLÐ từ bảy đến chín nghìn đồng/ngày. Ðồng thời, thực hiện các chế độ thưởng hằng tháng khi NLÐ tăng năng suất, với mức thưởng từ vài trăm nghìn đến một triệu đồng/tháng/người. Công ty TNHH Thực phẩm xuất khẩu Nam Hải điều chỉnh tăng thêm 10% lương cho công nhân lao động, tăng tiền ăn và phụ cấp sinh hoạt lên 15 nghìn đồng/ngày/người. Công ty Cổ phần may Meko hỗ trợ ba tháng tiền nhà trọ cho công nhân mới vào làm việc với mức 100-200 nghìn đồng/tháng. Lãnh đạo Công đoàn các KCN Cần Thơ, các phường Trà Nóc, Trà An, Phước Thới vận động gần 500 chủ nhà trọ, với hơn năm nghìn phòng trọ không tăng giá phòng, điện nước từ nay đến cuối năm. Bên cạnh đó, Công đoàn các KCN Cần Thơ và công đoàn các DN tặng quà cho hơn 400 con em công nhân nghèo, với tổng số tiền hơn 80 triệu đồng vào dịp lễ, Tết. Hiện Công đoàn các KCX và KCN xúc tiến thành lập các Tổ tự quản công nhân, hỗ trợ ti-vi, sách, báo để công nhân có thêm điều kiện giải trí sau giờ tan ca. Chủ tịch LÐLÐ tỉnh Hậu Giang Nguyễn Tấn Hưng, cho biết: "Thời gian qua, LÐLÐ tỉnh trực tiếp làm việc với lãnh đạo các DN tăng mức hỗ trợ bữa ăn trưa từ bảy nghìn lên mười nghìn đồng, góp phần cải thiện cuộc sống cho NLÐ. Ðiển hình như Công ty TNHH Lạc Tỷ (may giày da) ở KCN Tân Phú Thạnh. Hiện có gần 1.700 công nhân lao động, trong thời gian tới, công ty mở rộng sản xuất thu hút khoảng bốn nghìn lao động. Vì thế, để giữ chân công nhân, tạo uy tín thương hiệu, công ty quyết định tăng 500 nghìn đồng tiền lương từ đầu tháng bảy vừa qua".
Ðể giảm bớt một phần khó khăn và giúp công nhân ở các tỉnh xa về lao động làm việc tại các khu công nghiệp có cuộc sống ổn định, LÐLÐ thành phố Ðà Nẵng và UBND các quận Sơn Trà, Liên Chiểu tuyên truyền, vận động bốn "Tổ tự quản khu nhà trọ công nhân", với số công nhân tham gia gần 800 người. Thời gian qua, LÐLÐ thành phố Ðà Nẵng tổ chức nhiều đoàn đến thăm, tìm hiểu hoàn cảnh và tặng quà cho hơn bốn mươi gia đình công nhân lao động đang sinh hoạt tại các tổ tự quản. Trưởng Ban Tuyên giáo Nữ công LÐLÐ thành phố Ðặng Vân cho biết: "LÐLÐ thành phố phối hợp UBND các quận Sơn Trà và Liên Chiểu, mời các chủ nhà đang cho công nhân thuê nhà trọ dự các buổi nói chuyện, để vận động thực hiện không tăng giá cho thuê nhà trọ. Ðăng ký sử dụng điện sinh hoạt cho công nhân ở trọ theo tinh thần Thông tư 05 của Bộ Công thương. Ðến nay, các công nhân lao động tại tổ tự quản nhà trọ, tổ 48 Thọ Quang đã hoàn thành việc đăng ký sử dụng điện giá rẻ theo hướng dẫn của Thông tư 05 của Bộ Công thương: Bốn công nhân thành lập một hộ sử dụng điện, hằng tháng sử dụng không quá 50 kWh với mức giá ưu đãi 996 đồng/kWh. Các tổ tự quản nhà trọ của phường Hòa Khánh Bắc hướng dẫn công nhân chưa đăng ký tiếp tục đăng ký tạm trú theo mẫu của công an sau đó cùng chủ nhà trọ tập hợp để đăng ký với chi nhánh điện. Dự kiến thời gian tới, nhân rộng mô hình "Tổ tự quản khu nhà trọ công nhân" tại các khu dân cư, với hơn 150 hộ công nhân lao động, để được hưởng giá rẻ ưu đãi khi dùng điện, nhằm giảm một phần khó khăn cho công nhân".
Thời gian qua, TP Hồ Chí Minh là một trong những địa phương triển khai nhiều giải pháp thiết thực và sâu rộng nhằm chia sẻ bớt khó khăn cho NLÐ. Thực hiện chương trình bình ổn giá và vận động người dân dùng hàng Việt, các đơn vị đã phối hợp đưa hàng trăm chuyến hàng đến với công nhân và bà con vùng nông thôn, riêng tại các KCX-KCN với tần suất 26 lần/tháng, đồng thời, vận động được hơn 1.065 doanh nghiệp tăng lương, trợ cấp cho người lao động. Có thể kể đến các quận: Bình Tân, Thủ Ðức, quận 9, thực hiện tốt các chính sách, giải pháp nhằm hỗ trợ cho CN, NLÐ sinh sống trên địa bàn. Phó Chủ tịch UBND quận Bình Tân Cao Văn Phần cho biết, cả quận có hơn 300 nghìn lao động đang làm việc tại các KCX-KCN, trong đó có hơn 213 nghìn công nhân phải thuê nhà trọ ở. Thiết thực chăm lo cho lực lượng lao động này, quận đã thành lập tổ vận động các chủ nhà trọ không tăng giá điện, giá phòng. Kết quả, đến tháng 6-2011, gần 100% các chủ nhà trọ cam kết không tăng giá phòng, giá điện, nước. 100% thực hiện chủ nhà trọ "văn minh - nghĩa tình", "xanh - sạch - đẹp"... Quận cũng đã vận động thành công 57/79 các công ty, doanh nghiệp trên địa bàn đồng ý điều chỉnh tiền lương, phụ cấp ăn trưa và hỗ trợ tiền trọ cho công nhân. Các phường của quận cũng vận động gần 200 cơ sở giữ trẻ không tăng giá để công nhân yên tâm gửi con tại đây. Ngoài ra, quận cũng tổ chức vận động hỗ trợ người nghèo, đối tượng chính sách, hỗ trợ giá điện, nước cho NLÐ có thu nhập thấp với số tiền hơn năm tỷ đồng.
Tại các khu trọ, các chủ nhà trọ cũng thực hiện nhiều giải pháp, mô hình hay để trực tiếp hỗ trợ cho công nhân, sinh viên cư trú. Ðiển hình như bà Nguyễn Ngọc Thiệp, ở số 7, đường Lê Tấn Bê, quận Bình Tân, TP Hồ Chí Minh, với 22 căn phòng cho thuê, nhưng từ năm 2005 đến nay, bà vẫn không tăng thêm giá phòng. Không chỉ vậy, bà còn xây dựng Quỹ tương trợ trong dãy trọ với số tiền năm triệu đồng. Số tiền này bà dùng để tổ chức sinh nhật, thăm hỏi lúc ốm đau, thai sản của các thành viên trong dãy trọ. Trong giai đoạn khó khăn, nhiều DN triển khai nhiều hoạt động, hỗ trợ CN. Chủ tịch Công đoàn Công ty Sanofi aventis (đường Nguyễn Khoái, quận 4) Huỳnh Tấn Ðạt cho biết: "Công đoàn công ty đã kiến nghị thành công với chủ DN các vấn đề như: tiền lương hưu cho NLÐ khi về hưu, tiền chế độ cho NLÐ khi xin nghỉ việc... mới đây, công ty cũng đã đồng ý nâng định mức suất ăn trưa từ 18 lên 24 nghìn đồng/ người/ngày. Thời gian tới đây, Công đoàn đang kiến nghị nâng mức lương tối thiểu cho NLÐ mới lên thành ba triệu đồng/tháng. Ngoài ra, công ty còn hỗ trợ, tạo điều kiện thỏa đáng cho NLÐ trong việc nghỉ chế độ, nghỉ thai sản".
Chia sẻ khó khăn với NLÐ, hàng loạt các biện pháp mà DN, cũng như các tổ chức công đoàn đã triển khai trong thời gian qua đã góp phần giải quyết những khó khăn trước mắt, giúp họ an tâm sản xuất. Tuy nhiên, về lâu dài, các DN cần duy trì và tăng các khoản trợ cấp cũng như sớm điều chỉnh mức lương tối thiểu cho NLÐ. Bên cạnh đó, DN cần thực hiện đúng các cam kết trong thỏa ước lao động tập thể, tránh tình trạng NLÐ đình công, ngừng việc tập thể. Ngoài ra, các tổ chức công đoàn cơ sở trong các DN cần tăng cường vai trò của mình, nhằm giúp doanh nghiệp và NLÐ chia sẻ lợi ích hài hòa từ hai phía.
Ý kiến bạn đọc