Để cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” đến với đông đảo nhân dân
HGĐT- Cuộc vận động (CVĐ) “Người ViệtNam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” do Bộ Chính trị phát động đã trở thành một phong trào thi đua rộng khắp trong cả nước, với mục tiêu là hướng người Việt Nam dùng hàng Việt Nam, coi đây thể hiện lòng yêu nước, nét đẹp trong văn hoá tiêu dùng người Việt.
Gian hàng thổ cẩm Việt
|
Sau một thời gian triển khai thực hiện CVĐ, người tiêu dùng cả nước nói chung và tỉnh ta nói riêng đều đã đạt được những kết quả nhất định. Tuy nhiên, để hàng Việtđược “cắm sâu” hơn ở thị trường nội địa hơn nữa, nhất là các vùng sâu, vùng xa, biên giới thì chúng ta cũng cần có nhiều chính sách hơn nữa để hỗ trợ, thu hút doanh nghiệp, tư thương đầu tư sản xuất, kinh doanh hàng Việt về thị trường nông thôn để đủ sức cạnh tranh với hàng nhập ngoại đang “bén rễ” ở thị trường.
Là tỉnh miền núi với địa hình khó khăn, cách trở, trình độ dân trí thấp, thu nhập của nhân dân chưa cao... đang là những hạn chế nhất định ảnh hưởng trực tiếp đến cuộc vận động người Việt ưu tiên dùng hàng Việt ở tỉnh ta hiện nay. Với nhiều địa phương, sự thu hút các doanh nghiệp, kinh doanh, tư thương buôn bán ở thị trường nông thôn, nhất là các vùng sâu, vùng xa còn quá ít, chưa đủ sức cạnh tranh. Hơn nữa, các mặt hàng Việt giá còn quá cao so với các mặt hàng nhập ngoại nên tâm lý nhà kinh doanh chưa dám mạnh dạn đầu tư. Ngoài ra, các trung tâm đầu tư phát triển thương mại như: Siêu thị, mạng lưới chợ còn ít, nhiều chợ hoạt động kém hiệu quả... Vậy, để hoạt động thương mại gắn với CVĐ “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” ở tỉnh ta được triển khai sâu rộng đến vùng sâu, vùng xa, hơn lúc nào hết, cần có sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị để tuyên truyền người tiêu dùng, hỗ trợ các doanh nghiệp, tư thương hướng về thị trường nông thôn để người dân được tiếp cận với hàng Việt ngày một nhiều.
Để cụ thể hoá CVĐ, tỉnh ta đã có nhiều giải pháp để thực hiện như: Thường xuyên tuyên truyền người tiêu dùng sử dùng hàng Việt; hàng năm các huyện, thành phố đều tổ chức Tuần hội chợ thương mại gắn với nhiều nội dung thiết thực để thu hút các doanh nghiệp Việt Nam giới thiệu, quảng bá hàng Việt tới người tiêu dùng, ưu tiên mở các ngành nghề truyền thống, đầu tư, khuyến khích các tổ chức cá nhân mở các cửa hàng đại lý buôn bán hàng Việt... Trong năm 2011, tỉnh ta đang triển khai xây dựng Đề án “Đưa hàng Việt về nông thôn” gắn với CVĐ “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2011-2015, dự án được triển khai trong 2 giai đoạn; giai đoạn 1 từ 2011-2012sẽ thực hiện thí điểm 1 chợ phiên ở Cửa khẩu Thanh Thuỷ (Vị Xuyên), và 1 đến 2 chợ phiên tại xã khó khăn vùng thấp và vùng cao; giai đoạn 2 tổ chức thực hiện trên tất cả các huyện, thành phố và 4 cửa khẩu của tỉnh. Thông qua đề án, sẽ có nhiều chương trình tiếp thị được triển khai như: Tổ chức các phiên chợ bán hàng Việt Nam tại các vùng nông thôn, chợ biên giới, cửa khẩu; hội chợ triển lãm hàng tiêu dùng; bồi dưỡng, tập huấn các thương nhân, đơn vị kinh doanh tại khu vực biên giới, vùng khó khăn; hỗ trợ các tư thương, đơn vị kinh doanh để mở các đại lý, cửa hàng bán và giới thiệu sản phẩm, chú trọng hơn nữa phát triển mạng lưới chợ, nhất là các chợ đầu mối và chợ nông thôn,tăng cường công tác quản lý thị trường...
Thiết nghĩ, trong tương lai cần tuyên truyền sâu rộng hơn nữa giá trị của hàng Việt gắn với văn hoá truyền thống, Nhà nước có chính sách để hỗ trợ các doanh nghiệp đưa hàng Việt về nông thôn, nhất là vùng sâu, vùng xa. Ngoài ra, chính các doanh nghiệp; cơ sở sản xuất kinh doanh cần phải tự khẳng định mình thông qua các sản phẩm doanh nghiệp sản xuất phải đảm bảo chất lượng, giá cả hợp lý, hình thức hấp dẫn phù hợp với thị hiếu người Việt... để hàng Việt ngày một “cắm sâu” ở thị trường nội địa.
Ý kiến bạn đọc