Cần xem xét, điều chỉnh tổng thể quy hoạch khoáng sản và thủy điện
HGĐT- Nhằm khai thác tiềm năng, thế mạnh trong lĩnh vực khoáng sản, thủy điện phục vụ mục tiêu phát triển KT-XH, những năm qua, tỉnh ta đã triển khai công tác quy hoạch, làm cơ sở thu hút đầu tư ở hai lĩnh vực này.
Đến nay, UBND tỉnh đã cấp 53 giấy phép cho 36 tổ chức được quyền khai thác tại 47 mỏ, điểm mỏ và 1 giấy phép chế biến khoáng sản; phê duyệt 71 dự án thủy điện với tổng công suất lắp máy gần 772 MW, hiện có 26 dự án được cấp Giấy chứng nhận đầu tư, cho chủ trương đầu tư 19 dự án.
Theo đánh giá của Ban KT-NS (HĐND tỉnh), các dự án khoáng sản, thủy điện được đầu tư đã góp phần tăng thu ngân sách, nâng cao giá trị sản xuất công nghiệp, kích thích phát triển các ngành nghề dịch vụ, giải quyết việc làm cho người lao động địa phương. Tuy nhiên, các dự án này đã gây ô nhiễm môi trường, làm xuống cấp nghiêm trọng các tuyến đường giao thông, tình trạng cạnh tranh thiếu lành mạnh giữa một số doanh nghiệp khai thác khoáng sản đã ảnh hưởng xấu đến môi trường đầu tư của tỉnh, gây mất an ninh trật tự trên địa bàn. Trong năm 2010, tổng thu ngân sách Nhà nước từ các dự án khoáng sản, thủy điện trên 69 tỷ đồng, số đóng góp này quá nhỏ so với thiệt hại về cơ sở hạ tầng, sự tàn phá môi trường sinh thái do việc triển khai các dự án gây ra.
Trên cơ sở đánh giá những tác động của các dự án đối với sự phát triển KT-XH và đời sống nhân dân, Ban KT-NS kiến nghị UBND tỉnh chỉ đạo các ngành chức năng rà soát, đánh giá lại để xem xét, điều chỉnh tổng thể quy hoạch khoáng sản, thủy điện cho phù hợp với tình hình thực tế và các quy hoạch ngành; xác định rõ và quy trách nhiệm cụ thể của các cấp, các ngành trong việc thực hiện công tác quản lý Nhà nước đối với hoạt động khai thác khoáng sản, thủy điện. Tiếp tục kêu gọi, thu hút, khuyến khích các tổ chức, cá nhân đầu tư phát triển thủy điện theo quy hoạch được duyệt, xem xét, thu hồi các dự án đã quá thời hạn quy định nhưng chủ đầu tư chưa thực hiện, xem xét việc thực hiện đấu giá quyền đầu tư xây dựng đối với những dự án thủy điện mới nhằm đảm bảo tính công khai. Đối với lĩnh vực khoáng sản, do đa số các mỏ, điểm mỏ có quy mô nhỏ, lẻ, phân tán nên khó đầu tư khai thác, chế biến theo quy mô công nghiệp, lợi ích mang lại cho Nhà nước và đời sống người dân còn hạn chế. Vì vậy, Ban KT-NS đề nghị UBND tỉnh tạm dừng việc cấp phép mới khai thác khoáng sản kim loại đến khi công tác quản lý Nhà nước trong lĩnh vực này được chấn chỉnh một cách toàn diện, xem xét thu hồi các dự án chậm triển khai; khuyến khích và có giải pháp cụ thể hỗ trợ các nhà đầu tư đẩy mạnh việc xây dựng nhà máy chế biến, tuyển, luyện sâu nhằm nâng cao giá trị kinh tế, hạn chế lãng phí tài nguyên và tăng thu ngân sách.
Ý kiến bạn đọc