Xã Đạo Đức phát triển rừng kinh tế
HGĐT- Xã Đạo Đức (Vị Xuyên) là một trong những xã có tiềm năng lớn trong phát triển kinh tế vườn rừng, toàn xã có tổng diện tích rừng là 4.365,3 ha, trong đó rừng tự nhiên 1.201 ha, rừng trồng 1.156,7 ha, còn lại là rừng hỗn giao tre, nứa, rừng núi đá. Nhằm phát huy lợi thế, tiềm năng sẵn có, những năm gần đây xã Đạo Đức đã có nhiều chính sách, định hướng khuyến khích các tổ chức, hộ gia đình đẩy mạnh việc phát triển kinh tế rừng trên địa bàn.
Xã viên HTX dịch vụ nông - lâm nghiệp Trung Anh chăm sóc vườn thông giống. |
Để mở rộng diện tích rừng trồng, gắn với phát triển kinh tế hộ gia đình, giúp người dân xoá nghèo, những năm qua, xã Đạo Đức có kế hoạch triển khai tới tất cả các thôn bản trong toàn xã, tập trung vào sản xuất nông - lâm nghiệp kết hợp với nhiều biện pháp, cụ thể như: Phối hợp với huyện rà soát diện tích rừng nghèo, thiếu nước trồng lúa, hoa mầu chuyển sang trồng keo, mỡ, bồ đề và một số loại cây trồng khác, vừa đảm bảo có hiệu quả về kinh tế, vừa đảm bảo độ che phủ của rừng và môi trường sinh thái; tăng cường công tác quản lý đối với lâm nghiệp; tuyên truyền nâng cao nhận thức người dân trong bảo vệ, phát triển rừng. Để chủ động trong phát triển kinh tế lâm nghiệp, xã phối hợp với chính quyền, các phòng ban của huyện như Trạm Khuyến nông, Phòng Nông nghiệp, Ngân hàng giúp người dân tìm nguồn cung ứng giống, vốn; hướng dẫn cách áp dụng khoa học kỹ thuật trong ươm trồng, chăm sóc cây giống; khuyến khích các hộ dân vay vốn để tự đầu tư trồng rừng; tăng cường giám sát, theo dõi việc trồng và bảo vệ rừng của người dân. Đặc biệt với cách triển khai thực hiện quyết liệt, khuyến khích các tổ chức, cá nhân tích cực tự trồng rừng; đối với những hộ có diện tích đất trống, đồi trọc đã được giao nằm trong vùng quy hoạch trồng rừng, nếu không tự chủ động liên doanh, liên kết với các tổ chức, cá nhân trồng rừng thì xã sẽ kiên quyết xử lý bằng các biện pháp đề nghị thu hồi và hộ nào quản lý rừng không tốt, để xẩy ra cháy rừng sẽ bị xử lý nghiêm theo đúng pháp luật... Với cơ chế chính sách hợp lý, cùng những biện pháp linh hoạt, kiên quyết này nên ở xã Đạo Đức đã thúc đẩy mạnh được phong trào trồng rừng rộng khắp trong toàn xã, tỷ lệ cây, diện tích rừng trồng của xã không ngừng được mở rộng, phát triển theo từng năm. Trên địa bàn xã đã xuất hiện những doanh nghiệp, HTX tham gia vào việc sản xuất, cung ứng giống cây lâm nghiệp như mỡ, bồ đề, keo, thông... tiêu biểu như HTX Dịch vụ Nông- lâm nghiệp Trung Anh đã chủ động liên kết với huyện tiến hành sản xuất, cung ứng cây giống cho huyện trồng rừng theo Chương trình 661 của huyện; không chỉ cung ứng cây giống cho huyện, xã, HTX Trung Anh còn sản xuất, cung ứng cây giống trồng rừng phòng hộ, đặc dụng tại 6 huyện trên địa bàn tỉnh là Đồng Văn, Yên Minh, Mèo Vạc, Quản Bạ, Hoàng Su Phì và Xín Mần; bình quân mỗi năm HTX sản xuất, cung ứng khoảng trên 100 vạn cây con giống các loại. Một số hộ dân trong xã Đạo Đức cũng đã chủ động ươm, mua cây con giống về trồng rừng ngày một nhiều, tiêu biểu có gia đình ông Đoàn Công Oánh, thôn Tân Đức, với diện tích đất được giao và diện tích đất thuộc Ban Quản lý rừng phòng hộ huyện, ông đã tự ươm và mua giống keo, mỡ, thông để trồng. Hiện nay gia đình anh Oánh có tổng cộng trên 60 ha rừng đang được chăm sóc và phát triển tốt; gia đình ông Nguyễn Hoàng Cân, thôn Tân Đức có diện tích 6 ha gồm cây keo, bồ đề, mỡ. Ngoài hộ gia đình ông Oánh, ông Cân, trên địa bàn xã Đạo Đức còn nhiều hộ gia đình khác như gia đình anh Bùi Xuân Quân, thôn Độc Lập; gia đình ông Nguyễn Khánh Hoà, thôn Làng Cúng A là những hộ có diện tích rừng trồng lớn của xã và đang tiến hành trồng, phát triển rừng kinh tế...
Nói về định hướng phát triển rừng trên địa bàn xã thời gian tới,đồng chí Nguyễn Thế Dũng, Phó Chủ tịch UBND xã Đạo Đức, cho biết: Để tiếp tục thực hiện tốt công tác trồng rừng nhất là rừng kinh tế và bảo vệ diện tích rừng đã có, xãđã chỉ đạo các tổ chức đoàn thể và nhân dân các dân tộc trong toàn xã tiếp tục tham gia vào phong trào trồng, chăm sóc, bảo vệ rừng; vận động nhân dân đẩy mạnh việc trồng rừng theo hướng liên doanh, liên kết với các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh coi đó là hướng phát triển có hiệu quả, không chỉ tạo công ăn việc làm cho người dân địa phương, tăng thu nhập từ phát triển kinh tế vườn rừng, mà đó là việc làm rất cần thiết góp phần quan trọng vào việc tăng độ che phủ rừng, tạo môi trường, cảnh quan, phát triển KT- XH bền vững tại địa phương.
Ý kiến bạn đọc