Làm tốt công tác thú y, góp phần đẩy mạnh phát triển chăn nuôi
HGĐT- Phát triển chăn nuôi là nhiệm vụ quan trọng trong sản xuất nông nghiệp, đồng thời đóng góp tích cực vào công cuộc XĐGN của tỉnh trong những năm qua. Song có lúc, có nơi người dân cũng như một số địa phương vẫn chưa thực sự làm tốt công tác thú y nên để lại những hậu quả, gây thiệt hại lớn về kinh tế.
Do làm tốt công tác thú y nên đàn lợn của gia đình anh, chị Lự Văn Hạc, tổ 8, phường Ngọc Hà (TPHG) luôn duy trì ở mức trên 30 con. |
Vài năm trở lại đây, tình trạng dịch cúm gia cầm và lở mồm, long móng (LMLM) gia súc xảy ra ở một số địa phương trên địa bàn tỉnh gây thiệt hại, khó khăn cho việc phát triển chăn nuôi của nhân dân. Trong năm 2006 - 2007, dịch LMLM xảy ra ở 10/11 huyện, thành phố với tổng số gia súc mắc bệnh bao gồm, trâu 1.497 con; bò 613 con; lợn 148 con. Số gia súc phải tiêu hủy là 1.425 con, ước tính thiệt hại về kinh tế lên đến hàng tỷ đồng. Trong năm 2010, dịch LMLM tái phát tại 4 huyện là Đồng Văn, Mèo Vạc, Hoàng Su Phì và Xín Mần với tổng số gia súc mắc là 285 con, trong đó trâu 120 con; bò 156 con; còn lại là lợn. Ngoài ra các bệnh khác như nhiệt thán, tụ huyết trùng, dịch tả lợn, bệnh Lepto làm chết gần 500 con trâu, bò, lợn...
Chị Hoàng Thị Hiệu, Chi cục trưởng Thú y tỉnh khẳng định: Việc thường xuyên theo dõi, kiểm tra nắm chắc tình hình dịch bệnh và làm tốt công tác thú y sẽ góp phần quan trọng trong việc đẩy mạnh phát triển chăn nuôi gia súc, gia cầm. Qua thực tế trong năm 2010 cho thấy, tại các huyện có dịch, đặc biệt là dịch LMLM, tụ huyết trùng ở trâu, bò, khi phát hiện địa phương nào khẩn trương, sớm chẩn đoán, xác định bệnh kịp thời và đề xuất với các cấp lãnh đạo có biện pháp ngăn chặn, chống dịch thì các ổ dịch ở địa phương đó sớm được dập tắt và hạn chế được tối đa thiệt hại cho nhân dân. Công tác tiêm phòng là một trong những biện pháp cần thiết, quan trọng nhất trong việc phòng, chống dịch bệnh cho đàn gia súc, gia cầm. Song cho đến nay, việc triển khai tiêm phòng vắc xin cho gia súc, gia cầm cũng gặp không ít những khó khăn bởi lẽ người chăn nuôi còn chủ quan, chưa nhận thức được tầm quan trọng của việc tiêm phòng dịch bệnh nên ít quan tâm tới việc tiêm phòng, chỉ đến khi dịch bệnh xảy ra mới tiêm; nhiều vùng nông thôn, kinh tế các hộ còn nghèo, người chăn nuôi không có đủ tiền để mua thuốc, trả tiền công tiêm; việc tiêm phòng chủ yếu tập trung ở vùng trung tâm xã, thôn bản. Có thể khẳng định, việc tiêm phòng hàng năm đối với đàn gia súc, gia cầm của tỉnh ta còn đạt thấp, nhìn chung các huyện, thành phố đã cơ bản hoàn thành tiêm phòng định kỳ, đúng tiến độ, tuy nhiên kết quả tiêm phòng gia súc, gia cầm năm 2010 chỉ đạt 73,3% kế hoạch tỉnh giao, các huyện tiêm phòng cho đàn gia súc, gia cầm thấp là huyện Yên Minh, Vị Xuyên.
Về công tác kiểm dịch, kiểm soát giết mổ nhằm ngăn chặn dịch bệnh lây lan, góp phần giữ vệ sinh ATTP, bảo vệ sức khoẻ người tiêu dùng cũng đang là một vấn đề tồn tại mà các cấp, ngành, các các địa phương cần phải quan tâm, có cách giải quyết hữu hiệu hơn. Do việc vận chuyển, giết mổ, tiêu thụ sản phẩm gia súc, gia cầm vẫn chủ yếu do tư nhân và người chăn nuôi đảm nhận nên việc kiểm soát giết mổ chỉ mới duy trì ở các chợ và chủ yếu đóng dấu trên thân thịt, việc khám sống trên gia súc vẫn đang là trở ngại đối với ngành thú y.
Chị Hoàng Thị Hiệu cho biết thêm: Nhìn chung trong năm 2010 tình hình dịch bệnh đã được khống chế nên đàn gia súc, gia cầm trên địa bàn tỉnh đã phát triển ổn định trở lại. Đó là niềm phấn khởi đối với người chăn nuôi. Về công tác thú y trong thời gian tới, Chi cục tiếp tục chỉ đạo, đôn đốc các đơn vị, địa phương thực hiện nghiêm chỉnh các chỉ thị của Bộ, ngành nông nghiệp và PTNT về công tác phòng, chống dịch bệnh gia súc, gia cầm, đề phòng dịch tái phát; tiếp tục tuyên truyền, vận động nhân dân tổ chức tốt việc tiêm phòng cho đàn gia súc cũng như làm tốt công tác vệ sinh tiêu độc, khử trùng; đẩy mạnh việc kiểm dịch, kiểm soát giết mổ gia súc, gia cầm trên địa bàn toàn tỉnh, đặc biệt chú trọng đến những vùng, xã giáp biên, trung tâm huyện lỵ; đồng thời xử lý nghiêm các hành vi vi phạm các quy định về phòng, chống dịch. Để bảo vệ đàn gia súc, gia cầm trên địa bàn tỉnh phát triển nhanh, ổn định cả về số lượng và chất lượng, Chi cục Thú y tỉnh cũng khuyến cáo các địa phương, hộ gia đình không nên chủ quan mà phải thường xuyên quan tâm, chăm lo đến công tác thú y một cách đúng mức, vì chỉ có làm tốt công tác thú y mới có thể góp phần vào đẩy mạnh phát triển chăn nuôi theo hướng hàng hoá, tăng thu nhập, XĐGN cho người dân nhanh nhất.
Ý kiến bạn đọc