Triển vọng thu hút đầu tư vào KCN Bình Vàng

17:11, 22/11/2010

HGĐT- Sau nhiều năm xây dựng hệ thống hạ tầng kỹ thuật KCN Bình Vàng, đến nay đã có 9 nhà đầu tư đăng ký triển khai dự án. BQL các KCN đã cấp Giấy chứng nhận đầu tư cho 4 doanh nghiệp, các doanh nghiệp còn lại đang được thẩm định hồ sơ, chuẩn bị cấp GCN đầu tư. Đây là tín hiệu vui, tuy nhiên việc thu hút đầu tư, triển khai dự án tại KCN cũng đang gặp nhiều khó khăn do chậm GPMB.


TÍN HIỆU VUI

Công ty Cổ phần Mangan Việt Bắc thuộc Tập đoàn Công nghiệp Tây Giang là một trong những nhà đầu tư ngoài tỉnh sớm đến tìm hiểu môi trường, triển khai dự án xây dựng Nhà máy sản xuất Fero Mangan và Sillico Mangan tại KCN Bình Vàng. Ông Phạm Quang Mây, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Tư vấn kỹ thuật xây dựng (Tập đoàn Tây Giang) và ông Phạm Văn Hoan, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Mangan Việt Bắc khẳng định: Sau khi triển khai thành công hoạt động sản xuất Fero Mangan và Sillico Mangan tại Cao Bằng, Tập đoàn đã quyết định đầu tư xây dựng nhà máy thứ hai tại KCN Bình Vàng. Việc đầu tư xây dựng nhà máy ở KCN Bình Vàng có nhiều lợi thế đó là: Hệ thống giao thông của Hà Giang tương đối tốt, khoảng cách từ KCN đến cửa khẩu Thanh Thủy ngắn nên việc nhập khẩu thiết bị, xuất khẩu hàng hóa rất thuận lợi. Bên cạnh đó, nguồn nguyên liệu đầu vào, nguồn điện năng cung cấp cho quá trình sản xuất của nhà máy ổn định, như vậy Công ty sẽ giành được thế chủ động trong việc cung cấp sản phẩm ra thị trường, đáp ứng được yêu cầu của các đơn đặt hàng xuất khẩu. Nhà máy được xây dựng trên diện tích 9,5 ha với công suất 21,6 nghìn tấn Ferro Mangan và Sillico Mangan/năm; tổng vốn đầu tư trên 280 tỷ đồng.


Ông Phạm Văn Hoan cho biết thêm: Dự án đầu tư xây dựng Nhà máy sản xuất Ferro Mangan và Sillico Mangan tại KCN Bình Vàng được triển khai rất khẩn trương với sự tham gia của các chuyên gia đầu ngành trong lĩnh vực công nghệ luyện kimtrong nước và sự hợp tác của các chuyên gia công nghệ hàng đầu Nhật Bản, Trung Quốc. Nhà máy được đầu tư với hệ thống thiết bị tiên tiến, đồng bộ, thân thiện với môi trường. Sau khi đi vào hoạt động, Nhà máy sẽ sử dụng hiệu quả nguồn nguyên liệu sẵn có để sản xuất Ferro Mangan và Sillico Man gan trong các lò điện hồ quang; sử dụng triệt để phế liệu, nguồn phế thải xi của các nhà máy sản xuất Ferro Mangan nhằm xây dựng ngành công nghiệp khép kín không phế thải; tạo công ăn việc làm cho khoảng 300 lao động, nộp ngân sách Nhà nước mỗi năm khoảng 45 tỷ đồng.


Công ty TNHH Ban Mai cũng là doanh nghiệp đầu tiên của tỉnh triển khai dự án đầu tư xây dựng Nhà máy sản xuất Ferro Mangan, công suất 10 nghìn tấn/năm tại KCN Bình Vàng, tổng vốn đầu tư 68 tỷ đồng. Là doanh nghiệp có nhiều năm kinh nghiệm trong lĩnh vực xuất khẩu quặng Mangan, năm 2009, Giám đốc Công ty Nguyễn Thị Chủ đã quyết định chuyển từ xuất khẩu quặng thô sang đầu tư xây dựng nhà máy chế biến Ferro Mangan. Trao đổi với chúng tôi, bà Nguyễn Thị Chủ khẳng định: Ferro Mangan là nguyên liệu quan trọng trong luyện thép, trước đây việc xuất khẩu Mangan của các doanh nghiệp chủ yếu là sản phẩm thô, giá thành không cao. Việc đầu tư xây dựng Nhà máy sản xuất Ferro Mangan của Công ty là một bước cụ thể hóa chủ trương phát triển ngành công nghiệp chế biến chuyên sâu của tỉnh, là một trong những bước đi mới, cần thiết cho sự phát triển KT-XH ngay những năm đầu thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XV.


NỖ LỰC CỦA CƠ QUAN QUẢN LÝ

KCN Bình Vàng (giai đoạn I) được quy hoạch xây dựng với diện tích trên 157 ha gồm 3 dự án chính: Đường nối Quốc lộ 2 vào KCN; hạ tầng khu dân cư tái định cư KCN và KCN Bình Vàng. Sau nhiều năm triển khai các hoạt động đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, đến nay việc GPMB khu tái định cư KCN cơ bản đã hoàn tất, trong KCN đã và đang triển khai các hạng mục công trình: Hạ tầng kỹ thuật khu dân cư tái định cư và dịch vụ KCN với quy mô gần 26 ha, tổng mức đầu tư trên 50 tỷ đồng; Dự án hạ tầng kỹ thuật KCN Bình Vàng với diện tích gần 143 ha, tổng mức đầu tư trên 330 tỷ đồng; Dự án đầu tư xây dựng cầu qua sông Lô, tổng mức đầu tư gần 38 tỷ đồng, tổng diện tích thu hồi 3,2 ha; đường từ cầu km 21 Vị Xuyên vào KCN đã hoàn thành, bàn giao đưa vào sử dụng.


Hiện đã có 9 nhà đầu tư đang triển khai dự án xây dựng Nhà máy luyện Fero Mangan, thủy điện Sông Lô 2, sản xuất sắt xốp và phôi thép; xây dựng Trung tâm đào tạo-sát hạch lái xe mô tô và xe cơ giới đường bộ; sản xuất gạch không nung công nghệ đất hóa đá; sản xuất cột điện bê tông ly tâm và vỏ bình gas; chế biến gỗ công nghiệp; trạm trộn bê tông và xưởng thiết kế, chế tạo, lắp ráp nhà khung thép, hàng thủ công mỹ nghệ. Trên cơ sở xem xét thực tiễn, BQL các KCN đã cấp Giấy chứng nhận cho 4 doanh nghiệp đầu tư vào KCN gồm Công ty Cổ phần Thương mại Đại Sơn, Công ty TNHH Ban Mai, Công ty Cổ phần Công nghiệp và XNK lâm nghiệp Hà Giang; Công ty Cổ phần Xây dựng và Thương mại Hải Phòng. Những kết quả đạt được trong việc GPMB, đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật, thu hút doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh đến triển khai hoạt động đầu tư đã phản ánh sự nỗ lực, sự vào cuộc của cả tỉnh với mục tiêu xây dựng Bình Vàng thành điểm sáng phát triển ngành công nghiệp.


“NÚT THẮT” CẦN THÁO GỠ

Vấn đề khó khăn nhất hiện nay đối với KCN Bình Vàng vẫn là việc GPMB, ngay khi bắt đầu triển khai xây dựng KCN, tỉnh xác định: KCN Bình Vàng có đặc thù riêng nên đã ban hành nhiều chính sách ưu tiên, đảm bảo lợi ích của người dân trong quá trình thu hồi đất, hỗ trợ bồi thường, GPMB. Bên cạnh đó, mức giá bồi thường nhiều lần được điều chỉnh theo hướng có lợi cho người dân, với chính sách đó, đa phần người dân có đất trong KCN và khu tái định cư đã nhận tiền, bàn giao mặt bằng cho BQL các KCN. Tuy nhiên, vẫn còn số ít hộ dân liên tục đưa ra yêu sách đòi tăng mức hỗ trợ, một số hộ đã nhận tiền nhưng cố tình không hoặc chậm bàn giao mặt bằng cho BQL... Bên cạnh ý thức của người dân, cũng phải thừa nhận, việc phối hợp giữa BQL các KCN và Hội đồng bồi thường GPMB huyện Vị Xuyên có lúc vẫn còn ở tình trạng “bằng mặt nhưng không bằng lòng” khiến tiến độ GPMB có lúc không triển khai được hoặc triển khai rất chậm.


Giải quyết những vướng mắc trong quá trình GPMB, tại buổi làm việc với lãnh đạo huyện Vị Xuyên và BQL các KCN tháng 10 vừa qua, Bí thư Tỉnh ủy Triệu Tài Vinh chỉ rõ: Mấu chốt tháo “nút thắt” trong triển khai dự án KCN Bình Vàng là các cơ quan chức năng của tỉnh, BQL các KCN, huyện Vị Xuyên phải phối hợp chặt chẽ, tăng cường đối thoại giữa các cơ quan chức năng với nhau, giữa cơ quan chức năng với người dân địa phương, giữa nhân dân với nhau. Trong quá trình đền bù, GPMB phải tôn trọng đơn giá Nhà nước nhưng cũng phải làm tốt công tác an sinh xã hội, có chính sách hỗ trợ những hộ dân quá khó khăn. Thời gian tới, BQL các KCN, huyện Vị Xuyên cần tập trung làm tốt việc đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng khu tái định cư để người dân yên tâm ổn định cuộc sống, đầu tư phát triển sản xuất kinh doanh; trình UBND tỉnh xem xét điều chỉnh lại quy hoạch chi tiết; có cơ chế, chính sách huy động nguồn vốn, đa dạng hóa hình thức đầu tư phát triển hạ tầng KCN; nghiên cứu, đề xuất mô hình quản lý KCN. Huyện Vị Xuyên cần có giải pháp tạo việc làm cho người dân trong KCN để họ có nguồn thu nhập, ổn định cuộc sống... Có như vậy chủ trương đầu tư phát triển, thu hút đầu tư vào KCN Bình Vàng của tỉnh mới nhanh chóng thành hiện thực.


THANH HÀ

Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

Thực hiện mô hình bảo tồn và phát triển cây lê Đài Loan và đào Vân Nam tại tỉnh ta
HGĐT- Năm 1993, Trung tâm KHKT giống cây trồng Phó Bảng (nay là Trung tâm Giống cây trồng và gia súc (GCTGS) Phó Bảng) đã cùng với các chuyên gia Trung Quốc ghép và trồng khảo nghiệm 29 cây đào Vân Nam (Trung Quốc) tại thị trấn Phó Bảng, huyện Đồng Văn.
22/11/2010
Nuôi thành công cá Hồi Vân tại Xín Mần
HGĐT- Được sự ủng hộ của Đảng bộ, chính quyền huyện Xín Mần, sự giúp đỡ và chuyển giao tiến bộ khoa học của các nhà khoa học, nuôi trồng thủy hải sản trong ngoài nước, của các trại nuôi cá Hồi Vân tại Sa Pa (Lào Cai), Công ty TNHH Gia Long (Xín Mần) đã đưa vào nuôi thử nghiệm thành công 1.200 con cá Hồi Vân tại đỉnh Đèo Gió (xã Nấm Dẩn – Xín Mần).
19/11/2010
Hiệu quả kinh doanh của Công ty Cổ phần Vật tư nông – lâm nghiệp
HGĐT- Công ty Cổ phần Vật tư nông – lâm nghiệp chính thức được chuyển đổi sang mô hình Công ty cổ phần hoạt động theo Luật doanh nghiệp từ 1.6.2006, với chức năng nhiệm vụ chủ yếu là kinh doanh xuất - nhập khẩu phân bón các loại, giống cây trồng, vật liệu xây dựng và xăng dầu.
19/11/2010
Nỗ lực giải ngân nguồn vốn Chương trình Chia sẻ
HGĐT- Chương trình Chia sẻ giai đoạn II thực hiện trong vòng 20 tháng, từ tháng 11.2009-6.2011, tại 197 thôn, 25 xã của huyện Hoàng Su Phì. Tổng nguồn vốn thực hiện Chương trình 80 tỷ đồng, trong đó vốn tổ chức Sida Thụy Điển 65 tỷ đồng, vốn đối ứng Chính phủ Việt Nam 15 tỷ đồng.
19/11/2010