Thực trạng và giải pháp phát triển ngành nghề ở thị trấn Mèo Vạc
HGĐT- Thị trấn Mèo Vạc là trung tâm kinh tế - chính trị, văn hóa của huyện Mèo Vạc. Trong những năm qua cùng với sự phát triển của nền kinh tế thị trường, các thành phần kinh tế trên địa bàn huyện nói chung, ở thị trấn nói riêng đã hòa nhập và từng bước phát triển khá nhanh.
Chợ trung tâm thị trấn Mèo Vạc ngày càng phát triển mạnh, tạo điều kiện cho đồng bào giao lưu trao đổi hàng hóa, từng bước tăng thu nhập, cải thiện đời sống.
Trong ảnh: Góc chợ bò.
|
Trong vài năm trở lại đây, các ngành nghề dịch vụ thương mại trên địa bàn thị trấn phát triển mạnh, chiếm tỷ trọng ngày càng cao trong cơ cấu kinh tế và trở thành nguồn thu chủ yếu của nhân dân địa phương. Tuy nhiên để trở thành một thị trấn sôi động với một thị trường đa dạng cần có những giải pháp tích cực và đồng bộ.
THỰC TRẠNG:
Thị trấn Mèo Vạc có diện tích tự nhiên 1.979,56 ha, với 1.242 hộ gia đình và hơn 4.781 nhân khẩu sinh sống. Là nơi đất chật người đông, bình quân diện tích canh tác ít, chỉ có hơn 0,17 ha/người. Tuy nhiên, do có nhiều yếu tố thuận lợi, do tích cực thực hiện chuyển dịch cơ cấu kinh tế, nhân dân năng động, nhạy bén với cơ chế thị trường nên trong những năm qua các hoạt động thương mại dịch vụ trên địa bàn phát triển mạnh. Bên cạnh đó, dân cư sống tập trung và có truyền thống cần cù, sáng tạo trong sản xuất, cơ sở hạ tầng nông thôn điện - đường – trường – trạm phát triển tương đối hoàn thiện. Chợ trung tâm huyện đã được đầu tư khang trang, làm nơi giao lưu, trao đổi hàng hóa. Cùng đó, hệ thống giao thông nông thôn được đầu tư khá hoàn thiện với các tuyến tỉnh lộ, huyện lộ chạy qua đều được rải nhựa hoặc cấp phối, thuận tiện cho việc đi lại, vận chuyển hàng hóa cho bà con nhân dân. Những thuận lợi trên đã được nhân dân phát huy mạnh mẽ, làm cho tỷ trọng ngành nghề dịch vụ trên địa bàn thị trấn tăng trưởng năm sau cao hơn năm trước. Hiện nay toàn thị trấn có trên 200 cơ sở tổ chức sản xuất, kinh doanh buôn bán với 258 hộ gia đình tham gia các loại hình dịch vụ thương mại, chiếm 20,77% tổng số hộ địa phương. Trong đó lĩnh vực công nghiệp và tiểu thủ công nghiệp đem lại nguồn lợi đáng kể, nhất là hoạt động thương mại, thu hút trên 164 hộ tham gia kinh doanh các mặt hàng như hàng tiêu dùng, may mặc, điện - điện tử, sửa chữa xe máy, ăn uống, khách sạn – nhà nghỉ, dịch vụ văn hóa vv...phục vụ nhu cầu của nhân dân trong và ngoài địa bàn thị trấn. Năm 2005, trên địa bàn thị trấn chỉ có 5 HTX, đến năm 2010 đã phát triển lên gần 30 HTX và nhiều Công ty TNHH hoạt động sản xuất, kinh doanh các ngành nghề như khai thác vật liệu xây dựng, cơ khí dân dụng, chế biến các sản phẩm đặc trưng truyền thống như mật ong bạc hà, rượu ngô Haía vv... giải quyết việc làm cho hàng trăm lao động. Hoạt động thương mại, dịch vụ ngày càng phát triển mạnh, đến nay trên địa bàn thị trấn đã có 9 nhà nghỉ, khách sạn, trong đó có 1 khách sạn đạt tiêu chuẩn 1 sao. Dịch vụ cơ khí sửa chữa điện tử được hình thành và phát triển khá nhanh đáp ứng nhu cầu cho nhân dân. Đặc biệt ở trung tâm thị trấn Mèo Vạc hoạt động buôn bán từ quy mô nhỏ lẻ đến quy mô đại lý ngày càng lớn với số vốn kinh doanh hàng tỷ đồng đã ngày càng tăng về số hộ tham gia. Nhiều hộ dân nơi đây giàu lên nhờ việc bán lẻ hàng tạp hóa. Nghề chăn nuôi gia súc ở huyện Mèo Vạc cũng phát triển mạnh, qua đó đã thúc đẩy quá trình trao đổi, mua bán gia súc, chợ buôn bán gia súc tại trung tâm huyện đã được hình thành từ lâu, đến nay càng có nhiều điều kiện để phát triển mạnh và đang dần trở thành nơi trung chuyển gia súc từ các địa phương giáp ranh huyện Mèo Vạc. Qua đó đã thu hút khoảng 150 – 200 hộ gia đình tham gia, tổng doanh thu từ hoạt động này hàng năm đạt 6 tỷ đồng. Cùng với các ngành chủ lực trên, thị trấn hiện còn có 21 hộ làm dịch vụ vận tải, 27 hộ kinh doanh mặt hàng ăn uống, cùng 128 hộ làm các dịch vụ khác như bưu chính viễn thông, xay xát, mộc, sản xuất vật liệu xây dựng...Một số cơ sở Karaoke có tiện nghi chất lượng tốt đáp ứng nhu cầu giải trí của người dân và du khách đến với huyện. Trên địa bàn thị trấn có 28 xe ô tô các loại, toàn bộ là của doanh nghiệp tư nhân, hàng năm vận chuyển từ 18 – 22 tấn hàng hóa. Đây là lực lượng vận tải chính vận chuyển hàng hóa ra ngoài huyện cũng như trên trên địa bàn, giải quyết việc làm cho hàng chục lao động, cho doanh thu hàng năm từ 2,5 – 3 tỷ đồng. Các ki ốt trong chợ Mèo Vạc đã được sắp xếp bố trí hợp lý, phục vụ thuận lợi cho hoạt động sản xuất kinh doanh của người dân. Ngành nghề dịch vụ thương mại phát triển mạnh góp phần đưa cơ cấu kinh tế của địa phương chuyển dịch theo hướng tích cực, tỷ trọng ngành nghề dịch vụ thương mại từ 25% năm 2005 nay tăng lên gần 40% trong cơ cấu kinh tế. Đời sống của nhân dân đã được cải thiện đáng kể, giá trị thu nhập đạt bình quân 8 triệu đồng/người/năm, số hộ khá và giàu tăng nhanh, số hộ nghèo giảm chỉ còn 9,61%. Bộ mặt đô thị ngày càng khang trang hiện đại, với nhiều tuyến phố mới được hình thành đang dần tạo nên diện mạo một đô thị văn minh...
Mặc dù đạt được một số kết quả nhưng trong quá trình phát triển ngành nghề trong nhân dân còn bộc lộ những hạn chế đó là việcchuyển đổi ngành nghề chủ yếu diễn ra trong các hộ gia đình ở miền xuôi lên, người dân địa phương chưa chủ động tham gia việc chuyển đổi ngành nghề hoặc có tham gia nhưng số lượng ít và chủ yếu tập trung ở một số lĩnh vực mà hiệu quả thấp, giá trị kinh tế chưa cao. Trong quá trình chuyển đổi ngành nghề, các nghề thủ công truyền thống của địa phương chưa được coi trọng, nhiều nghề truyền thống đang có nguy cơ mai một như nghề rèn, nghề thêu dệt thổ cẩm...các ngành nghề đang phát triển hiện nay trên địa bàn thị trấn chủ yếu được du nhập từ nơi khác đến, trong khi đó ngành nghề truyền thống, mặt hàng sản xuất còn đơn điệu, quy mô nhỏ lẻ. So với tiềm năng của địa phương hiện nay thì số thương hiệu sản phẩm hàng hóa còn quá ít, thiếu lao động có tay nghề cao, nhất là nguồn lao động tại chỗ. Nhận thức của người dân về chuyển đổi ngành nghề từ hoạt động nông nghiệp thuần túy sang các ngành nghề khác còn hạn chế...
GIẢI PHÁP:
Chuyển đổi ngành nghề từ hoạt động sản xuất nông nghiệp sang các ngành phi nông nghiệp được xác định là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của Đảng bộ thị trấn Mèo Vạc trong quá trình phát triển kinh tế – xã hội, giai đoạn 2011 – 2015. Phát huy những kết quả đạt được trong những năm qua, đồng thời phát huy tiềm năng thế mạnh và nội lực sẵn có của địa phương, Đảng bộ thị trấn đã có nghị quyết chuyên đề về vấn đề này, đồng thời chỉ đạo các cấp, các ngành tập trung các giải pháp đồng bộ đẩy mạnh phát triển thương mại, dịch vụ, du lịch, đến năm 2015 thị trấn có cơ cấu kinh tế hợp lý, thương mại, dịch vụ chiếm 38%, công nghiệp chiếm 20%, nông – lâm nghiệp chiếm 42%. Khuyến khích nhân dân tích cực tham gia chuyển đổi ngành nghề nông nghiệp sang các ngành nghề phi nông nghiệp theo hướng vừa tiếp thu các ngành nghề ở các địa phương khác, vừa khôi phục và phát triển các nghề thủ công truyền thống của địa phương đó là khôi phục 2 làng nghề may mặc, thêu dệt thổ cẩm truyền thống của dân tộc Mông và dân tộc Lô Lô. Tiếp tục tạo điều kiện và khuyến khích phát triển các loại hình kinh doanh như khách sạn, nhà nghỉ, vui chơi giải trí và dịch vụ ăn uống trên địa bàn, phấn đấu đến năm 2015 có trên 300 hộ gia đình (chiếm 24,15%) tham gia chuyển đổi và chuyển đổi có hiệu quả các ngành nghề trong đó tập trung vào các ngành nghề có tay nghề lao động cao. Tổng thu ngân sách trên địa bàn trên 300 triệu đồng, hàng năm giải quyết việc làm cho trên 60 lao động tại chỗ, thu nhập bình quân đầu người đạt 15 triệu đồng/người/năm, trong đó thu nhập từ các ngành nghề phi nông nghiệp chiếm trên 70% (tương đương 10,5 triệu đồng/năm), mục tiêu phấn đấu đưa thị trấn Mèo Vạc trở thành đô thị loại V trong thời gian tới...
Ý kiến bạn đọc