Quang Bình tích cực, chủ động phòng, chống đói, rét cho vật nuôi

17:07, 17/11/2010

HGĐT- Hiện nay, do thời tiết diễn biến khá phức tạp, nền nhiệt độ xuống thấp ảnh hưởng rất lớn đến cây trồng và vật nuôi. Trước tình hình đó, UBND huyện Quang Bình đã khẩn trương chỉ đạo Phòng NN&PTNT huyện cùng các ban, ngành chức năng chủ động triển khai các biện pháp bảo vệ vật nuôi trong mùa đông...


 
 Nhờ chủ trương phát triển chăn nuôi, đàn gia súc huyện Quang Bình không ngừng tăng trưởng về số lượng.

Là một huyện vùng thấp của tỉnh, huyện Quang Bình có nhiều lợi thế về phát triển nông, lâm nghiệp và chăn nuôi gia súc, gia cầm. Với chủ trương phát triển đàn gia súc, gia cầm trở thành vật nuôi mang tính hàng hoá, trong năm qua đàn gia súc, gia cầm của huyện không ngừng tăng. Theo thống kê, hiện nay tổng đàn trâu của huyện là 21.418 con, 235 con bò; 11.062 con dê, gần 5000 con lợn và 317.094 con gia cầm các loại. Nhằm bảo vệ đàn gia súc, gia cầm trong mùa đông năm nay, UBND huyện Quang Bình đã triển khai nhiều biện pháp đồng bộ duy trì chất lượng và số lượng đàn gia súc.


Thực hiện công điện số 05/CĐ - UBND ngày 4.11 của UBND tỉnh về chống đói, rét bảo vệ đàn gia súc, gia cầm, UBND huyện Quang Bình đã trực tiếp chỉ đạo Phòng NN&PTNT huyện cùng các đơn vị chức năng trên địa bàn thống kê, rà soát số lượng gia súc, gia cầm trong các xã, đồng thời vận động nhân dân khẩn trương kiên cố chuồng trại, chuẩn bị thức ăn dự trữ sãn sàng khi mùa đông tới. Theo đó, huyện đã thành lập BCĐ bảo vệ đàn vật nuôi mùa đông, phân công các thành viên BCĐ xuống cơ sở theo dõi, báo cáo trực tiếp về UBND huyện, phòng Nông nghiệp về tình hình phòng chống đói, rét, dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm tại các xã; đồng thời huy động kinh phí hỗ trợ nhân dân làm chuồng trại, mua thuốc tiêm phòng cho đàn gia súc...


Đồng chí Hoàng Thị Chung, Trưởng phòng Nông nghiệp huyện Quang Bình, thành viên BCĐ huyện cho biết, chủ động đối phó với rét, huyện đã tổ chức các lớp tập huấn nhằm trang bị thêm kiến thức cho đồng bào, nhân dân về cách chăm sóc đàn gia súc, gia cầm. Chỉ đạo các cán bộ có chuyên môn về các xã, các thôn bản cùng đồng bào, nhân dân thực hiện các biện pháp phòng chống rét, chống dịch bệnh cho đàn gia súc, gia cầm. Ngay sau khi thu hoạch xong vụ mùa, phòng Nông nghiệp huyện đã vận động người dân tích trữ rơm rạ, và các thực phẩm đã qua chế biến, đảm bảo đàn vật nuôi không bị đói. Song song với đó, huyện đã chỉ đạo các phòng, ban thuộc BCĐ tiến hành tiêm phòng đầy đủ các loại vắc xin chống các bệnh truyền nhiễm như dịch tả, tụ huyết trùng; bệnh lở mồm long móng, nhiệt thán..., đến nay toàn bộ 15 xã trên địa bàn huyện đã triển khai phòng chống rét cho trâu bò; tiêm phòng vắc xin chống các loại bệnh truyền nhiễm trên đàn gia súc, gia cầm. Bên cạnh đó, huyện đã vận động nhân dân mở rộng diện tích trồng cỏ, trồng thêm ngô để bổ sung lượng thức ăn cho đàn vật nuôi.


Tuy nhiên, hiện nay rải rác trên địa bàn các xã vẫn còn hiện tượng người dân chủ quan trong công tác phòng chống dịch, đã có trên 60 con gia súc bị mắc bệnh, chủ yếu là do bệnh tụ huyết trùng cấp. Ngay sau khi phát hiện, phòng Nông nghiệp huyện đã cử cán bộ thú y xuống tận nơi tiến hành điều trị, chỉ đạo UBND xã tiến hành tiêu huỷ số vật nuôi chết, cách ly, phun tiêu độc khử trùng, tuyệt đối không vận chuyển vật nuôi sang các nơi khác nhằm tránh dịch bệnh có thể lây lan ra diện rộng. Theo đánh giá chung của UBND huyện, năm 2010 huyện đã thực hiện tiêm phòng được 98.888 liều vắc xin trên đàn gia súc, gia cầm; trong đó tiêm vắc xin tụ huyết trùng trên trâu, bò được 20.068/21.900 liều; tiêm vắc xin lở mồm long móng được 30.556/32.500 liều; vắc xin tả lợn là 7.008/7.440 liều...; cấp hoá chất khử trùng tiêu độc cho các xã được 2 đợt và cấp bổ sung cho thôn có gia súc, gia cầm bị chết là 1.558 lít Ben cô xít.


Chúng tôi về xã Xuân Giang (Quang Bình), đây là đơn vị có số lượng đàn gia súc, gia cầm tương đối lớn với trên 3000 ngàn con gia súc, gia cầm các loại. Làm việc với lãnh đạo UBND xã được biết, ngay khi huyện có công văn chỉ đạo về công tác phòng chống đói, rét, dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm, xã đã thành lập BCĐ quán triệt từng nội dung xuống các thôn, vận động nhân dân thực hiện có hiệu quả công tác kiên cố chuồng trại, nuôi nhốt tập trung đàn gia súc, gia cầm; bố trí nguồn thức ăn đủ, đảm bảo vệ sinh, do vậy, đến nay toàn xã không có dịch bệnh xảy ra, nhân dân yên tâm lao động sản xuất.


Qua tìm hiểu thực tế, hiện nay đàn gia súc, gia cầm trên địa bàn huyện Quang Bình chủ yếu nuôi theo hình thức trang trại tập trung với gần 500 mô hình, còn lại là hình thức nuôi cá thể rải rác tại các thôn. Do vậy, để thực hiện hiệu quả chủ trương của UBND tỉnh, huyện Quang Bình đã tập trung 2 hình thức phòng chống dịch bệnh hiệu quả trên đàn gia súc, gia cầm, đó là: Tuyên truyền tập trung để nhân dân chủ động trong công tác phòng chống đói, rét, dịch bệnh trên vật nuôi; tiến hành cấp kinh phí tiêm phòng vắc xin, kiên cố chuồng trại. Do thực hiện chủ động các phương pháp, đến thời điểm hiện tại, đàn gia súc, gia cầm huyện duy trì ổn định, đáp ứng được yêu cầu phát triển kinh tế chung của huyện, góp phần nâng cao đời sống của nhân dân.


PHẠM DƯƠNG

Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

Chuyển dịch cơ cấu cây trồng vụ Đông ở xã Xuân Giang
HGĐT- Là xã vùng thấp của huyện Quang Bình, Xuân Giang luôn được xác định là một trong những xã có tiềm năng phát triển kinh tế - xã hội của huyện. Những năm gần đây cấp ủy, chính quyền xã Xuân Giang thường xuyên tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện tốt chuyển đổi cơcấu cây trồng vụ 3 góp phần tăng thêm lương thực, thu nhập cho nhân dân.
16/11/2010
Toàn tỉnh đảm bảo năng suất, sản lượng lương thực năm 2010
Sản xuất nông nghiệp năm 2010 diễn ra trong điều kiện thời tiết khó khăn, bất lợi. Vụ Đông - xuân, hạn hán gay gắt trên diện rộng dẫn đến nhiều diện tích cây trồng bị ảnh hưởng, trong đó có nhiều ha mất trắng, nhiều diện tích bị ảnh hưởng đến năng suất, sản lượng.
16/11/2010
NHCSXH huyện Quang Bình cung ứng đầy đủ vốn cho các mô hình kinh tế phát triển
HGĐT- Hiện nay, trên địa bàn huyện Quang Bình nhiều mô hình kinh tế hộ gia đình đã và đang phát triển, đem lại hiệu quả kinh tế cao, nổi bật là các mô hình chăn nuôi, các mô hình trồng xen canh cây nông nghiệp. Để cung ứng đầy đủ vốn cho nông dân phát triển kinh tế, Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) huyện Quang Bình đã có nhiều chính sách hỗ trợ vốn vay cho nông dân, đáp
12/11/2010
Xín Mần thu hút nhiều nguồn lực đầu tư
HGĐT- Là một trong 62 huyện nghèo nhất nước, Xín Mần đang được thụ hưởng nhiều chính sách ưu tiên đầu tư nhằm giảm nghèo nhanh, bền vững theo Nghị quyết 30a của Chính phủ.
12/11/2010