Qua 2 năm hoạt động của Công ty Cổ phần Cao su Hà Giang

16:36, 12/11/2010

HGĐT- Ngày 13.11 năm nay là thời điểm đánh dấu 2 năm kể từ ngày Công ty CPCSHG ra đời. Hai năm với biết bao trăn trở, vất vả trên vùng đất mới, những hàng cây cao su đầu tiên đang vươn mình mạnh mẽ, bắt đầu khép tán. Sương gió cũng đã điểm trên gương mặt của những cán bộ, công nhân viên chức Công ty CPCSHG, tất cả đang hướng đến một mục tiêu đem cây mới, tư duy sản xuất mới để góp sức cho công cuộc phát triển miền đất Hà Giang.


Quãng thời gian 2 năm nhưng cũng đủ để những cán bộ, lãnh đạo mà Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam cử lên Hà Giang xây nền cho sự phát triển của cây cao su ở đây trở nên quen thuộc với vùng đất mới. Nhiệm vụ lớn đặt ra không chỉ là trọng trách của Công ty mà còn với cả cấp ủy, chính quyền từ tỉnh đến các địa phương triển khai dự án trồng cây cao su. Nỗ lực để trong giai đoạn từ 2009 – 2015 triển khai trồng được 10.000ha cao su theo hướng đại điền. Mục tiêu lớn là phải góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế cho các địa phương, tạo công ăn, việc làm, XĐGN, thực hiện tốt chính sách nông thôn, nông nghiệp, nông dân theo tinh thần của Nghị quyết TƯ7 khóa X...


Trước mục tiêu, nhiệm vụ lớn đã đặt ra không ít những khó khăn, thách thức đối với Công ty trong những ngày mới bước vào hoạt động. Đội ngũ cán bộ còn mới, trẻ, phải thực hiện công việc đưa một giống cây mới về vùng đất còn lạ. Thế nên, có những thời điểm khó khăn trong việc đi vận động dân, tìm đất, phối hợp với các địa phương..., sự mệt mỏi đã hiện trên khuôn mặt của cả những cán bộ có năng lực và có quyết tâm cao của Công ty. Nhưng rồi mưa dầm thấm lâu, cái triết lí ấy thực sự đúng với những gì mà Công ty CPCSHG đã thể hiện trong suốt 2 năm qua. Với sự tạo điều kiện, chỉ đạo mạnh mẽ của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh và các địa phương đã từng bước giúp Công ty hóa giải những bài toán khó.


Hai năm trôi qua, đi từ Vị Xuyên, xuống đến Bắc Quang và Quang Bình, trên những đồi cây dại, những vạt đồi cằn cỗi ngày nào ở các xã Trung Thành, Vô Điếm, Vĩ Thượng..., giờ đã hàng hàng, lối lối một mầu cao su. Trong những ngày hè nắng chói chang, mồ hôi của biết bao cán bộ, công nhân viên đã đổ xuống từng gốc cao su cho những mầm xanh vươn mình. Dù vẫn còn không ít người chưa hiểu hết giá trị kinh tế của loại cây mới, của một chủ trương lớn cho vùng đất nghèo, nhưng nhìn những thân cây đang lớn lên vùn vụt, qua 2 năm có cây đã đạt chiều cao từ 3 – 4m thì ai cũng phải trầm trồ, cây đâu có kén đất!. Vì thế, quá trình cây cao su lớn lên trên mảnh đất Hà Giang cũng là quá trình từng ngày mà mỗi cán bộ, công nhân viên cho đến ngay cả Giám đốc Nguyễn Xuân Phú vẫn cứ bền bỉ vừa tuyên truyền, vừa giải thích, vừa phải tranh thủ sự phối hợp, giúp đỡ của từng cấp ủy, chính quyền các địa phương cùng tham gia vận động bà con góp đất. Có lần theo một đoàn của xã Phú Linh (Vị Xuyên) đi thăm mô hình trồng cao su ở một số địa bàn trong tỉnh, bà con vốn xưa nay chỉ quen nhìn cây cọ, cây mỡ, cây sắn thì nay nhìn thấy cây cao su, thấy bảo mới trồng có 2 năm mà cả đoàn cứ tròn xoe mắt, sao lớn nhanh thế!


Vừa vận động, vừa gây dựng nền móng, tổ chức, đến nay qua 2 năm thành lập, Công ty CPCSHG đã đi vào hoạt động ổn định với sự lãnh đạo, điều hành của Hội đồng Quản trị, Ban Giám đốc. Công ty có 4 phòng chức năng, 3 Ban chỉ đạo vùng sản xuất ở 3 huyện: Bắc Quang, Quang Bình và Vị Xuyên. Trên cơ sở các diện tích sản xuất không ngừng được mở rộng, đến nay đã thành lập được 7 đội sản xuất. Công ty cũng đã thành lập được 1 chi bộ Đảng, tổ chức Công đoàn, Đoàn thanh niên trực thuộc Tập Đoàn CNCSVN. Thực hiện đúng những gì đã đề ra, đến nay Công ty có 265 cán bộ, công nhân viên, trong đó với ưu tiên tuyển dụng con em đồng bào các dân tộc, đã có rất nhiều thanh niên từ những người nông dân một nắng hai sương nay đã trở thành những công nhân với tư duy, giờ giấc, kỹ thuật lao động bài bản. Theo thống kê, đến nay thu nhập bình quân của mỗi công nhân đã đạt gần 2 triệu đồng/người/tháng. Việc chăm lo đời sống, quyền lợi của công nhân được đảm bảo đúng theo quy định của Tập đoàn như chế độ bảo hiểm, chế độ bảo hộ lao động, chế độ bồi dưỡng độc hại...


Trước nhiều khó khăn vẫn đang đặt ra, đồng chí Nguyễn Xuân Phú, Tổng Giám đốc Công ty khẳng định, với quyết tâm lớn của Công ty và các địa phương, đến nay đã từng bước thay đổi nhận thức, tư duy của người dân trong vùng trồng cao su. Tính đến ngày 30.10.2010, đã có 2.354,1ha đất được bàn giao cho Công ty, trong đó Quang Bình là địa phương có diện tích bàn giao lớn nhất với 1.200ha. Trên cơ sở đó, Công ty đã khai hoang được 1.820ha, đến ngày 30.10, đã có 1.094,2ha cây cao su được trồng mới. Những khó khăn bước đầu đang được tháo gỡ, với sự ủng hộ của các địa phương đã và đang tạo ra bước đà quan trọng cho thời gian tới. Cho dù theo kế hoạch tỉnh giao, tiến độ triển khai trồng cây cao su vẫn còn chậm do nhiều nguyên nhân khách quan, chủ quan, nhưng thời gian tới sẽ hứa hẹn đạt được thêm nhiều kết quả thắng lợi hơn. Với nỗ lực và quyết tâm, hiện Công ty cũng đã chuẩn bị vườn ươm, cắm 40 vạn cây giống, đồng thời đẩy mạnh tiến độ khai hoang để chuẩn bị cho kế hoạch trồng mới vào vụ Xuân năm 2011. Để tạo một nền tảng vững chắc, lâu dài, đến nay Công ty đã và đang xây dựng 3 trụ sở làm việc và nhà ở cho 3 đội sản xuất. Bên cạnh đó, đang tiến hành làm các thủ tục đề nghị với tỉnh cho Công ty thuê đất để xây dựng trụ sở làm việc của Công ty.


Hai năm trên vùng đất mới, cây không kén đất, đất cùng với tư duy đổi mới, ý chí vượt khó đã tiếp sức cho sự tái sinh mạnh mẽ ở những vùng trước đây là rừng nghèo kiệt, rừng cho kinh tế thấp và đất trống đồi núi trọc. Điều này đang khẳng định một hướng đi đúng, một chủ trương đúng của Chính phủ, của địa phương. Phát biểu tại Hội nghị tổng kết sản xuất nông – lâm nghiệp năm 2010, đồng chí Nguyễn Văn Sơn, Ủy viên BTV Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh khẳng định, “Chương trình cây cao su là một chương trình mới, nhưng có thể khẳng định đây là một chương trình thành công. So sánh với các vùng trồng cao su ở phía Bắc, cây cao su của tỉnh ta có sự thích nghi, phát triển rất tốt”. Đó chính là những tiền đề quan trọng, tạo nên những bước đi vững chắc cho sự phát triển của một giống cây mới, hướng đi mới trên đất Hà Giang.


HUY TOÁN

Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

Liên minh HTX tỉnh thực hiện tốt chức năng tư vấn hỗ trợ các HTX trong tỉnh phát triển
HGĐT- Tính đến nay, trên địa bàn tỉnh có 6.232 tổ hợp tác với 60.280 người tham gia. Trên thực tế các tổ hợp tác được hình thành chủ yếu từ cơ sở các hộ gia đình tự thành lập nhằm trợ giúp lẫn nhau trong sản xuất nông, lâm nghiệp là chính chứ không đăng ký với chính quyền địa phương.
29/10/2010
Kết quả sản xuất lúa vụ Mùa ở Xín Mần
HGĐT- Vụ Mùa năm nay, huyện Xín Mần gieo cấy được gần 3.000 ha lúa nước, trong đó diện tích lúa lai chiếm trên 60% tổng diện tích toàn huyện. Hiện nay, tranh thủ thời tiết thuận lợi bà con nông dân đang tập trung thu hoạch, năng suất bình quân lúa đạt gần 52tạ/ha, tăng gần 2 tạ so với vụ Mùa năm 2009.
29/10/2010
Dịch vụ Tài chính nông thôn giúp nhiều hộ ở Đồng Văn thoát nghèo
HGĐT- Nhờ Dự án Phân cấp giảm nghèo nông thôn (DPPR), huyện Đồng Văn được hưởng nhiều chương trình đầu tư trực tiếp, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân. Hệ thống cơ sở hạ tầng ngày một hoàn thiện nhờ sự đầu tư vốn để xây dựng cơ sở hạ tầng phục vụ phát triển kinh tế, văn hoá, xã hội.
12/11/2010
Quang Bình: Vượt chỉ tiêu giao đất trồng cao su
HGĐT- Tính đến hết tháng 10, huyện Quang Bình đã xác minh và thẩm định được 1.937,5 ha diện tích đất trồng cao su, trong đó huyện đã giao sơ bộ cho Công ty Cổ phần Cao su Hà Giang là 1.119 ha, thuộc các xã: Yên Hà 676,758 ha; Tiên Yên 207,47 ha; Xuân Giang 235,345 ha, đạt trên 126% kế hoạch năm 2010.
10/11/2010