Quang Bình: Đánh giá kết quả thực hiện đề án chuyển giao giống mới và sử dụng phân bón hữu cơ MV
HGĐT- Vụ mùa năm nay, huyện Quang Bình thực hiện 43 mô hình thâm canh áp dụng giống lúa mới ở 15 xã. Tổng diện tích thực hiện mô hình là 108,38 ha. Số hộ tham gia mô hình là 583 hộ. Các giống lúa được đưa vào trồng ở 43 mô hình là: BC15; TBR-1; Kim ưu 725; Thục hưng 6,
Các giống lúa trên được trạm khuyến nông, phòng NN-PTNT huyện trực tiếp chuyển giao toàn bộ quy trình kỹ thuật, thâm canh xuống tận cơ sở cho bà con nông dân. Với định mức đầu tư phân bón không đổi theo quy định và định mức gieo trồng đã quy định trong đó có: Phân chuồng từ 3-5 tấn/ha. Đạm bón bình quân từ 140-200 kg/ha, lân 300-400kg/ha, NPK từ 300-325 kg/ha. Ngoài ra, ở các mô hình trồng chuyển giao có áp dụng đồng loạt thêm một loại phân bón có nguồn gốc hữu cơ (là chất thải của nhà máy mi won (mi uôn) Việt Nam (nhà máy chế biến bột ngọt) mà thành phần chủ yếu là bọt đường, bọt bột sắn thải ra để lên men, hoặc cô đặc thành viên và dạng lỏng. Mức bón phân MV bình quân cho mỗi ha là 1.200 lít và 190,5 (dạng viên). Trong cả quá trình theo dõi cho thấy các loại giống lúa trên có mức độ tăng trưởng, sinh trưởng rất tốt, rất phù hợp trên đồng đất Quang Bình ở diện rộng. Các mô hình có sử dụng thâm canh phân bón MV cây lúa tốt hơn hẳn so với sử dụng phân bón bình thường. Kết quả thu hoạch các loại giống lúa mới cho năng suất bình quân trên 7,3 tấn/ha cao hơn các loại giống cũ như San ưu 63, Nhị ưu 838 từ 8 tạ – 1,3 tấn/ha. Các ruộng sử dụng phân bón MV cũng cho kết quả cao hơn rất nhiều so với sử dụng phân bón thông thường, đem lại lợi nhuận cho bà con nông dân. Gạo các loại lúa giống mới cũng thơm, dẻo, đáp ứng tiêu dùng, xuất khẩu. Mô hình cần được nhân rộng trên địa bàn toàn tỉnh.
Ý kiến bạn đọc