Hỗ trợ HTX chè Phìn Hồ xây dựng thương hiệu sản phẩm
HGĐT- Sau gần 1 năm triển khai hoạt động, nguồn vốn từ các hợp phần Chương trình Chia sẻ giai đoạn II đã tham gia vào nhiều lĩnh vực của đời sống xã hội, góp phần thúc đẩy sản xuất phát triển và tạo chuyển biến trong nhận thức cho người dân Hoàng Su Phì.
Rất nhiều chương trình phát triển KT-XH, nhiều hộ dân, tổ chức xã hội được Chương trình Chia sẻ hỗ trợ, một trong những cơ sở đã tranh thủ được nguồn vốn Chia sẻ, đang vươn lên khẳng định vị thế trên thị trường là HTX chế biến chè Phìn Hồ xã Thông Nguyên (Hoàng Su Phì). Nhằm giúp HTX nâng cao khả năng cạnh tranh, mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm, Chương trình Chia sẻ đã phê duyệt hồ sơ, hỗ trợ HTX kinh phí thực hiện chiến lược quảng bá, xây dựng thương hiệu sản phẩm Fìn Hồ trà.
Năm 2008, HTX chế biến chè Phìn Hồ được thành lập với 42 xã viên, thời gian đầu hoạt động của HTX gặp rất nhiều khó khăn do Ban quản trị chưa có kinh nghiệm quản lý, tổ chức sản xuất kinh doanh, tìm kiếm, mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm. Trong suốt năm đầu thành lập, 42 con người chỉ sản xuất, chế biến được 50 tấn chè búp tươi, tương đương với 10 tấn chè thành phẩm, sản phẩm tiêu thụ rất chậm, giá bán không ổn định, bình quân chỉ đạt 45-50 nghìn đồng/kg; thu nhập của xã viên chỉ đạt từ 1-1,2 triệu đồng/người/tháng.
Trước thực trạng đó, Ban quản trị HTX đã tổ chức nhiều cuộc họp nhằm đề ra các giải pháp đổi mới tổ chức, duy trì, nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh như: Chủ động liên hệ với các cơ sở chế biến chè chất lượng cao trong và ngoài tỉnh để tìm hiểu quy trình sản xuất, dây chuyền công nghệ, từ đó đặt mua, lắp đặt xưởng chế biến phù hợp với quy mô của HTX; xây dựng kế hoạch, điều chỉnh phương án sản xuất, kinh doanh sát với điều kiện thực tế của HTX, cũng như nhu cầu thị trường tiêu thụ sản phẩm trong từng thời điểm; quyết định đổi mới, mở rộng quy mô sản xuất, mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm; đào tạo, bồi dưỡng kỹ thuật chế biến chè cho xã viên. Bên cạnh đó, Ban quản trị HTX đã lựa chọn người có trình độ kỹ thuật cao để phân công phụ trách khâu kỹ thuật chế biến trong toàn bộ dây chuyền sản xuất; bố trí cho xã viên tham gia các lớp tập huấn nâng cao kỹ thuật chế biến chè do UBND huyện Hoàng Su Phì phối hợp với Trường nghề tổ chức tại xã Thông Nguyên; quản lý chặt chẽ chất lượng sản phẩm từ nguyên liệu đầu vào...
Để có nguồn vốn đáp ứng nhu cầu sản xuất, Ban quản trị HTX đã chủ động làm việc với Chi nhánh Ngân hàng NN-PTNT Hoàng Su Phì vay vốn từ các chương trình hỗ trợ sản xuất của Nhà nước. Từ năm 2009 đến nay, HTX đã vay 750 triệu đồng đầu tư thiết bị, mở rộng quy mô sản xuất. Ban quản trị HTX đã đề nghị UBND huyện có cơ chế hỗ trợ lãi suất và kinh phí đầu tư, mở rộng dây chuyền sản xuất, chế biến chè xuống các thôn, bản nhằm tăng nguồn nguyên liệu đầu vào cho HTX. Kết quả đã được UBND huyện hỗ trợ 50% kinh phí đầu tư 20 máy chế biến chè mini lắp đặt tại thôn Phìn Hồ và một dây chuyền chế biến tại HTX, với tổng số vốn trên 600 triệu đồng. HTX đã huy động vốn đóng góp của xã viên mua được một xe ô tô để vận chuyển, cung ứng sản phẩm đến nơi tiêu thụ; huy động các xã viên góp cổ phần được 120 ha vườn chè để tăng thêm nguồn nguyên liệu đầu vào cho quá trình sản xuất.
Cùng với việc mở rộng sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm, công tác quảng bá, giới thiệu sản phẩm được HTX rất coi trọng thông qua việc in tờ rơi, lô gô, cải tiến mẫu mã bao bì sản phẩm, trang trí hình ảnh sản phẩm chè trên xe ô tô. Ban quản trị HTX chú trọng nâng cao chất lượng chế biến sản phẩm chè khô, phân loại từng sản phẩm, chọn sản phẩm chất lượng cao nhất đưa ra thị trường nhằm từng bước tìm kiếm, mở rộng thị trường và uy tín của sản phẩm. Hiện nay, thị trường tiêu thụ sản phẩm chè của HTX đã được mở rộng với nhiều đại lý ở Hà Nội, Phú Thọ, Tuyên Quang, Yên Bái, Lạng Sơn... Hoạt động sản xuất kinh doanh của HTX đã ổn định, thu nhập của người lao động được nâng lên; sản lượng chế biến chè búp tươi đạt trên 90 tấn/năm, chè thành phẩm đạt gần 20 tấn/năm; giá bán bình quân 70 nghìn đồng/kg tại nhà máy, có thời điểm lên tới 100-150 nghìn đồng/kg; thu nhập bình quân của xã viên đạt 2,5-3 triệu đồng/người/tháng.
Hy vọng rằng, với sự tham gia hỗ trợ kinh phí xây dựng thương hiệu của Chương trình Chia sẻ, sản phẩm Fìn Hồ trà tiếp tục chiếm lĩnh được thị trường, đời sống người trồng chè ngày càng được nâng lên.
Ý kiến bạn đọc