Chương trình 135 giai đoạn II, tích cực hỗ trợ nông dân phát triển sản xuất

17:08, 27/10/2010

HGĐT- Là tỉnh có 6 huyện nằm trong số 62 huyện nghèo của cả nước, điều kiện sản xuất khó khăn, phần lớn đất nông nghiệp sản xuất 1 vụ/năm. Trên cơ sở đó, việc triển khai Quyết định số 07-QĐ/TTg, ngày 10.1.2006 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt chương trình phát triển KT – XH của các xã đặc biệt khó khăn, vùng đồng bào dân tộc miền núi giai đoạn 2006 – 2010 là một cơ hội để tỉnh ta có thêm động lực vươn lên.


Thông qua dự án hỗ trợ phát triển sản xuất thuộc Chương trình 135 giai đoạn II, đã từng bước hoàn thiện và nâng cao trình độ quản lý, năng lực chuyên môn cho cán bộ cơ sở; trang bị và nâng cao trình độ sản xuất cho các hộ thông qua các mô hình, các lớp đào tạo. Qua đó, góp phần thay đổi bộ mặt nông thôn miền núi, tạo tiền đề cho mục tiêu thoát nghèo bền vững.


Với mục tiêu tạo sự chuyển biến tích cực về sản xuất, thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hoá, cải thiện và nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho đồng bào ở vùng khó khăn. Trên cơ sở đó, trong 5 năm 2006 – 2010, tổng số vốn dự án hỗ trợ sản xuất giao cho các địa phương khó khăn là 121.650 triệu đồng. Bám sát sự chỉ đạo của Trung ương, tỉnh đã chỉ đạo các địa phương phải xây dựng phương án theo từng địa bàn, đảm bảo đối tượng thụ hưởng phải được bình xét, lựa chọn theo thứ tự ưu tiên từ các thôn, bản, nhóm hộ và thông qua Nghị quyết HĐND xã để tổ chức thực hiện. Qua đó, từ năm 2006 đến 30.8.2010, đã có 517.745 lượt hộ được hỗ trợ với số vốn là 103.749,7 triệu đồng cho các nội dung hỗ trợ giống cây trồng, vật nuôi, vật tư sản xuất, hỗ trợ hoạt động khuyến nông, khuyến lâm, khuyến ngư, tập huấn, tham quan mô hình, hỗ trợ bảo quản, chế biến. Từ vốn hỗ trợ của Chương trình 135, đã có 230 mô hình sản xuất nông nghiệp được xây dựng, chủ yếu là các mô hình nhân rộng thâm canh ngô lai, lúa lai và chăn nuôi. Theo kế hoạch, ước thực hiện vốn hỗ trợ trong năm 2010 là 41.550 triệu đồng hỗ trợ cho 92.169 lượt hộ.


Trong quá trình tổ chức thực hiện, tỉnh cũng như các địa phương đã chủ động triển khai lồng ghép các nguồn vốn được giao trên địa bàn với nguồn vốn dự án hỗ trợ sản xuất để thực hiện đầu tư hỗ trợ cho các đối tượng của Chương trình 135 theo phương thức bố trí đầu tư, hỗ trợ xen kẽ các nội dung, hạng mục của nguồn vốn các chương trình dự án nhằm bổ trợ lẫn nhau trên cùng một địa bàn. Thông qua các chương trình mục tiêu Quốc gia về nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn; Chương trình sắp xếp, bố trí dân cư theo Quyết định 193 của Thủ tướng Chính phủ; Chương trình giao rừng, khoán và bảo vệ rừng, Chương trình giảm nghèo theo Quyết định số 20 của Thủ tướng Chính phủ; Chương trình 30a..., đã tạo điều kiện cho các hộ nghèo có thêm nguồn lực để đầu tư sản xuất, phát triển kinh tế, ổn định và nâng cao chất lượng đời sống.


Đồng chí Sùng Mí Thề, Phó Chủ tịch UBND huyện Mèo Vạc cho biết, đối với Mèo Vạc, từ khi triển khai dự án hỗ trợ người dân theo Chương trình 135 giai đoạn II cho đến nay đã tạo những bước chuyển biến, nhất là việc phát triển các diện tích cỏ. Từ năm 2006 đến nay, đã trồng được trên 4.000ha cỏ, chuyển đổi giống ngô lai và nỗ lực triển khai trồng ngô lai 2 vụ. Dự án cũng giúp cho việc cải tạo đàn bò của huyện... Với sự hỗ trợ tích cực, đã góp phần nâng cao đời sống, mức thu nhập của nhân dân bình quân từ năm 2006 đạt 2,6 triệu đồng/năm đến nay đã đạt 5,5 triệu đồng/người/năm. Bên cạnh những kết quả đạt được, việc triển khai dự án còn một số khó khăn, hạn chế là khi huyện phân cấp cho xã thì do trình độ quản lý của cấp xã nhiều nơi còn yếu dẫn đến hạn chế trong việc lựa chọn cây, con giống... Tuy nhiên, căn cứ vào tình hình thực tế hiện nay, về phía huyện Mèo Vạc cũng như nhiều địa phương khác trong tỉnh vẫn tiếp tục đề xuất, kiến nghị với tỉnh và Trung ương kéo dài dự án thêm giai đoạn III để góp phần giúp cho những địa phương, đặc biệt là 6 huyện nghèo của tỉnh có thể tăng cường nhận thức của nhân dân, đồng thời tăng mức đầu tư cho những hạng mục còn khó khăn ở các địa phương...


Theo đánh giá của Sở NN&PTNT, qua 5 năm triển khai dự án, hợp phần hỗ trợ sản xuất thuộc Chương trình 135 giai đoạn II, việc áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi đã có sự chuyển biến tương đối rõ nét. Sản xuất nông – lâm nghiệp đã có bước phát triển mạnh theo hướng sản xuất hàng hoá. Năng suất, chất lượng sản phẩm được nâng lên rõ rệt. Từ đó, thúc đẩy gia tăng giá trị gia tăng của ngành nông nghiệp đạt bình quân 5%/năm. Cơ cấu nông – lâm nghiệp giảm từ 41% năm 2005 xuống còn 29% năm 2010, trong khi đó giá trị gia tăng của ngành tăng từ 887,88 tỷ đồng lên 1.508 tỷ đồng. Sự phát triển đó đã góp phần quan trọng vào việc thay đổi diện mạo nông thôn, giảm tỷ lệ hộ đói nghèo của tỉnh bình quân hàng năm từ 5 – 6%. Thu nhập bình quân đầu người tăng từ 3,2 triệu đồng/người/năm từ năm 2005 lên 7 triệu đồng/người/năm trong năm nay.


Bên cạnh những kết quả đạt được, việc triển khai dự án vẫn còn một số hạn chế như các nội dung của dự án hỗ trợ phát triển sản xuất còn manh mún, dàn trải, chủ yếu mang tính chất hỗ trợ trực tiếp cho nhân dân như cây, con giống, vật tư sản xuất mà chưa tập trung vào xây dựng mô hình kinh tế lớn, góp phần làm thay đổi hẳn cơ cấu sản xuất của ngành. Việc giám sát, kiểm tra có lúc, có nơi còn lỏng lẻo nên có lúc hỗ trợ sai đối tượng. Đa số các địa phương thực hiện mô hình nhân rộng thâm canh lúa, ngô giống nhau về quy mô, chưa thực sự nắm bắt thực tế của địa phương mình, khi thực hiện xong thì ít có tổng kết, rút kinh nghiệm để nhân rộng...


GIAO THƯ

Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

Cây cải dầu, hướng đi mới trong sản xuất vụ Đông – xuân của huyện Đồng Văn
HGĐT- Đồng Văn là huyện vùng cao núi đá, điều kiện khí hậu khắc nghiệt, thiếu nước, khô hạn kéo dài nên đa phần ruộng, nương trong huyện bỏ không trong vụ Đông - xuân. Do đó, cuộc sống của đồng bào nơi đây đã khó khăn lại càng khó khăn hơn. Đây cũng là nỗi trăn trở của Đảng bộ, chính quyền các cấp, các ngành của huyện Đồng Văn trong nhiều năm qua, với việc mong mỏi tìm được
27/10/2010
Mô hình nuôi ong đạt hiệu quả kinh tế cao
HGĐT- Mấy năm gần đây, nhiều hộ gia đình tại thị trấn Việt Lâm (Vị Xuyên) đã chọn nghề nuôi o­ng lấy mật để xoá nghèo, làm giàu. Hiện nay, số gia đình có khoảng trên 20 đàn o­ng rất nhiều, thậm chí có gia đình nuôi tới hơn 50 - 70 đàn o­ng. Với điều kiện tự nhiên thuận lợi, mỗi năm đàn o­ng có thể cho khai thác từ 200 – 300 lít mật và nhân giống đàn thành 2 –
27/10/2010
Huyện Hoàng Su Phì sơ kết sản xuất nông - lâm nghiệp vụ mùa năm 2010
HGĐT- Ngày 25.10, UBND huyện Hoàng Su Phì tổ chức sơ kết sản xuất nông, lâm nghiệp vụ mùa năm 2010 và triển khai kế hoạch sản xuất vụ Đông - xuân năm 2010-2011.
27/10/2010
Bổ sung quy hoạch khu vực quặng Mangan
HGĐT- Phó Thủ tướng Chính phủ Hoàng Trung Hải vừa đồng ý bổ sung quy hoạch quặng Mangan Khuổi Lịch - Nà Bó - Nà Duộc (Bắc Mê) với diện tích 260 ha vào Quy hoạch phân vùng thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng quặng Cromit, Mangan giai đoạn 2006-2015, định hướng đến năm 2025.
27/10/2010