Quang Bình đẩy mạnh phát triển chăn nuôi gia súc theo hướng hàng hoá
HGĐT- Với mục tiêu phấn đấu đưa chăn nuôi trở thành ngành sản xuất chính trong nông nghiệp, những năm qua, huyện Quang Bình đã ban hành một số cơ chế, chính sách nhằm khuyến khích nông dân đẩy mạnh phát triển chăn nuôi gia súc theo hướng hàng hoá như: Hỗ trợ lãi suất cho các hộ nghèo vay vốn nuôi trâu, bò; hỗ trợ trồng cỏ làm thức ăn gia súc... Do vậy, chăn nuôi đã có bước tăng trưởng khá cả về số lượng và chất lượng và đã mở ra chiến lược phát triển lâu dài cho ngành chăn nuôi của huyện.
Tìm hiểu về việc phát triển chăn nuôi gia súc của người dân Quang Bình trong những năm gần đây, bà Hoàng Thị Chung, Trưởng phòng Nông nghiệp huyện cho biết: Cùng với sự đầu tư hỗ trợ của Nhà nước, sự quan tâm lãnh, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền các cấp từ huyện đến cơ sở trong chiến lược phát triển chăn nuôi của huyện nhằm đưa ngành chăn nuôi trở thành ngành sản xuất chính trong nông nghiệp; việc huyện Quang Bình ban hành một số cơ chế, chính sách như: hỗ trợ lãi suất cho các hộ nghèo vay vốn nuôi trâu, bò; hỗ trợ trồng cỏ làm thức ăn gia súc... đã và đang là động lực khuyến khích người nông dân đẩy mạnh phát triển chăn nuôi gia súc theo hướng hàng hoá. Đặc biệt, nhiều hộ nông dân đã biết tận dụng và khai thác có hiệu quả tiềm năng về đất đai của mình để phát triển chăn nuôi, nhiều diện tích đất trống, đồi trọc và những diện tích đất canh tác không hiệu quả trước đây đã được người dân chuyển sang trồng cỏ chăn nuôi gia súc, đây cũng chính là một trong những hướng đi mới và đem lại hiệu quả trong lĩnh vực sản xuất nông nghiệp của người nông dân trong huyện những năm gần đây. Tại Đại hội Đại biểu Đảng bộ huyện Quang Bình lần thứ I (nhiệm kỳ 2005 - 2010), đã xác định: Việc đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo hướng sản xuất hàng hoá làm trọng tâm và mục tiêu đưa chăn nuôi đại gia súc trong những năm tới trở thành ngành chính trong sản suất nông nghiệp của huyện với mô hình kinh tế trang trại hộ gia đình là việc làm cần thiết. Cùng đó là việc ban hành cơ chế, chính sách hỗ trợ vốn vay, tặng con giống cho các hộ nghèo và hỗ trợ lãi xuất để giúp các hộ phát triển trồng cỏ và chăn nuôi trâu, bò đã tạo việc làm và thu nhập cho hàng nghìn hộ gia đình nông dân trong huyện. Hiện nay trên địa bàn huyện ngày càng xuất hiện nhiều mô hình chăn nuôi trang trại hộ theo hướng sản xuất hàng hoá. Theo số liệu thống kê, tổng đàn gia súc của huyện hiện có 26.400 con, tăng 7.432 con so với năm 2005, bình quân mỗi hộ có trên 2 con trâu, bò vàtoàn huyện hiện có trên một trăm trang trại chăn nuôi, trong đó có 51 trang trại có số lượng từ 10 đến 75 con trâu, bò. Điển hình như các hộ nuôi trâu, bò rẽ như hộ ông: Giàng Seo Ngán có 75 con trâu, bò; Giàng Văn Minh có 60 con trâu, bò. Cả 2 hộ trên đều ở thôn Tràng Sát xã Yên Hà. Hộ ông Hoàng Thế Rự, thôn Xuân Hà, xã Yên Hà có trên 100 con trâu cho 80 hộ nuôi rẽ; Hộ ông Nguyễn Văn Công, thôn Nà Tho, xã Tân Bắc có 15 con trâu và 16 con bò... Các xã có phong trào phát triển chăn nuôi mạnh như: Tân Bắc, Xuân Giang, Yên Hà và Tiên Yên. Về diện tích cỏ trồng, hiện Quang Bình đã trồng được 639,5 ha, trong đó trồng mới trong năm 2010 là 70 ha. Có thể khẳng định: Phát triển chăn nuôi trâu, bò trên địa bàn huyện Quang Bình trong những năm qua đã cho thấy không chỉ cho thu nhập cao, mà còn tạo điều kiện giải quyết việc làm cho hàng nghìn hộ, nhiều hộ đã có mức thu nhập ổn định từ chăn nuôi. Ở các xã vùng sâu, vùng xa, việc nuôi trâu, bò theo hướng hàng hoá và phát triển chăn nuôi theo nhóm hộ gia đình ngày càng được chú trọng. Qua các lớp chuyển giao khoa học kỹ thuật, nhận thức trong chăn nuôi của người dân cũng dần được thay đổi, bà con đã biết làm chuồng trại tránh rét, phòng bệnh cho gia súc về mùa đông và tạo được nguồn thức ăn dự trữ... Về mục tiêu đẩy mạnh phát triển chăn nuôi gia súc theo hướng hàng hoá trong những năm tới, bà Hoàng Thị Chung cho biết: Huyện Quang Bình tiếp tục tuyên truyền vận động nhân dân phát triển chăn nuôi theo mô hình trang trại hộ, gắn với việc trồng cỏ và tập trung ở các xã vùng cao có điều kiện như: Bản Rịa, Yên Thành, Tân Nam, Xuân Minh, Tiên Nguyên...; đồng thời xây dựng một số mô hình chăn nuôi các loại giống mới, hiệu quả kinh tế cao như nuôi nhím, lợn rừng... phấn đấu đưa giá trị chăn nuôi chiếm từ 37% - 40% trong cơ cấu sản xuất NLN của huyện.
Có thể khẳng định: Việc trồng cỏ gắn với phát triển chăn nuôi gia súc ở Quang Bình những năm qua đã và đang mở ra triển vọng mới cho nhiều hộ nông dân trong huyện, chăn nuôi không những đã tạo cho các hộ có cuộc sống ổn định mà còn tạo ra sản phẩm hàng hoá bán ra thị trường. Trong đó, việc trồng cỏ gắn với chăn nuôi gia súc ở Quang Bình đang là hướng đi được nhiều hộ nông dân trong huyện áp dụng và mang lại hiệu quả kinh tế cao và chăn nuôi đã góp phần đáng kể vào công cuộc XĐGN ở địa phương.
Ý kiến bạn đọc