Trồng xen canh hoa màu trên đất trồng cao su, giải pháp tích cực để động viên người dân góp đất
HGĐT- Nhằm phát huy hiệu quả sử dụng đất, nâng cao đời sống và tăng thu nhập cho công nhân, người dân tham gia góp đất và nhân dân trong vùng trồng cây cao su, đồng thời tích cực cải tạo đất, chống sói mòn và bảo vệ cây cao su..., ngày 12.3.2010, Tỉnh uỷ đã có Thông báo kết luận của đồng chí Bí thư Tỉnh uỷ về chỉ đạo việc trồng xen canh các loại cây hoa màu vào diện tích đất đã trồng cây cao su năm 2009 và những năm tiếp theo.
Theo đó, việc trồng xen canh sẽ được tiến hành trong thời gian 3 năm từ khi trồng cao su. Tỉnh chỉ đạo Sở NN&PTNT, các huyện và Công ty CP CS Hà Giang phối hợp và trực tiếp chỉ đạo và hướng dẫn trồng xen canh. Các hộ dân tham gia trồng xen canh nếu khó khăn sẽ được tạo điều kiện vay vốn ưu đãi từ phía Công ty CP Cao su và Ngân hàng Chính sách xã hội với mức vay đầu tư không quá 3ha.
Về đối tượng được giao đất trồng xen canh, Thông báo Kết luận chỉ đạo, “Cần ưu tiên giao khoán cho công nhân của Công ty Cao su và các hộ gia đình trực tiếp tham gia góp đất trồng cao su; ngoài ra cần xem xét cụ thể đối với các hộ nằm trong vùng trồng cây cao su hiện đang thiếu đất sản xuất và còn nhiều khó khăn, nhưng phải có hình thức quản lý phù hợp”.
Có thể nói, việc vận động người dân tham gia góp đất trồng cây cao su trong thời gian qua còn gặp nhiều khó khăn, làm cho tiến độ của chương trình trồng cao su của tỉnh đến nay còn chậm. Thực tế cho thấy, một bộ phận không nhỏ người dân vẫn còn tâm lý e ngại tham gia chương trình trồng loại cây mới. Bên cạnh đó, người dân lâu nay vẫn thường quen lối sản xuất nhỏ, chưa muốn phá rỡ những tập quán sản xuất, sinh hoạt truyền thống... Vì thế, việc vận động họ góp những diện tích đất có rừng trồng, đất rừng tạp...để trồng cây cao su sẽ ảnh hưởng đến tập quán sinh hoạt gắn bó nhiều với tự nhiên của đồng bào. Trên những diện tích đất rừng, đồng bào có thể chăn thả, lấy rau, măng rừng, trồng xen kẽ một vài vạt lúa, nương sắn... Trên cơ sở đó, giải pháp trồng xen canh trên đất trồng cao su trong 3 năm đầu sẽ là một hướng đi hiệu quả, người dân sẽ được khuyến khích trồng hoa màu trên đất mà mình góp trồng cao su theo hướng dẫn kỹ thuật của Công ty Cao su. Đồng thời, người dân cũng sẽ được tạo điều kiện để trở thành những người lao động thời vụ cho Công ty Cao su trong việc bảo vệ, phát dọn cỏ, chăm sóc cây cao su. Đây là điều đã được lãnh đạo Công ty CP Cao su Hà Giang khẳng định trong nhiều cuộc họp với cấp uỷ, chính quyền và người dân.
Việc tạo cơ chế hỗ trợ cho người dân phát triển kinh tế như trồng xen canh trên đất trồng cao su, tạo thêm công ăn việc làm cho đồng bào trong những lúc thời vụ sẽ gắn trách nhiệm bảo vệ vườn cây với nhân dân. Từ đó, sẽ động viên người dân hưởng ứng tích cực cho chương trình trồng cây cao su. Theo báo cáo của Ban Quản lý chương trình cao su tỉnh, thực hiện sự chỉ đạo của Tỉnh uỷ, đến nay các huyện đã triển khai cho các hộ dân góp đất và các hộ liền kề đăng ký trồng xen canh với diện tích là 208ha. Ghi nhận của chúng tôi tại một số địa bàn, mặc dù trong thời gian qua Công ty CP Cao su Hà Giang và các địa phương phải nỗ lực cho công tác vận động nhân dân, rà soát, đất đai và tiến hành khai hoang, trồng mới... Nhưng, đến nay một số nơi đã bước đầu triển khai việc trồng xen canh trên đất trồng cao su. Chị Phạm Thị Thu Hà, Phó Trưởng phòng Nông nghiệp huyện Quang Bình cho biết, đến nay huyện đang tích cực triển khai phương án trồng xen canh hoa màu trên đất cao su, hỗ trợ người dân giống vừng và phối hợp với Công ty Cao su hướng dẫn kỹ thuật trồng xen canh các loại cây. Qua đó, từ năm 2009 đến nay, các xã như Vĩ Thượng, Tiên Yên đã triển khai trồng xen canh trên nhiều ha và cho kết quả khá tốt, từ đó có thể nhân rộng mô hình này trong nhân dân. Tại xã Trung Thành (Vị Xuyên), công nhân Công ty Cao su cũng đang xây dựng mô hình trồng đậu tương xen canh tại thôn Cốc Héc với diện tích 1,5ha đang phát triển rất tốt. Theo lãnh đạo xã Trung Thành cho biết, với sự vận động của địa phương và Công ty Cao su, đến nay nhiều hộ dân cũng đã biết trồng xen canh trên đất trồng cao su, hướng trong thời gian tới, để phát huy được tiềm năng của đất địa phương sẽ vận động người dân trồng xen canh thêm các loại cây trồng như cỏ chăn nuôi, dứa...
Tuy nhiên, từ kết quả triển khai thực hiện ý kiến chỉ đạo của Tỉnh uỷ về việc trồng xen canh trong thời gian qua cho thấy, nhận thức và công tác tuyên truyền, vận động của một số cấp uỷ, chính quyền địa phương về việc triển khai trồng xen canh hoa màu trên đất trồng cao su chưa cao. Do đó, nhiều nơi người dân vẫn chưa nhận thấy ý nghĩa của chương trình này, một bộ phận người dân trông chờ, ỷ lại vào sự đầu tư, hỗ trợ của Nhà nước nên khi Công ty CP Cao su Hà Giang tạo điều kiện cho vay vốn sản xuất không lãi vẫn không vay. Việc trồng xen canh hoa màu là một hướng đi tích cực, không chỉ giúp người dân phát triển kinh tế mà còn động viên, khuyến khích người dân góp đất, góp phần thúc đẩy tiến độ chương trình trồng cao su. Do đó, rất cần sự quan tâm, thúc đẩy của các ngành chức năng, các địa phương cho chương trình trồng xen canh.
Ý kiến bạn đọc