Mô hình trồng cây luân canh ở Lũng Thầu

07:51, 17/08/2010

HGĐT- Xã Lũng Thầu (Đồng Văn) có trên 360 hộ với 1.760 hộ đang sinh sống ở 6 thôn. Cuộc sống của người dân nơi đây còn gặp nhiều khó khăn do xã thiếu đất sản xuất, điều kiện khí hậu lại khắc nghiệt, bà con chưa có nhiều kinh nghiệm trong phát triển sản xuất, chăn nuôi nên năng suất, sản lượng cây trồng đạt thấp.


 
 Anh Lê Năng Tài, cán bộ cộng đồng Dự án DPPR Lũng Thầu kiểm tra cây đậu tương Hè - thu.

Nhằm nâng cao năng lực sản xuất cũng như đầu tư giống, vốn cho bà con phát triển kinh tế, xoá đói giảm nghèo, trong những năm qua, BQL Dự án Phân cấp Giảm nghèo xã triển khai nhiều hoạt động hỗ trợ giống cây, giống con, vốn vay cho người dân. Đồng thời tổ chức nhiều hoạt động nhằm nâng cao năng lực, kỹ thuật sản xuất mới cho người dân thông qua các lớp tập huấn, xây dựng mô hình trình diễn sản xuất, chăn nuôi. Mô hình trồng cây luân canh được thực hiện trong năm 2010 là một trong những hoạt động có ý nghĩa đó.


Anh Lê Năng Tài, cán bộ cộng đồng Dự án DPPR xã cho biết: “Người dân trong xã sống dựa chủ yếu vào sản xuất nông, lâm nghiệp và chăn nuôi. Do điều kiện địa hình chủ yếu là đồi núi đá nên trong phát triển sản xuất chủ yếu trồng cây ngô, đậu tương và một số cây rau, đậu khác. Từ trước đến nay, bà con chỉ trồng 1 vụ ngô xen canh với cây rau hoặc 1 vụ đậu tương rồi gối vụ với cây rau xanh. Do trồng xen canh, gối vụ nên việc áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất hạn chế, không có sự đầu tư thâm canh một cách bài bản. Từ đó ảnh hưởng đến năng suất, sản lượng cây trồng. Trước thực trạng trên, đầu năm 2010, BQL Dự án xã đầu tư thực hiện mô hình trồng cây luân canh”. Mô hình được thực hiện trên diện tích 0,5 ha với sự tham gia của 5 hộ dân ở thôn Tủng A. Mô hình triển khai trồng cây luân canh với cơ cấu cây trồng, mùa vụ được xác định cụ thể đó là 1 năm làm 3 vụ: Vụ Đông - xuân trồng ngô; vụ Hè - thu trồng đậu tương và cuối Thu, đầu Đông trồng rau xanh. Dự án đầu tư hỗ trợ 100% giống, phân bón, người dân chỉ bỏ công lao động và đất sản xuất. Giống cây trồng thực hiện trong mô hình cũng được chọn lựa là giống mới, năng suất cao, cụ thể giống ngô lai CP999; giống đậu tương DT84. Mô hình đã hoàn thành, thu hoạch vụ ngô Đông - xuân với kết quả rất khả quan. Nhờ có sự đầu tư giống mới, phân bón công với việc chuyên canh trồng một loại cây/vụ nên việc đầu tư phân bón, chăm sóc kỹ hơn, năng suất ngô trong mô hình cao hơn khoảng 2 tạ/ha so với cây ngô được trồng đại trà trong thôn Tủng A. Hiện tại mô hình đang bước vào trồng đầu tương vụ Hè - thu, cây đậu tương đang sinh trưởng, phát triển tốt, hứa hẹn cho năng suất, sản lượng cao, thu hoạch đúng lịch thời vụ để tiếp tục triển khai trồng cây rau vụ đông. Trong quá trình thực hiện mô hình, cán bộ Dự án, Khuyến nông xã, thôn luôn thực hiện việc kiểm tra, theo dõi, chỉ đạo kỹ thuật cho bà con. Đi đôi với việc đầu tư giống, vốn, kỹ thuật cho những hộ trực tiếp thực hiện mô hình, Dự án cũng tổ chức các lớp tập huấn kỹ thuật trồng cây luân canh trên đồng ruộng cho bà con trong thôn. Điều đáng nói là lớp tập huấn được tổ chức theo cả chu kỳ sản xuất của mô hình trong năm. Bà con được tham gia tập huấn kỹ thuật từ giai đoạn làm đất, gieo trồng, chăm sóc cho đến khi thu hoạch đối với cả 3 loại cây. Được tận mắt chứng kiến quy trình kỹ thuật sản xuất theo quá trình sinh trưởng của cây trồng nên bà con trong thôn dễ hiểu, dễ học và dễ làm theo...


Anh Lê Năng Tài cho biết thêm: “Trong điều kiện thời tiết khô hạn hồi đầu năm nhưng mô hình sản xuất cây ngô vụ Đông – xuân vẫn thành công. Thời điểm hiện tại, điều kiện thời tiết diễn biến rất thuận lợi nên chúng tôi tin chắc sẽ tiếp tục thành công đối với cây đậu tương Hè - thu và cây rau thu đông. Có thể khẳng định, mô hình trồng cây luân canh đã đạt được một số ý nghĩa cụ thể: Giúp cho năng suất cây trồng cao hơn, tăng giá trị kinh tế trên một đơn vị diện tích, cải tạo được đất thông qua trồng cây đậu tương. Đặc biệt, mô hình sẽ mở ra hướng đi mới trong sản xuất nông nghiệp ở xã từ việc thay đổi tư duy, tập quán canh tác sản xuất 1 vụ, trồng cây xen canh trước kia sang trồng cây luân canh, tăng vụ”.


KHÁNH TOÀN

Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

Khu KTCK Thanh Thủy sẽ trở thành cửa ngõ giao thương quốc tế
HGĐT- Xây dựng khu Kinh tế cửa khẩu (KTCK) Thanh Thủy thành cửa ngõ giao thương quốc tế, đầu mối giao thông, XNK hàng hóa và dịch vụ quan trọng trên trục liên kết Quốc lộ 2, nhằm thúc đẩy phát triển thương mại, dịch vụ giữa miền Bắc Việt Nam với tỉnh Vân Nam (Trung Quốc) và các nước trong khu vực là quyết tâm lớn, vừa được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định
30/07/2010
Thị trấn Vĩnh Tuy (Bắc Quang): Nhiều mô hình kinh tế gia đình cho hiệu quả cao
HGĐT- Trong nhiều năm qua, thị trấn Vĩnh Tuy (Bắc Quang) đã có nhiều cơ chế, chính sách nhằm tạo điều kiện khuyến khích nhân dân phát triển kinh tế, đặc biệt là phát triển kinh tế hộ theo hướng sản xuất hàng hóa. Nhiều mô hình kinh tế trang trại tiếp tục phát triển và nhân rộng cho thu nhập cao, nhiều hộ dân trong thị trấn đã vươn lên làm giàu trên chính mảnh đất quê hương
30/07/2010
Giải pháp phát triển kinh tế hợp tác xã tiểu thủ công nghiệp trên địa bàn tỉnh
HGĐT- Để phát triển kinh tế tập thể trong lĩnh vực công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, thúc đẩy phân công lao động xã hội, chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng CNH - HĐH, phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, những năm qua, ngành Công nghiệp tỉnh đã quán triệt nhận thức về đổi mới và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể, xây dựng mô hình phát triển kinh tế
30/07/2010
Chương trình phát triển cây cao su, cần nhiều nỗ lực để đảm bảo tiến độ
HGĐT- Với Chương trình phát triển 1 vạn ha cây cao su đến năm 2015, qua gần 2 năm triển khai, đã đạt được những kết quả nhất định. Gần 300ha cao su trồng năm 2009 đã bước sang năm thứ 2, phát triển rất tốt, đồng thời đã quy hoạch được nhiều vùng trồng cao su có tiềm năng rất lớn.
30/07/2010
Kỹ thuật chăm cây nguyệt quế giống