HTX Thành Công đi lên từ sản phẩm ván bóc xuất khẩu

16:16, 25/08/2010

HGĐT- Tháng 6.2002, HTX Thành Công (Vị Xuyên) được thành lập với ngành nghề kinh doanh chính đó là chế biến lâm sản. Sau 8 năm đi vào hoạt động, vượt qua những khó khăn ban đầu, HTX đã có sự lớn mạnh cả về quy mô sản xuất cũng như doanh thu hàng năm, từ đó có sự đóng góp đáng kể vào sự phát triển chung của nền kinh tế huyện nhà. Dấu ấn của sự thành công đó chỉ bắt đầu khi HTX mạnh dạn đầu tư dây truyền sản xuất ván bóc xuất khẩu.


 
 Anh Vũ Hồng Phú, Chủ nhiệm HTX Thành Công với sản phẩm ván bóc xuất khẩu.

Ban đầu thành lập, HTX có 6 xã viên với số vốn góp trên 150 triệu đồng. Ngày đó, hoạt động sản xuất, kinh doanh của đơn vị chỉ dừng lại ở việc chế biến lâm sản phục vụ nhu cầu sinh hoạt cho người dân và vật liệu cho các công trình xây dựng tại địa phương. Sự đơn điệu trong lĩnh vực sản xuất không đem lại cho HTX sự đột phá trong kinh doanh cũng như trong doanh thu hàng năm. Hàng năm, doanh thu của đơn vị cũng chỉ được khoảng trên dưới 100 triệu đồng, lương bình quân xã viên thấp, việc tạo công ăn, việc làm cho người lao động địa phương hạn chế. Anh Vũ Hồng Phú, Chủ nhiệm HTX cho biết: “Năm 2006, qua tìm hiểu thông tin chúng tôi thấy bên Trung Quốc rất cần gỗ ván bóc để làm gỗ ép công nghiệp. Việc sản xuất gỗ ván bóc đơn giản và cũng không đòi hỏi nguồn nguyên liệu tốt, chỉ cần cây gỗ tạp có đường kính từ 10 phân trở lên là có thể tận dụng sản xuất được. Do đó, HTX đã quyết định liên hệ với một đối tác bên Trung Quốc để đầu tư dây truyền sản xuất. Do nguồn vốn cố định của đơn vị không có nên HTX đã phải vận động xã viên đóng góp thêm để đủ trên 300 triệu đồng mua dây truyền sản xuất ván bóc từ Trung Quốc”. Sau khi đầu tư dây chuyền, HTX lại phải đầu tư mở rộng nhà xưởng, xây dựng thêm kho chứa nên nguồn vốn của HTX và các xã viên cũng cạn dần. Không có vốn đầu tư để mua nguyên liệu sản xuất, HTX đã vay 100 triệu đồng vốn từ Ngân hàng CSXH và 50 triệu từ Ngân hàng Nông nghiệp - Phát triển nông thôn. Có vốn đầu tư, hoạt động sản xuất ván bóc của đơn vị được bắt đầu. Để đảm bảo hoạt động hết công suất, HTX đã thuê 25 lao động thường xuyên, vừa thực hiện nhiệm vụ thu mua sản phẩm gỗ rừng trồng trên địa bàn các xã trong huyện, vừa vận hành dây chuyền sản xuất. Anh Vũ Hồng Phú cho biết thêm: “Việc sản xuất gỗ ván bóc xuất khẩu có rất nhiều lợi thế cho cả HTX cũng như cho người dân. Trong quá trình sản xuất, nguyên liệu gỗ tròn chỉ bỏ vỏ, còn lại thân cây được sản xuất ván bóc hết với các loại khác nhau. Do yêu cầu chất lượng gỗ không cao nên có thể thu mua tất cả các loại gỗ cho bà con, từ keo, mỡ, bồ đề... Ngoài ra do yêu cầu về kich cỡ cứ từ 10 phân trở lên là thu mua nên bà con cũng có thể bán sản phẩm cho HTX khi cắt tỉa rừng trồng”. Với phương châm hoạt động uy tín, chất lượng, HTX luôn đảm bảo giao hàng đúng thời gian, số lượng, đảm bảo phân loại chất lượng ván theo từng loại nên đã tạo được niềm tin đối với khách hàng phía Trung Quốc. Do đó sản phẩm ván bóc làm ra đến đâu được tiêu thụ hết đến đó. Cũng nhờ vậy nên dây chuyền sản xuất ván bóc của HTX luôn hoạt động hết công suất, trung bình mỗi ngày tiêu thụ khoảng 15 m3 gỗ tròn, cho ra sản phẩm gần 9 m3 ván bóc. Từ sản xuất ván bóc đã đem lại những thành công lớn cho HTX cũng như tạo được công ăn việc làm thường xuyên với thu nhập ổn định cho người lao động. Tính từ năm 2006 đến năm 2009, tổng doanh thu của HTX lên đến trên 10 tỷ đồng, riêng năm 2009 đạt trên 3,2 tỷ đồng. Qua 5 năm sản xuất ván bóc và chế biến lâm sản, vốn điều lệ của HTX tăng lên gần 1,5 tỷ đồng; vốn cố định trên 5 tỷ đồng; vốn lưu động 3 tỷ đồng; hàng năm HTX đóng góp vào Ngân sách Nhà nước khoảng 50 triệu đồng; lương bình quân của người lao động đạt từ 2 đến 2,5 triệu đồng/tháng. Ngoài việc tìm kiếm lĩnh vực sản xuất ván bóc cho HTX của mình, anh Vũ Hồng Phú còn giới thiệu về lĩnh vực sản xuất ván bóc, khách hàng cho nhiều cá nhân tại huyện Bắc Quang. Qua đó tỉnh ta đã có thêm nhiều cơ sở sản xuất ván bóc làm ăn hiệu quả, tạo việc làm cho nhiều lao động.


Có thể khẳng định, việc sản xuất ván bóc xuất khẩu không những giúp HTX Thành Công phát triển lớn mạnh mà còn có ý nghĩa quan trọng trong việc đảm bảo chỗ dựa vững chắc cho người dân trên địa bàn phát triển rừng kinh tế.


KHÁNH TOÀN

Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

Cần đẩy nhanh việc giải ngân nguồn vốn chương trình Chia sẻ
HGĐT- Chương trình Chia sẻ giai đoạn II thực hiện trong vòng 20 tháng từ tháng 11.2009-6.2011, tại 197 thôn, 25 xã của huyện Hoàng Su Phì. Tổng nguồn vốn thực hiện Chương trình 80 tỷ đồng, trong đó vốn của Thụy Điển 65 tỷ đồng, vốn đối ứng Chính phủ Việt Nam 15 tỷ đồng.
23/08/2010
Ngân hàng No&PTNT tỉnh: qua 7 tháng hoạt động
HGĐT- Với nhiệm vụ là kinh doanh, huy động vốn và đầu tư nguồn vốn cho phát triển KT- XH, trong những tháng đầu năm, Ngân hàng No & PTNT tỉnh đã chủ động bám sát chủ trương, mục tiêu phát triển kinh tế của tỉnh, thực hiện tốt nhiệm vụ được giao.
20/08/2010
Cần giải pháp hiệu quả hơn cho phát triển cây cải dầu
HGĐT- Vụ Đông - xuân năm 2009-2010 là năm thứ 2 tỉnh ta tiến hành trồng thử nghiệm trồng cây cải dầu trên địa bàn 4 huyện vùng cao núi đá phía bắc.
20/08/2010
Thực hiện tốt công tác chăm lo đời sống, bảo vệ quyền lợi hợp pháp cho người lao động
HGĐT- Được sự quan tâm, chỉ đạo sát sao của Công đoàn Ngân hàng No&PTNT Việt Nam và sự chỉ đạo trực tiếp của Đảng bộ Ngân hàng No&PTNT tỉnh; những năm qua, Công đoàn Ngân hàng No&PTNT Hà Giang đã không ngừng đổi mới và nâng cao chất lượng hoạt động, xây dựng CĐCS vững mạnh, động viên toàn thể cán bộ CNVC-LĐ thi đua lao động giỏi, lao động sáng tạo, cùng với
20/08/2010