Dự án đầu tư, bảo vệ và phát triển rừng 4 huyện vùng cao núi đá qua 8 tháng thực hiện
HGĐT- 8 tháng đầu năm 2010, Dự án đầu tư, bảo vệ và phát triển rừng 4 huyện vùng cao núi đá ở tỉnh ta tiếp tục được chính quyền và nhân dân triển khai rộng khắp mặc dù còn gặp phải nhữngkhó khăn nhất định. Cùng với rất nhiều cố gắng của Ban quản lý dự án các huyện, sự nhận thức đầy đủ của nhân dân, dự án đã có những kết quả khá khả quan.
Gạo của Chính phủ hỗ trợ các hộ nhận khoán khoanh nuôi, bảo vệ và trồng rừng sản xuất tại xã Tả Phìn (Đồng Văn). |
Theo tổng hợp của Ban quản lý Dự án 661 của tỉnh, đến thời điểm này, các nội dung của Dự án đầu tư, bảo vệ và phát triển rừng 4 huyện vùng cao như: Công tác bảo vệ rừng thực hiện được 67.695,3 ha, đạt 99,9% kế hoạch giao; khoanh nuôi phục hồi rừng thực hiện 28.379,6 ha, đạt 99,9% kế hoạch; chăm sóc rừng trồng được 2.690,9 ha, đạt 87,2% kế hoạch; trồng rừngđược 3.197,8 ha, trong đó rừng phòng hộ 1.308 ha, rừng sản xuất 1.889,9 ha, đạt 70,3% kế hoạch; thực hiện cấp phát lương thực cho các hộ nhận khoán trồng rừng sản xuất, khoanh nuôi, bảo vệ rừng đã tiếp nhận, cấp phát xong 1.100 tấn gạo cho các đối tượng tham gia. 556,6 tấn gạo còn lại sẽ được tiếp nhận tại kho dự trữ Quốc gia và cấp phát cho nhân dân trong tháng 11 tới; công tác tập huấn khuyến lâm, tập huấn quản lý, bảo vệ rừng đã tổ chức được 51 lớp cho 2.451 người, trong đó Ban quản lý 661 tỉnh tổ chức được 4 lớp với 200 người tham gia, Ban quản lý dự án các huyện tổ chức 47 lớp với 2.251 người tham gia (đối tượng tham gia là cán bộ lâm nghiệp xã, trưởng thôn, cán bộ khuyến nông thôn và các hộ nhận khoán, khoanh nuôi, bảo vệ rừng). Các lớp tập huấn tập trung vào tuyên truyền công tác quản lý, bảo vệ rừng, phòng cháy, chữa cháy rừng; kỹ thuật trồng, chăm sóc 1 số loài cây rừng trồng; các cơ chế, chính sách của tỉnh hỗ trợ nhân dân thông qua công tác bảo vệ và phát triển rừng.
Để đạt được những kết quả đáng khích lệ trên là do dự án đã có những điều kiện thuận lợi, đặc biệt là sự quan tâm chỉ đạo sát sao của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh, sự giúp đỡ của các cấp, các ngành đưa ra những chính sách phù hợp, tạo điều kiện thúc đẩy cho công tác trồng và bảo vệ rừng như điều chỉnh mức hỗ trợ cho trồng rừng được tăng lên, góp phần cải thiện đời sống kinh tế của người dân tham gia dự án. Bên cạnh nguồn kinh phí hỗ trợ hàng năm, các hộ nhận khoán khoanh nuôi, bảo vệ và trồng rừng sản xuất còn được hỗ trợ lương thực của Chính phủ. Nguồn vốn Nghị quyết 30a được bố trí lồng ghép với nguồn vốn Dự án 661 đã góp phần nâng cao hiệu quả của dự án... Bên cạnh những thuận lợi trên, Dự án đầu tư, bảo vệ và phát triển rừng 4 huyện vùng cao núi đá còn gặp phải khá nhiều khó khăn, đặc biệt là diễn biến phức tạp của thời tiết đã gây ảnh hưởng lớn đến việc triển khai thực hiện. Từ tháng 8.2009 đến 5.2010, trên địa bàn triển khai dự án không có mưa đã làm một số diện tích rừng trồng, rừng tự nhiên bị cháy, chết do nắng hạn. Các tháng trọng điểm trong mùa trồng rừng thì mưa lớn kéo dài làm sạt, lở các tuyến đường giao thông gây khó khăn trong việc xử lý thực bì và vận chuyển cây giống. Dự án đã được phê duyệt nhưng chưa được đầu tư đúng, đủ theo tiến độ, một số nội dung của dự án không thực hiện được do không được cấp kinh phí. Công tác giao rừng chưa được thực hiện xong nên quá trình triển khai dự án trồng rừng sản xuất và cấp phát lương thực cho nhân dân thực hiện dự án gặp khó khăn, việc cấp phát lương thực chủ yếu thực hiện cấp theo nhóm hộ, cộng đồng bảo vệ rừng. Trình độ quản lý của một số Ban quản lý dự án cơ sở chưa đáp ứng được yêu cầu như thiếu về cán bộ, yếu về trình độ; một số cán bộ hợp đồng không được đóng bảo hiểm nên tạo tâm lý chưa yên tâm công tác. Nguồn vốn 30a hỗ trợ lồng ghép còn chậm, chưa đáp ứng được nhu cầu năm 2010 của dự án...
Mặc dù còn gặp phải những khó khăn như trên, nhưng trong công tác bảo vệ rừng đã được người dân nâng cao ý thức. Chính sách hỗ trợ kinh phí, hỗ trợ lương thực cho chủ hộ nhận khoán đã gắn trách nhiệm của chủ hộ với công tác bảo vệ rừng. Mặc dù thời tiết khắc nghiệt nhưng việc trồng và chăm sóc rừng trồng đã được các Ban quản lý dự án tích cực tuyên truyền, vận động nhân dân áp dụng các biện pháp phòng, chống cháy rừng, các biện pháp chăm sóc rừng trồng trong mùa khô hanh đã làm giảm tối đa diện tích bị thiệt hại. Việc hỗ trợ lương thực cho người nhận khoán là chính sách được người dân đồng tình rất cao, nhờ đó đã phát huy tác dụng trong việc khuyến khích người dân tham gia khoanh nuôi, bảo vệ, trồng rừng sản xuất. Các diện tích rừng trồng, rừng bảo vệ được tốt hơn, đồng thời giúp người dân có lương thực trong những tháng giáp hạt. Việc cấp phát lương thực thực hiện đúng mục tiêu của chương trình, qua 2 năm thực hiện đến nay việc cấp phát lương thực không để xảy ra sai sót, khiếu nại của người dân.
Ông Đinh Xuân Lượng, Trưởng ban Quản lý Dự án 661 của tỉnh cho biết: Để thực hiện tốt Dự án đầu tư, bảo vệ và phát triển rừng 4 huyện vùng cao núi đá trong những tháng cuối năm, chúng tôi tiếp tục đôn đốc các Ban quản lý dự án cơ sở tranh thủ thời tiết thuận lợi hoàn thành ngay công tác trồng và chăm sóc rừng đúng thời gian quy định theo kế hoạch; thực hiện tốt công tác khoanh nuôi, bảo vệ rừng; ngăn chặn, hạn chế tối đa việc phá rừng, cháy rừng; hướng dẫn các Ban quản lý dự án cơ sở xây dựng các rừng giống chuyển hóa, lâm phần tuyển chọn nhằm cung cấp hạt giống phục vụ gieo ươm cây con trồng rừng các năm tiếp theo; thường xuyên kiểm tra công tác cấp phát lương thực cho các hộ nghèo tham gia bảo vệ, phát triển rừng được hỗ trợ gạo theo Nghị quyết 30a của Chính phủ đảm bảo đủ số lượng, đúng đối tượng.
Ý kiến bạn đọc