Cần giải pháp hiệu quả hơn cho phát triển cây cải dầu

17:15, 20/08/2010

HGĐT- Vụ Đông - xuân năm 2009-2010 là năm thứ 2 tỉnh ta tiến hành trồng thử nghiệm trồng cây cải dầu trên địa bàn 4 huyện vùng cao núi đá phía bắc.


Mặc dù gặpphải những khó khăn, bất lợi về cả điều kiện khách quan, chủ quan dẫn đến diện tích, năng suất cho thu hoạch của cây cải dầu đạt thấp, nhưng cây cải dầu vẫn khẳng định có thể là cây trồng chính trong vụ đông xuân đối với 4 huyện vùng cao núi đá, với mục tiêu tận dụng đất đai, tăng thu nhập, tạo công ăn việc làm cho người dân lúc nông nhàn. Tuy nhiên để cây cải dầu thực sự phát huy hiệu quả kinh tế cao thì tỉnh cũng như các ngành, cấp cần có sự vào cuộc đồng bộ, rút ra bài học kinh nghiệm, có giải pháp hiệu quả hơn khi phát triển, mở rộng diện tích cây cải dầu.


Ngay sau khi có chủ trương, kế hoạch trồng cây cải dầu của tỉnh, các ngành, cấp đã thành lập Ban Chỉ đạo thực hiện chương trình trồng cây cải dầu, đồng thời phân công nhiệm cụ cụ thể tới từng cá nhân phụ trách địa bàn để triển khai thực hiện. UBND các huyện, xã có diện tích trồng cải dầu đã tổ chức cung ứng vật tư, phân bón; tập huấn kỹ thuật gieo trồng, chăm sóc; tích cực xuống các thôn bản, hộ gia đình tuyên truyền về cơ chế, chính sách, hiệu quả kinh tế của việc đưa cây cải dầu vào gieo trồng. Giống cải dầu được trồng thử nghiệm chủ yếu là giống cải thuần, cải miên 15, 16, Hyola 61; tổng lượng giống cung ứng là 1.050kg. Trong vụ Đông xuân năm 2008- 2009, các huyện Đồng Văn, Mèo Vạc, Yên Minh, Quản Bạ đã chỉ đạo việc gieo trồng được tổng số 223 ha; tổng diện tích cho thu hoạch là 64 ha; năng suất đạt bình quân là 500kg/ha; sản lượng ước đạt 64,44 tấn, trong đó giống Cải Miên 15, 16 là 20,54 tấn, giống Hyola 61 là 29,9 tấn, còn lại là các giống khác. Năm 2008- 2009, UBND tỉnh chỉ đạo Sở Nông nghiệp & PTNT hợp đồng với Viện Công nghệ thực phẩm thu mua, chế biến toàn bộ số hạt cải để tiêu thụ cho nhân dân với giá 10.000 đồng/kg; đồng thời tiến hành phân tích các chỉ số của các giống cải làm cơ sở cho việc bảo quản, chế biến thành dầu thực phẩm. Năm 2009- 2010, Công ty TNHH Đông Thành, có trụ sở tại tỉnh Nghệ An đã có phương án bao tiêu toàn bộ sản phẩm cải dầu cho nhân dân với giá 7.500 đồng/kg; tỉnh có chính sách hỗ trợ bao tiêu sản phẩm cho người dân với giá 2.500 đồng/kg, hiện tại đang tiến hành thu mua số cải dầu tồn trong dân... Tuy nhiên, trong quá trình triển khai thực hiện trồng thử nghiệm cây cải dầu tại 4 huyện Quản Bạ, Yên Minh, Đồng Văn và Mèo Vạc đã gặp không ít những khó khăn, gây ảnh hưởng lớn đến sản lượng, năng suất, chất lượng cải dầu. Trong tổng số diện tích 223 ha cây cải dầu thì chỉ có 64 ha là cho thu hoạch; năng suất bình quân là 500kg/ha, thấp hơn nhiều so với kế hoạch giao do những khó khăn từ điều kiện khách quan, chủ quan: Trong 2 năm trồng thử nghiệm cây cải dầu đều gặp thời tiết bất lợi, trong vụ Đông xuân năm 2008- 2009 mưa lớn kéo dài, đặc biệt từ cuối tháng 10 đến trung tuần tháng 11 nên đã ảnh hưởng đến tiến độ làm đất, thời vụ gieo trồng; vụ Đông xuân năm 2009- 2010, từ khi gieo trồng đến khi thu hoạch hầu như không có mưa, không có nước tưới, độ ẩm không khí quá thấp, đất khô cằn dẫn đến nhiều diện tích cải dầu phát triển chậm hoặc bị chết, không cho thu hoạch; hơn nữa do phụ thuộc vào nguồn giống nhập khẩu nên công tác cung ứng giống chậm, gieo trồng muộn so với thời vụ hơn 1 tháng và cây cải dầu là giống cây mới nên người dân chưa có kinh nghiệm trong gieo trồng, chăm sóc và phòng trừ sâu, bệnh hại. Nguyên nhân chủ quan, một số địa phương chưa thực sự quyết liệt trong tổ chức kiểm tra, giám sát đôn đốc nhân dân thực hiện đúng theo quy trình, kỹ thuật gieo trồng, chăm sóc; còn lúng túng, chưa lựa chọn được thời gian, địa điểm tối ưu trồng cải dầu; công tác dự báo, biện pháp phòng, trừ sâu bệnh hại chưa kịp thời, triệt để.


Theo kế hoạch của tỉnh, trong vụ Đông xuân năm 2010- 2011 sẽ tiếp tục tiến hành gieo trồng 1.000 ha, trong đó phân bổ cho huyện Đồng Văn 300 ha, Mèo Vạc 300 ha, Yên Minh 200 ha, Quản Bạ 200 ha; đảm bảo năng suất bình quân đạt 1,5 tấn/ha; sản lượng đạt 1.500 tấn; tạo vùng sản xuất hàng hóa gắn với thu mua, chế biến sản phẩm, tạo sự liên kết giữa 4 nhà “Nhà nông, nhà nước, nhà khoa học, nhà doanh nghiệp” một cách bền vững, hiệu quả. Để đạt được những mục tiêu trên, tại Hội nghị Sơ kết 2 năm thực hiện chương trình trồng cây cải dầu tỉnh ta đã nghiêm túc rút ra những bài học kinh nghiệm, có những giải pháp cụ thể khắc phục những hạn chế, thống nhất giữa các cấp, ngành để thực hiện đồng bộ, đảm bảo những mục tiêu trên được thực hiện có hiệu quả: Trước mắt kiện toàn lại Ban Chỉ đạo các cấp, phân công nhiệm vụ cụ thể tới từng thành viên gắn với trách nhiệm thực hiện; Sở Nông nghiệp &PTNT ban hành các hướng dẫn kỹ thuật, chỉ đạo kịp thời các biện pháp kỹ thuật khi có sự biến đổi thời tiết; kiểm nghiệm chặt chẽ giống, đảm bảo chất lượng trước khi đưa vào gieo trồng; tăng cường cán bộ có kỹ thuật xuống cùng huyện, xã thực hiện; cần quy hoạch, lựa chọn các vùng, tiểu vùng có độ ẩm không khí cao, khuyến cáo người dân nên trồng cải dầu trên đất chân ruộng 1 vụ, thung lũng núi đá, nơi có nguồn nước. Đối với giống, tập trung sử dụng giống Cải Miên 15, 16 vì qua trồng khảo nghiệm 2 loại giống này cho thấy sự vượt trội về năng suất, sản lượng, cũng như khả năng thích ghi với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng ở 4 huyện vùng cao núi đá. Giao cho Công ty Cổ phần vật tư Nông nghiệp tỉnh lên kế hoạch thống nhất với 4 huyện Đồng Văn, Mèo Vạc, Yên Minh, Quản Bạ cung ứng đầy đủ, kịp thời giống tới người dân gieo trồng bảo đảm đúng thời vụ, tốt nhất gieo trồng xong trong tháng 9, với mức hỗ trợ 100% giống, 50% giá vật tư phân bón cho người dân. Về giải pháp thu mua, chế biến tiêu thụ sản phẩm, UBND tỉnh chỉ đạo Sở Kế hoạch Đầu tư, Tài nguyên và Môi trường, Tài chính thẩm định giá, giải quyết nhanh, dứt điểm các thủ tục đất đai, nguồn vốn đầu tư xây dựng dây chuyền chế biến cải dầu cho Công ty TNHH Đông Thành, đảm bảo đầu năm 2011 hoàn thành việc lắp đặt dây chuyền chế biến, tiêu thụ sản phẩm cải dầu cho người dân, trụ sở công ty dự kiến xây dựng tại xã Đạo Đức (Vị Xuyên).


Hy vọng với những giải pháp, biện pháp triển khai đồng bộ, cùng sự vào cuộc của các cấp, ngành chương trình trồng cây cải dầu trên địa bàn 4 huyệnvùng cao núi đá phía Bắc của tỉnh sẽ giải quyết được nhiều khó khăn, ách tắc đang tồn tại để thu được kết quả như mong đợi, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế, tạo công ăn việc làm, tăng thu nhập cho người dân địa phương.


HOÀNG NGỌC

Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

Khu KTCK Thanh Thủy sẽ trở thành cửa ngõ giao thương quốc tế
HGĐT- Xây dựng khu Kinh tế cửa khẩu (KTCK) Thanh Thủy thành cửa ngõ giao thương quốc tế, đầu mối giao thông, XNK hàng hóa và dịch vụ quan trọng trên trục liên kết Quốc lộ 2, nhằm thúc đẩy phát triển thương mại, dịch vụ giữa miền Bắc Việt Nam với tỉnh Vân Nam (Trung Quốc) và các nước trong khu vực là quyết tâm lớn, vừa được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định
30/07/2010
Thực hiện tốt công tác chăm lo đời sống, bảo vệ quyền lợi hợp pháp cho người lao động
HGĐT- Được sự quan tâm, chỉ đạo sát sao của Công đoàn Ngân hàng No&PTNT Việt Nam và sự chỉ đạo trực tiếp của Đảng bộ Ngân hàng No&PTNT tỉnh; những năm qua, Công đoàn Ngân hàng No&PTNT Hà Giang đã không ngừng đổi mới và nâng cao chất lượng hoạt động, xây dựng CĐCS vững mạnh, động viên toàn thể cán bộ CNVC-LĐ thi đua lao động giỏi, lao động sáng tạo, cùng với
20/08/2010
Xây dựng Nhà máy Sang chiết gas đầu tiên
HGĐT- Công ty TNHH Đông Tùng vừa đầu tư 11 tỷ đồng xây dựng Nhà máy sang chiết gas đầu tiên tại cửa ngõ phía Nam thị xã Hà Giang.
19/08/2010
Đẩy mạnh XNK hàng hóa phục vụ phát triển KT-XH
HGĐT- Từ năm 2006 đến nay, Hải quan Hà Giang đã làm thủ tục XNK hàng hóa đạt giá trị gần 721 triệu USD; có trên 337,5 nghìn lượt người, trên 19 nghìn lượt phương tiện được làm thủ tục XNC. Tổng số thu thuế XNK hàng hóa qua các cửa khẩu đạt trên 671 tỷ đồng. Kết quả trên khẳng định những giải pháp thúc đẩy tăng trưởng XNK hàng hóa của ngành Hải quan đã phát huy hiệu quả, đáp
18/08/2010