Trồng cỏ gắn với chăn nuôi trâu bò hàng hóa ở xã Thanh Vân
HGĐT- Những năm gần đây nghề nuôi trâu, bò ở xã Thanh Vân (Quản Bạ) đang phát triển mạnh và từng bước khẳng định là hướng đi đúng giúp người dân ở vùng nông thôn trong xã xoá đói, giảm nghèo và có thể làm giàu, nhất là từ khi có Nghị quyết chuyên đề của BCH Đảng bộ huyện Quản Bạ về đẩy mạnh phát triển chăn nuôi, kết hợp chương trình chuyển đổi những diện tích đất nương xấu sang trồng cỏ gắn với phát triển chăn nuôi trên địa bàn toàn huyện.
Trong nhiều năm qua, chính quyền xã Thanh Vân đã có nhiều cách làm thiết thực để khuyến khích, hướng dẫn nông dân phát triển chăn nuôi gia súc từng bước trở thành hàng hoá như: Hướng dẫn bà con thực hiện các mô hình trồng cỏ gắn với chăn nuôi gia súc, thực hiện thâm canh gối vụ, chuyển đổi cơ cấu giống cây trồng và vật nuôi phù hợp với điều kiện, thế mạnh của từng vùng trong xã... Với những nỗ lực đó cùng việc làm tốt công tác tiêm phòng cho đàn gia súc qua đó dịch bệnh được khống chế kịp thời, đã khuyến khích bà con nhân dân yên tâm tập trung vào phát triển chăn nuôi nên số hộ, số trang trại chăn nuôi trâu, bò không ngừng tăng và được phát triển ở hầu khắp các thôn trong xã. Bằng nhiều biện pháp hướng dẫn, giúp đỡ cụ thể của cán bộ khuyến nông từ huyện đến xã thông qua các lớp tập huấn ngắn hạn và dài hạn nên đại đa số bà con nông dân đã nắm được kỹ thuật chăn nuôi nhờ đó mà đàn gia súc của xã trong những năm gần đây phát triển khá ổn định, năm sau cao hơn năm trước; mức tăng bình quân đạt trên 5%, tăng chủ yếu ở đàn bò. Tính tới hết tháng 6. 2010, tổng đàn gia súc của xã Thanh Vân có trên 1.820 con; trong đó đàn trâu là 348 con, đàn bò 1.475 con, còn lại là dê và ngựa. Có thể nói việc phát triển chăn nuôi gia súc không chỉ đáp ứng nhu cầu về sức kéo, phân bón, làm chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp nông thôn theo hướng tích cực mà còn cung cấp một số lượng lớn thực phẩm cho thị trường trong và ngoài tỉnh.
Để duy trì và phát triển tốt đàn trâu, bò, xã Thanh Vân đang tích cực trồng cỏ và chuyển đổi những diện tích đất nương xấu, tận dụng số diện tích đất trống, bạc mầu sang trồng cỏ phục vụ cho chăn nuôi. Theo kế hoạch của huyện giao năm 2010 xã Thanh Vân được giao trồng mới 40 ha cỏ, nhưng qua 6 tháng đầu năm 2010 xã đã triển khai, vận động người dân trồng mới được 41 ha, vượt so với kế hoạch cả năm huyện giao, đưa tổng số diện tích trồng cỏ toàn xã lên 515 ha, đảm bảo tiêu chí mỗi hộ chăn nuôi trâu, bò trong xã có tối thiểu 1.000m2 cỏ trở lên/1 con gia súc. Kêt hợp với các chương trình, dự án hỗ trợ của Trung ương, tỉnh cùng chính sách hỗ trợ nông dân chưa có trâu, bò vay vốn mua trâu, bò về nuôi; khuyến khích những hộ có nhiều trâu, bò cho nuôi rẽ, xã Thanh Vân đang phấn đấu tăng đàn gia súc đạt 2.180 con vào cuối năm 2010, trong đó tập trung phát triển nhanh đàn bò hàng hoá, nhất là đối với loại bò vàng được nuôi ở những nơi có đồng bào dân tộc Mông sinh sống; đây cũng có thể xem là lợi thế của huyện, xã và là đặc sản của vùng cao núi đá. Loại bò này có nhiều ưu điểm như dễ nuôi, khả năng chống chịu bệnh tốt, rất thích hợp với khí hậu ở đây; nguồn thức ăn của chúng chủ yếu là các loại cỏ tự nhiên, thân lá cây ngô, nhất là hai loại cỏ Goa-tê-ma-la và cỏ Voi. Xã Thanh Vân đang chú trọng đầu tư và có chính sách phát triển mạnh hai giống cỏ này gắn với phát triển chăn nuôi gia súc.
Nói về những hiệu quả trong phát triển chăn nuôi của xã trong thời gian qua, đồng chí Nông Minh Tiến, Chủ tịch UBND xã Thanh Vân, cho biết: Phong trào phát triển trồng cỏ gắn với chăn nuôi của xã Thanh Vân đang có những bước tiến mới, được người dân tích cực tham gia, điều đó đã đóng góp không nhỏ trong sự phát triển chung của xã. Với những chính sách phù hợp, định hướng đúng cùng sự đầu tư có hiệu quả của nhà nước, sự nỗ lực của người dân quyết tâm đưa nghề chăn nuôi thành nghề chính, chiếm tỷ trọng lớn trong cơ cấu nền kinh tế, chắc chắn Thanh Vân sẽ gặt hái được những thành công lớn hơn trong phát triển chăn nuôi, vươn xa hơn trên con đường giảm nghèo nhanh, bền vững.
Ý kiến bạn đọc