Giải pháp nào cho ngành khai khoáng?
HGĐT- 149 mỏ và điểm mỏ có trên mảnh đất cực Bắc, con số trên cho thấy Hà Giang là mảnh đất đầy tiềm năng nếu chúng ta phát huy được nguồn tài nguyên đó. Thực tế hiện nay trên địa bàn tỉnh đã có trên 20 mỏ khoáng sản đã được cấp phép khai thác.
Trong nhiều năm qua, ngành Công nghiệp trẻ đó đã mang lại nguồn thu đáng kể đóng góp cho ngân sách địa phương, góp một phần giải quyết lao động, việc làm, cho đồng bào nơi mỏ được cấp phép khai thác. Theo đánh giá của ngành hữu quan tỉnh ta có thế mạnh về quặng sắt, chì kẽm, Mangan, Ăng ti mon và ngành khai thác khoáng sản cũng dựa trên thế mạnh đó để đầu tư khai thác. Thời gian qua nền kinh tế thế giới bị suy thoái thì ngành khai thác khoáng sản của tỉnh cũng bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Qua gần 3 năm, việc khai thác quặng sắt, chì kẽm, Mangan... hầu như bế tắc về đầu ra cho sản phẩm khai thác được. Từ lâu, nhận định về tiềm năng khoáng sản của tỉnh, chính quyền tỉnh cũng đã đề ra chiến lược xây dựng nhà máy chế biến quặng theo hướng tinh luyện ngay trên địa bàn, không bán quặng thô. Kể đến: Việc dự định xây dựng nhà máy luyện quặng sắt, luyện phe prô Mangan, luyện Ăng ti mon kim loại và luyện chì kẽm... Đến hiện tại, ngoài nhà máy tinh luyện Ăng ti mon kim loại của Công ty Cổ phần Cơ khí và khoáng sản Hà Giang để lại (từ 2001) đến nay chưa có nhà máy nào khác. Cho nên khi thế giới “chững lại” thì việc tiêu thụ quặng nguyên liệu trong tỉnh cũng trở nên bế tắc. Đã có thời gian rất lâu, tổ hợp khai thác chì kẽm của Công ty Hoàng Bách, Giang Sơn... buộc phải đóng cửa, giải tán lao động. Các cơ sở khai thác Mangan của Công ty Phả Lại (Bắc Quang) hoặc khai thác Mangan ở Ngọc Linh (Vị Xuyên) không có chỗ bán quặng v.v... Lý do thường được các doanh nghiệp đưa ra là: Sự suy giảm kinh tế, là sự “chậm” trong khi xây dựng khu kinh tế Bình Vàng nên chưa thể triển khai xây dựng nhà máy “luyện sâu” trong khai thác và chế biến như Nghị quyết tỉnh đề ra. Sau gần 3 năm kể từ khi kinh tế thế giới bị suy thoái, chỉ “duy nhất” sản phẩm Ăng ti mon kim loại của Công ty Cổ phần Cơ khí và khoáng sản... vẫn bán đều và giá vẫn ở mức cao kịch tầm trên 6.700 USD/tấn, cao hơn mức dự toán khi xây dựng nhà máy tới gần 5.500 USD và chưa lúc nào bị khách nước ngoài... chê hoặc ép giá? Tìm hiểu được biết sản phẩm Ăng ti mon kim loại hiện đang làm cho cả thế giới “phát thèm” vì quá ít, không đáp ứng nguồn “cung” bởi “cung” luôn luôn “nhỏ” hơn “cầu”. Việc Công ty Cơ khí và khoáng sản đầu tư hơn chục tỷ đồng để có sản phẩm chất lượng cao, giá bán kịch trần, trong nhiều năm đã đưa doanh nghiệp này trở thành đơn vị khai khoáng đứng đầu của ngành khai khoáng trong tỉnh là hiện thực sinh động, luôn mới, luôn là bài học thiết thực của ngành khai thác, chế biến, xuất khẩu khoáng sản tỉnh ta hiện nay. Nhìn rộng ra trong tỉnh không ít doanh nghiệp đủ, thậm trí “thừa” khả năng về tài chính để đầu tư các nhà máy chế biến khoáng sản “sâu” như đã nêu trên. Song, việc một số doanh nghiệp lại chưa đầu tư nhà máy chế biến “sâu” mà chỉ dựa vào khai thác theo kiểu “bán lúa non” như hiện tại đã làm cho ngành công nghiệp khai khoáng của tỉnh không những không... trẻ ra mà còn già cỗi hẳn đi. Thực tế cho thấy: Báo cáo 6 tháng đầu năm 2010 của Sở Công thương cho biết ngành khai khoáng trong 6 tháng chỉ đạt 35,19% kế hoạch năm. Báo cáo của UBND tỉnh tại phiên họp tháng 6 cũng nhận định, ngành khai khoáng gặp nhiều khó khăn, nhiều loại quặng “giảm sâu” so cùng kỳ 2009, trong đó có sản phẩm quặng chì kẽm giảm tới 50,06%. Chủ trương của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh từ nhiều năm qua là “bắt buộc” các doanh nghiệp khai thác, chế biến khoáng sản “phải” đầu tư chế biến sâu thành sản phẩm tinh mới đượcphép bán, hoặc xuất khẩu là đúng. Nhưng trên thực tế, sau nhiều năm, nghị quyết của tỉnh vẫn triển khai chậm. Các doanh nghiệp đã được cấp phép khai thác thì bằng cách này hay cách khác vẫn bán quặng thô ra ngoài. Bán các sản phẩm thô các chuyên gia kinh tế cho đó là bán “lúa non” chạy theo kiểu “ăn sổi, ở thì” không bền vững và gây thất thoát tài nguyên. Ngành khai thác và chế biến khoáng sản ở Hà Giang là ngành công nghiệp non trẻ. Điều đó hoàn toàn đúng. Nhưng lý do non trẻ, hoặc sơ khai còn yếu, còn thiếu... nên buộc phải... bán quặng thô như hiện tại để tái đầu tư là không chính đáng, không hợp lý. Bởi lẽ, trong giai đoạn hiện nay là giai đoạn của công nghệ, khoa học, thông tin bùng nổ khắp toàn cầu, đủ thừa để cho các doanh nghiệp: Hợp tác, lựa chọn, liên kết “cùng” làm ăn. Và từ lâu, việc Công ty Cơ khí khoáng sản Hà Giang, hiện là Công ty Cổ phần đã liên kết với Trung Quốc xây dựng nhà máy luyện Ăng ti mon ở Mậu Duệ (Yên Minh) đã đi là hướng đúng, hướng đi có tính chiến lược hợp tác để phát triển bền vững đang là một hiện thực sinh động của nền công nghiệp khai khoáng tỉnh nhà. Chúng ta đang có chủ trương đúng của tỉnh, có mô hình sinh động trong đầu tư và có cả lợi thế về khoáng sản, nhưng việc thực hiện vẫn chưa đạt yêu cầu đề ra, đâu là nguyên nhân chính, lối đi nào cho kết quả cao?
Việc hô hào các doanh nghiệp trong ngành khai khoáng phải liên kết lại đã đề cập rất rất nhiều lần, nhiều năm đã qua, nhưng chưa kết quả? Đã đến lúc tỉnh phải “siết chặt” quy định pháp lý bắt buộc để tất cả các doanh nghiệp phải tuân thủ theo quy định trước khi cấp phép đầu tư, giao mỏ. Đối với các doanh nghiệp, các mỏ đã giao, cần rà soát lại, sắp xếp lại trên cơ sở: Năng lực thực tế của họ có đủ, hay không đủ, có đáp ứng hay chưa đáp ứng, trên cơ sở đó có giải pháp sáp nhập lại, dồn hợp lại theo đúng tinh thần nghị quyết đề ra. Việc rà soát, sắp xếp hay sáp nhập doanh nghiệp trong ngành khai khoáng dựa trên cơ sở thực lực sẽ làm cho các doanh nghiệp lực chọn đầu tư phù hợp, đạt yêu cầu đề ra. Bên cạnh đó, cũng cần có biện pháp mạnh để ra hạn hoặc chấm dứt quyền khai thác, thu hồi mỏ “nếu” doanh nghiệp không tuân thủ, không đủ điều kiện cho phép. Đã đến lúc cần sắp xếp lại, tổ chức lại cơ cấu ngành công nghiệp khai thác và chế biến khoáng sản trên địa bàn vì mục tiêu phát triển kinh tế lâu dài, ổn định phục vụ xây dựng Hà Giang ngày một mạnh giàu.
Ý kiến bạn đọc