Chương trình phát triển cây cao su, cần nhiều nỗ lực để đảm bảo tiến độ
HGĐT- Với Chương trình phát triển 1 vạn ha cây cao su đến năm 2015, qua gần 2 năm triển khai, đã đạt được những kết quả nhất định. Gần 300ha cao su trồng năm 2009 đã bước sang năm thứ 2, phát triển rất tốt, đồng thời đã quy hoạch được nhiều vùng trồng cao su có tiềm năng rất lớn.
Công nhân Công ty Cao su chăm sóc cây cao su giống tại vườn ươm Vô Điếm (Bắc Quang). |
Các cơ quan chức năng của tỉnh, Công ty Cao su (CTCS) và các huyện Vị Xuyên, Quang Bình, Bắc Quang... đã có những nỗ lực không nhỏ. Nhận thức của người dân về ý nghĩa của chương trình phát triển cây cao su từng bước được cải thiện. Tuy nhiên, nhìn vào thực tế, tiến độ trồng cao su vẫn chậm...
Từ kết quả thực hiện kế hoạch 2 năm 2009, 2010 đối với chương trình phát triển cây cao su, đến thời điểm này, có thể nhận thấy nhiều nguyên nhân khiến cho tiến độ của chương trình này còn chậm. Đầu tiên có thể nói đến đó là sự băn khoăn, e dè của một bộ phận không nhỏ người dân về loại cây trồng mới. Vì thế, mặc dù tỉnh có nhiều cơ chế hỗ trợ cho người dân góp đất như việc hỗ trợ kinh phí chuyển đổi đất, mỗi ha đất góp được tính cổ phần là 10 triệu đồng và người dân không phải đóng góp một khoản nào để trồng cao su..., nhưng một bộ phận người dân vẫn đặt câu hỏi, liệu cao su có thành công và cơ chế ăn chia lợi nhuận giữa CTCS và người dân góp đất như thế nào...
Bên cạnh đó, công tác tuyên truyền, vận động của các cấp, ngành, đoàn thể còn chưa đủ mạnh để người dân có thể hiểu rõ về một loại cây trồng mới, có thời gian kiến thiết dài 6 năm mới cho sản phẩm như cây cao su. Thậm chí thời gian đầu năm nay, một số diện tích trồng cao su tại 2 địa bàn xã Vĩ Thượng (Quang Bình), xã Vô Điếm (Bắc Quang), đã bị trâu, bò và một số đối tượng xấu phá hoại với số lượng theo báo cáo của CTCS là 390 cây. Tập quán và tư duy sản xuất nhỏ của người dân, chính là khó khăn cho việc triển khai chủ trương sản xuất hàng hoá có quy mô lớn. Vì thế, không ít hộ dân góp đất trồng cao su vẫn mong muốn giữ lại một khoảnh đất rừng với mục đích để làm nơi chăn thả, lấy củi... Một số hộ dân có rừng từ 3 – 5 năm tuổi không muốn tận thu để góp đất trồng cao su, vì công đầu tư, chăm sóc bỏ ra lớn hơn tiền hỗ trợ của Nhà nước, theo đó nhiều hộ thuộc diện này có thể sẽ góp đất trồng cao su khi rừng của họ đến kỳ khai thác từ 2 – 3 năm nữa... Từ những yếu tố cơ bản trên, dẫn đến việc nhiều địa phương rất khó khăn trong việc vận động, bàn giao đất trồng cao su; đến lúc bàn giao thì nhiều nơi còn manh mún, trong khi yêu cầu phát triển theo hướng đại điền, công nghiệp là phải đảm bảo các diện tích đất liền thửa, liền khoảnh.
Có thể thấy năm 2009, trước thời điểm khai hoang và trồng cao su mưa sớm và kéo dài, gây rất nhiều khó khăn trong các khâu rà soát, tận thu lâm sản, khai hoang đất trồng... Với diễn biến thời tiết khó lường cùng với lượng mưa nhiều như thời gian qua chắc chắn cũng sẽ gây ra những khó khăn nhất định khi chúng ta đang chuẩn bị bước vào vụ trồng mới năm nay. Bên cạnh đó, có thể thấy vùng trồng cao su là nơi địa hình đồi núi, chia cắt mạnh, cơ sở giao thông, cầu cống trên địa bàn trồng cao su còn hết sức khó khăn. Từ đó, dẫn đến việc khai thác, tiêu thụ lâm sản tận thu chậm, đặc biệt là đối với Công ty CP Cao su phải dành thêm thời gian, kinh phí cho tu sửa, mở mới đường, cầu, cống, cước phí vận chuyển và sản xuất.
Từ một số khó khăn cơ bản trên, khiến cho việc bàn giao đất giữa các địa phương với CTCS trong thời gian qua là rất chậm, có nơi khi bàn giao đất thì đã quá thời vụ trồng, hoặc thời tiết lại không thuận lợi. Do đó, dẫn đến việc trồng cao su năm 2009 không đạt kế hoạch đề ra. Thống kê cho thấy, đến hết năm vừa rồi, mới trồng được gần 300ha trên tổng số 1.000ha kế hoạch tỉnh giao. Theo kế hoạch năm 2010, sẽ trồng mới 1.500ha cao su cùng với việc trồng thêm 700ha kế hoạch của năm 2009 chuyển sang, như vậy tổng số diện tích trồng mới năm nay sẽ là 2.200ha. Tuy nhiên, theo Ban quản lí chương trình trồng cây cao su của tỉnh, đến nay việc triển khai kế hoạch trồng năm 2010 còn chậm do việc bàn giao đất vẫn còn chậm, đến tháng 4, 5, 6 mới tiến hành bàn giao. Song, nhiều diện tích giao chưa liền vùng, liền khoảnh, còn rất nhiều lâm sản trên đất..., rất khó để tiến hành khai hoang, trồng mới. Phía Công ty CPCSHG cho biết, đến thời điểm 30.6, Công ty tạm ký nhận sơ bộ số diện tích mà các địa phương bàn giao là 1.564,3ha. Từ nhiều khó khăn nên đến nay, trước thời vụ trồng cao su 2010 (tháng 7,8), tổng diện tích đất khai hoang, đào hố mới đạt 778 ha, bằng 54,5% kế hoạch 2010. Như vậy, thời gian từ giờ đến cuối năm, để hoàn thành nốt kế hoạch tỉnh giao là điều không dễ. Về phía CTCS cho biết, nếu thời gian tới, các huyện bàn giao đất với các diện tích liền vùng, liền khoảnh, lâm sản trên đất bàn giao được tận thu hết thì Công ty sẽ chủ động đẩy mạnh tiến độ khai hoang, làm đất trồng mới để đảm bảo kế hoạch.
Trồng cao su là chủ trương lớn và đúng đắn, đây chính là cơ hội để địa phương còn nhiều khó khăn như chúng ta có bước chuyển mình trong tư duy sản xuất và hiệu quả kinh tế. Vì thế, để thúc đẩy đảm bảo kế hoạch tỉnh giao, trong thời gian tới chúng ta cần nỗ lực hơn nữa cho chương trình này thông qua việc đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động; cần tập trung giải quyết khâu giải phóng mặt bằng với việc tận thu lâm sản trên đất bàn giao cho CTCS vì hiện nay, nhiều diện tích đất CTCS tạm nhận bàn giao còn rất nhiều lâm sản trên đất. Đồng thời, các địa phương cần tiếp tục rà soát thêm các diện tích để đảm bảo đủ diện tích kế hoạch tỉnh giao 2 năm 2009, 2010 là 2.500ha. Để động viên, khuyến khích người dân tham gia chương trình trồng cao su, tỉnh cũng cần cấp kinh phí hỗ trợ chuyển đổi đất cho người dân kịp thời, với từng địa phương cũng cần nghiên cứu, xem xét hỗ trợ thêm ngoài mức hỗ trợ của tỉnh (như huyện Vị Xuyên đã làm thời gian qua). Với CTCS cần tiếp tục phối hợp với các cơ quan chức năng, các địa phương tham gia tuyên truyền, vận động và giải quyết những vướng mắc trong quá trình bàn giao đất, tạo thêm công ăn việc làm cho người dân trong vùng trồng cao su, góp phần cùng địa phương xây dựng cơ sở vật chất, giao thông... như ý kiến mà đồng chí Trương Tấn Sang, Thường trực Ban Bí thư T.Ư Đảng nêu tại buổi làm việc với Công ty vừa qua. Triển khai thực hiện tốt Thông báo Kết luận của đồng chí Bí thư Tỉnh uỷ về xây dựng các mô hình và triển khai trồng xen canh các loại cây hoa màu vào diện tích đất đã trồng cao su...
Ý kiến bạn đọc