Tư vấn, hỗ trợ các HTX phát triển - việc làm hiệu quả, thiết thực của Liên minh HTX tỉnh
HGĐT- Trong những năm qua, kinh tế hợp tác, HTX ở tỉnh ta đã và đang giữ một vị trí quan trọng góp phần vào chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động, nhất là trong nông nghiệp nông thôn, tạo việc làm, thu nhập và ổn định đời sống của đại bộ phận người dân, người lao động, đặc biệt là trong khu vực nông thôn.
Các loại hình HTX trong từng ngành, lĩnh vực đã tham gia tích cực vào qúa trình sản xuất, dịch vụ, lưu thông hàng hóa, duy trì phát triển một số ngành nghề truyền thống, tạo thêm việc làm cho người lao động lúc nông nhàn và lao động phổ thông trình độ kỹ thuật thấp. Hoạt động tư vấn, hỗ trợ giúp các HTX không ngừng phát triển và nâng cao hiệu qủa là một trong những chức năng cơ bản của Liên minh HTX các cấp đã được Luật HTX quy định. Xác định được mục tiêu đó, thời gian qua Liên minh HTX tỉnh đã thực hiện nhiều hoạt động thiết thực cụ thể nhằm tư vấn, hỗ trợ cho các HTX vượt qua khó khăn, phát triển sản xuất, kinh doanh góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế khu vực nông nghiệp, nông thôn, nâng cao đời sống cho xã viên HTX.
Phải khẳng định rằng, trong năm qua do tình hình kinh tế thế giới cũng như trong nước đã dần phục hồi và phát triển, qua đó đã có những tác động tích cực đến hoạt động của thành phần kinh tế tập thể nói chung và phong trào HTX trên địa bàn tỉnh nói riêng. Thông qua các gói kích thích kinh tế của Chính phủ đã tạo điều kiện thuận lợi cho các HTX trên địa bàn tỉnh mở rộng quy mô hoạt động sản xuất kinh doanh, khắc phục được tình trạng khó khăn trong hoạt động kinh tế, đẩy mạnh qúa trình sản xuất hàng hóa, tiêu thụ sản phẩm mở rộng thị trường tiêu thụ. Đã có 20 HTX xây dựng dự án mở rộng sản xuất kinh doanh với tổng số tiền đầu tư trên 8 tỷ đồng, chủ yếu ở các lĩnh vực chế biến chè (4 dự án), khai thác vật liệu xây dựng (3 dự án), tiểu thủ công nghiệp (2 dự án) và lĩnh vực khác 3 dự án, thu hút thêm hàng trăm lao động nhàn rỗi tại địa phương vào làm việc. Có 2 đơn vị đã chủ động tìm kiếm mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm tại các tỉnh trong nước. Một số HTX đã chủ động mở các lớp đào tạo nghề cho xã viên và người lao động trong các HTX nhằm đáp ứng được tay nghề phục vụ sản xuất kinh doanh. Các HTX nông nghiệp, dịch vụ nông nghiệp đã làm được một số dịch vụ có hiệu quả đối với nông nghiệp nông thôn như dịch vụ khuyến nông, cung ứng vật tư, giống cây, con; đẩy mạnh sản xuất nông nghiệp và phát triển kinh tế nông thôn theo hướng sản xuất hàng hóa, gắn sản xuất với chế biến hàng nông sản; hỗ trợ xã viên phát triển ngành nghề, góp phần thúc đẩy qúa trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp, phân công lại lao động ở nông thôn. Các HTX phi nông nghiệp và dịch vụ tổng hợp cơ bản đã phát huy được tiềm năng, lợi thế của địa phương, tạo được nhiều việc làm, nâng cao thu nhập góp phần xóa đói giảm nghèo. Các HTX chế biến lâm sản, chè, mây tre đan, vận tải và một số hoạt động khác bước đầu đã có sự liên kết với nhau để tìm nguồn hàng, học tập kỹ thuật chế biến và tìm ra thị trường tiêu thụ ổn định. Qua đánh giá cho thấy khoảng 70% HTX hoạt động ổn định có lãi, trong đó HTX khá, giỏi đạt từ 30% trở lên, thu nhập của xã viên và người lao động từ 1,2 triệu đến 1,5 triệu đồng.
Trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ được giao trong năm 2009, công tác tư vấn, hỗ trợ đã được Liên minh HTX tỉnh đặc biệt chú trọng, cụ thể đã tập trung xây dựng, thành lập các HTX mới, các mô hình HTX điển hình tiên tiến ở khu vực vùng cao, vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn của tỉnh. Đặc biệt là việc tuyên truyền, vận động và hướng dẫn thành lập HTX ở những khu vực có nhiều tiềm năng, lợi thế để phát triển phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế – xã hội tại địa phương; quan tâm chú trọng các loại hình HTX công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, HTX dịch vụ tổng hợp thu hút được nhiều lao động tham gia; vận động, hướng dẫn xây dựng các mô hình điển hình tiên tiến, đổi mới phương thức hoạt động phù hợp với đặc điểm, điều kiện của từng địa phương. Thời gian qua, Trung tâm Tư vấn hỗ trợ phát triển HTX thuộc Liên minh HTX tỉnh đã giải quyết cho 4 HTX vay vốn với tổng số tiền 370 triệu đồng từ nguồn vốn vay ưu đãi 120 (vốn vay luân chuyển) của Liên minh HTX Việt Nam. Số dư cho vay đến thời điểm hiện tại là 840 triệu đồng và vay Qũy hỗ trợ phát triển HTX của Liên minh HTX Việt Nam là 1,4 tỷ đồng. Tư vấn, hỗ trợ cho 20 HTX xây dựng dự án mở rộng sản xuất kinh doanh và vay vốn ưu đãi theo Nghị quyết 03 của BTV Tỉnh ủy và các gói kích cầu của Chính phủ với tổng số vốn đầu tư trên 8 tỷ đồng. Cụ thể, đã tư vấn, hỗ trợ cho HTX Chế biến chè xã Tát Ngà (Mèo Vạc) một dây truyền chế biến chè với tổng trị giá 105 triệu đồng; hỗ trợ cho HTX Quản lý chợ Niêm Sơn (Mèo Vạc) một số trang thiết bị văn phòng, thiết bị phòng cháy chữa cháy và vệ sinh môi trường với tổng trị giá 41 triệu đồng thuộc nguồn vốn hỗ trợ từ Dự án Phân cấp giảm nghèo tỉnh Hà Giang; hỗ trợ 15 triệu đồng cho 25 hộ dân trồng chè tại xã Tát Ngà để cải tạo lại nương chè hiện có với diện tích hỗ trợ cải tạo là 10 ha để cung cấp nguyên liệu cho HTX Chế biến chè Tát Ngà sản xuất. Từ những nguồn vốn trên, nhiều thành viên HTX đã tiếp cận được nguồn vốn vay đầu tư mở rộng quy mô sản xuất, kinh doanh, tạo việc làm và tăng thu nhập cho xã viên. Đặc biệt các dự án hỗ trợ cho các HTX tiểu thủ công nghiệp, làng nghề đã góp phần khôi phục các ngành nghề truyền thống, chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn và giải quyết việc làm cho người lao động, góp phần xóa đói giảm nghèo bền vững, củng cố niềm tin của các hộ xã viên, nâng cao uy tín của Liên minh HTX.
Ngoài ra, Liên minh HTX tỉnh còn phối hợp với Trung tâm các chương trình kinh tế – xã hội thuộc Liên minh HTX Việt Nam tổ chức 9 lớp dạy nghề cho xã viên và người lao động trong các HTX với280 học viên tham gia; phối hợp với Trung tâm Dạy nghề thị xã Hà Giang mở 2 lớp mộc dân dụng cho 2 HTX; tổ chức 1 lớp kỹ thuật trồng, chế biến chè tại xã Tát Ngà cho các hộ dân trong xã. Đặc biệt, thực hiện kế hoạch đào tạo bồi dưỡng nghiệp vụ cán bộ quản lý HTX năm 2009, Liên minh HTX tỉnh đã phối hợp với UBND các huyện Quản Bạ, Bắc Mê, Quang Bình, Vị Xuyên, Xín Mần, Hoàng Su Phì, thị xã Hà Giang tổ chức được 11 lớp tập huấn nghiệp vụ cán bộ quản lý HTX, an toàn vệ sinh lao động trong các HTX bao gồm: 4 lớp Chủ nhiệm HTX, 2 lớp Kế toán, 2 lớp Trưởng ban kiểm soát và 3 lớp sáng lập viên với tổng số học viên tham gia các lớp học là 440 học viên. Thực hiện chương trình Dự án Phân cấp giảm nghèo tỉnh tổ chức được 1 lớp tập huấn an toàn vệ sinh lao động cho 25 người là cán bộ quản lý và người lao động trong HTX; 1 lớp kỹ thuật trồng, chăm sóc chế biến chè cho 25 học viên. Phối hợp với trường Trung cấp Nghề Hà Giang tổ chức 2 lớp đào tạo, bồi dưỡng tin học chương trình B cho 100 học viên là xã viên và người lao động trong các HTX trên địa bàn TXHG và huyện Vị Xuyên.
Trong qúa trình hoạt động, nhiều đơn vị thành viên khi gặp khó khăn trong công tác lập dự án đầu tư, phát triển sản xuất, kinh doanh, chuyển giao khoa học kỹ thuật, dịch vụ tiếp thị, quảng cáo, chào hàng, triển lãm giới thiệu sản phẩm đều được cán bộ Liên minh HTX tư vấn, hỗ trợ. Song song với việc nâng cao trình độ nguồn nhân lực, Liên minh còn thực hiện nhiều hoạt động xúc tiến thương mại, giúp các HTX giới thiệu các sản phẩm.
Có thể nói, bằng những hoạt động hỗ trợ thiết thực, Liên minh HTX tỉnh đã và đang trở thành chỗ dựa vững chắc cho các HTX thành viên. Để thực hiện tốt hơn nữa, trong thời gian tới theo đồng chí Nguyễn Đức Tuấn, Phó Chủ tịch Liên minh HTX tỉnh, Giám đốc Trung tâm Tư vấn hỗ trợ phát triển HTX tỉnh cho biết: Liên minh HTX sẽ tiếp tục tăng cường các hoạt động tư vấn, hỗ trợ cho các HTX về tổ chức quản lý, xây dựng phương án sản xuất, kinh doanh, đổi mới công nghệ, xúc tiến thương mại; tổ chức các lớp tập huấn nâng cao kiến thức chuyên môn, giúp cho đội ngũ cán bộ quản lý HTX đủ trình độ điều hành sản xuất kinh doanh của đơn vị, đặc biệt chú trọng đến đào tạo nguồn nhân lực kế cận; nhân rộng các mô hình sản xuất có hiệu quả, góp phần đưa kinh tế HTX phát triển theo hướng bền vững.
Ý kiến bạn đọc