Hiệu quả từ các mô hình chăn nuôi gia súc tại Xín Mần
HGĐT- Năm 2009 vừa qua, BQL Dự án DPPR Xín Mần đã triển khai Hợp phần 2B (hỗ trợ chăn nuôi gia súc) cho 73 hộ bà con nông dân thuộc 5 xã vùng dự án trong huyện. Giữa tháng 6.2010, trở lại 5 xã: Cốc Rế, Khuôn Lùng, Nấm Dẩn, Trung Thịnh và Cốc Pài kiểm tra sơ bộ 73 hộ tham gia mô hình chăn nuôi thật bất ngờ: Cả 73 hộ đều đã có những bước “chấm phá” để vươn lên thoát nghèo.
Các ông Thèn Sào Văn, Thèn Kháy Sò, thôn Cốc Đông, xã Trung Thịnh cho biết: Chúng tôi ý thức được rằng đây là hình thức cho vay vốn của Dự án để mua trâu bò sinh sản trong thời gian 3 năm, sau đó phải trả lại vốn để luân chuyển cho hộ khác vay. Tính đến nay, sau gần 1 năm kể từ ngày nhận được trâu nuôi do Dự án DPPR huyện hỗ trợ gia đình bước đầu đã đủ sức kéo để làm đất trồng cấy, có phân bón ruộng, có việc làm thêm cho con, đồng thời có thu nhập khá trong mỗi vụ thu hoạch. Kể chuyện từ khi có trâu nuôi mỗi vụ gia đình làm đất, bón phân, cấy trồng đúng vụ, đúng lịch nên lúa, ngô, đậu đều tốt, tránh được sâu bệnh, dịch hại và cho năng suất vượt hẳn so với trước đó làm chậm vụ, cấy chay... Ông Thèn Sào Văn còn cho biết, con trâu cái nhà ông nhận từ dự án từ ngày bấm lỗ tai, trao tay về nuôi đến nay cũng đã sắp sinh sản một con nghé giúp gia đình có thêm vật nuôi nay mai và là “vốn để dành” khi dự án kết thúc. Vui vẻ ông Văn bảo rất cảm ơn Đảng, Nhà nước, cán bộ Dự án DPPR của huyện, tỉnh đã giúp đỡ để gia đình ông cũng như nhiều gia đình khác trong thôn Cốc Đông có thời cơ thoát khỏi nghèo đói, trở thành các hộ có “miếng ăn, miếng để” cho, con cháu sau này. Ngay trong thôn Cốc Soọc thuộc thị trấn Cốc Pài gia đình ông Vàng Di Xuân cũng cho hay, năm 2009 được sự hỗ trợ của Dự án DPPR huyện Xín Mần gia đình ông được hỗ trợ vay 8 triệu đồng để nuôi bò sinh sản. Từ ngày nhận tiền, mua bò nuôi đến nay gia đình đã được thêm một chú bê con khỏe mạnh. Hỏi chuyện một số hộ gia đình cho biết: Họ đăng ký nhận vốn từ dự án trước khi đi tìm bò nuôi. Khi tìm được bò giống ưng ý, cán bộ dự án đến tận nơi thẩm định giống bò, kiểm tra thú y, xem xét không mắc bệnh dịch về mới suất vốn cho hộ gia đình mua bò. Tất cả các con vật mua về đều được cán bộ đến thẩm tra lại, kiểm tra không có bệnh thì tiến hành bấm lỗ tai, đeo số đánh dấu vật nuôi giao cho chính quyền thôn, xã, cán bộ sở tại bám sát, theo dõi chăn nuôi. Cách làm được bao gọn, có sự phối kết hợp nhịp nhàng giữa các bên, chính quyền, đoàn thể đã tạo cho các hộ tham gia dự án yên tâm chăm sóc, phát hiện bệnh tật, báo cáo kịp thời các bên để cùng xử lý, tránh rủi ro. Qua thực tế một số thôn, xã trong vùng dự án cho thấy: BQL Dự án DPPR Xín Mần đã linh hoạt, trong quá trình triển khai dự án. Trong quá trình triển khai, các bước tiến hành, cách làm chặt chẽ, đồng bộ và có sự giàng buộc trách nhiệm các bên, đã tạo ra hiệu quả thiết thực trong đầu tư xóa nghèo. Tại xã Nấm Dẩn các ông Li Văn Chương, Thèn Văn Tinh, thôn Ngam Lâm cho biết: Đại đa số các hộ nhận tiền hỗ trợ mua trâu nuôi của Dự án DPPR đều mang hiệu quả. Trong số các gia đình nhận trâu nuôi đến nay nhiều gia đình đã có nghé. Họ cho rằng, BQL Dự án DPPR của huyện, xã đã “chọn rất đúng” khi đưa ra các phương án chăn nuôi cho từng vùng, từng khu vực để phát triển và kế thừa kinh nghiệm chăn nuôi truyền thống. Trong đó, vùng đồng bào Mông là đầu tư nuôi bò, dê; vùng đồng bào Tày, Nùng chọn con trâu, đàn lợn. Các anh lãnh đạo trong BQL Dự án DPPR huyện Xín Mần khẳng định: Sử dụng đồng vốn hiệu quả khi biết kết hợp giữa: Kinh nghiệm truyền thống, kết hợp khoa học kỹ thuật và đầu tư đúng chỗ, đúng lúc. Thống kê sơ bộ, sau hơn 1 năm đầu tư 706 triệu đồng cho 73 hộ vay đến nay ngoài gia súc bố mẹ lúc đầu còn có hàng chục con gia súc con được sinh đàn, mang lại cơ hội, vận may, giúp các gia đình vươn lên trong nay mai.
Chọn hướng đầu tư đúng, kết hợp đồng bộ các giải pháp trước, trong, quá trình đầu tư sẽ mang lại hiệu quả thiết thực, đó là cách làm ở BQL DPPR Xín Mần trong những năm qua.
Ý kiến bạn đọc