Cây đậu tương - hướng phát triển kinh tế bền vững của Mèo Vạc
HGĐT- Cây đậu tương là cây công nghiệp có giá trị kinh tế cao, phù hợp với điều kiện khí hậu và thổ nhưỡng ở huyện Mèo Vạc.
Nhằm phát huy mọi tiềm năng đất đai, lao động, đưa cây đậu tương trở thành cây trồng chính sau cây ngô và cây lúa, trong những năm qua, huyện Mèo Vạc đã chỉ đạo các cấp, các ngành tuyên truyền vận động nhân dân tập trung mở rộng diện tích cây đậu tương theo hướng thâm canh tăng năng suất, tạo nguồn hàng hóa quan trọng, góp phần nâng cao thu nhập, xóa đói giảm nghèo cho nhân dân các dân tộc trong huyện.
Trong những năm qua, thực hiện chủ trương của tỉnh về chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, đưa những cây có giá trị kinh tế cao vào sản xuất theo hướng hàng hóa, góp phần tăng thêm thu nhập trên cùng đơn vị diện tích canh tác, trong đó cây đậu tương là một trong những cây trồng phù hợp với điều kiện về thời tiết, khí hậu và thổ nhưỡng trên địa bàn huyện. Do vậy, huyện đã tập trung chỉ đạo mở rộng diện tích, đồng thời phát triển một vụ/năm lên 2 vụ/năm, quy hoạch các vùng tập trung ở một số xã có điều kiện, lựa chọn các loại giống mới có năng suất cao để đưa vào gieo trồng như giống DT84,VX93, DT2000, giống Hoa kiều (Trung Quốc)...Qua thực tế cho thấy từ thu nhập của cây đậu tương đã giúp cho đời sống của một số hộ gia đình được cải thiện. Tuy nhiên còn nhiều hộ gia đình chưa nhận thức đúng đắn về phát triển cây đậu tương, nên đất trồng ngô, lúa 1 vụ có khả năng trồng thêm một vụ đậu tương còn để trống nhiều. Vì vậy hệ số sử dụng đất còn ở mức thấp, mức độ thâm canh còn chưa cao. Trong tập đoàn của cơ cấu cây trồng thì cây ngô vẫn là cây chủ yếu, các cây trồng có giá trị kinh tế cao đã được triển khai nhưng còn mang tính nhỏ lẻ, chưa trở thành hàng hóa, đặc biệt là cây đậu tương...
Thực hiện Nghị quyết của Đảng bộ huyện về việc phát triển diện tích cây đậu tương, BTV Huyện ủy đã xây dựng kế hoạch và tổ chức triển khai học tập nghị quyết cho cán bộ lãnh đạo các cơ quan, đơn vị và cán bộ đảng viên trong toàn huyện, chỉ đạo các ban, ngành, đoàn thể cùng với các xã, thị trấn tổ chức triển khai, tuyên truyền, quán triệt sâu rộng các nội dung nghị quyết đến mọi tầng lớp nhân dân một cách đầy đủ, kịp thời, nhằm làm thay đổi nhận thức của nhân dân về việc đưa cây có giá trị kinh tế cao vào sản xuất, góp phần tăng thu nhập, xóa đói, giảm nghèo cho nhân dân. UBND huyện đã xây dựng chương trình hành động, quy hoạch các vùng phát triển diện tích cây đậu tương, giao cho phòng Nông nghiệp và PTNT, Trạm Khuyến nông, Trạm Bảo vệ thực vật, cán bộ khuyến nông viên cơ sở tổ chức mở các lớp tập huấn chuyển giao KHKT thâm canh cây đậu tương cho nhân dân, để nâng cao nhận thức về vị trí, vai trò, hiệu quả kinh tế của việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, coi việc phát triển diện tích cây đậu tương là một trong những nhiệm vụ chính trị trọng tâm của huyện. Qua quá trình triển khai thực hiện cấp ủy, chính quyền các xã, thị trấn đã có nhận thức đúng đắn về việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, đặc biệt là đưa cây đậu tương giống mới vào sản xuất 2 vụ/năm là một hướng đi đúng đắn, đây là một cây có giá trị kinh tế cao, phù hợp với điều kiện canh tác của huyện, hơn nữa cây đậu tương còn có tác dụng cải tạo tăng độ phì nhiêu của đất, từ đó đề ra biện pháp triển khai phù hợp với tình hình thực tế của địa phương, tuyên truyền vận động nhân dân đẩy mạnh thâm canh giống mới, mở rộng diện tích trồng đậu tương, trồng xen canh, gối vụ đối với các xã núi đá, và núi đất, vùng có diện tích lúa một vụ...tạo điều kiện cho các hộ gia đình vay vốn lãi xuất thấp, hỗ trợ giống đậu tương cho các hộ nghèo, khuyến khích các hộ gia đình chuyển đổi đất trồng ngô và một số cây trồng khác hiệu quả kinh tế thấp sang trồng đậu tương.
Kết quả những năm qua diện tích, năng suất, sản lượng cây đậu tương đã tăng lên rõ rệt. Năm 2005 toàn huyện gieo trồng được 2.329/2.500 ha, năng suất bình quân đạt 6,89 tạ/ha, tổng sản lượng 1.605,7 tấn, thì đến hết năm 2009 đã gieo trồng được 3.077 ha/3.300 ha, năng suất bình quân đạt 7,89tạ/ha, sản lượng đạt 2.428,42 tấn. Nhìn vào kết quả của cây đậu tương cho thấy việc đưa cây đậu tương vào sản xuất thâm canh tăng vụ của huyện là một hướng đi đúng đắn.Từ thu nhập của cây đậu tương hàng trăm hộ gia đình của Mèo Vạc đãthoát nghèo, từ đó đã được nhân dân đồng tình ủng hộ và đưa cây đậu tương vào trồng 2 vụ/năm để thay thế các cây trồng có hiệu quả kinh tế thấp, trồng xen canh, gối vụ, trồng trên chân ruộng một vụ. Điển hình là các xã Sơn Vĩ, Pả Vi, Sủng Trà, Sủng Máng, Lũng Chinh, Lũng Pù và một số xã khác. Số diện tích đậu tương hàng năm đã tăng lên đáng kể, bình quân mỗi năm tăng 188 ha.
Để tiếp tục phát triển cây đậu tương trở thành cây hàng hóa mũi nhọn trong phát triển kinh tế của huyện, năm 2010, huyện đã đề ra các mục tiêu, giải pháp để phát triển, phấn đấu diện tích cây đậu tương toàn huyện đạt 3.500 ha, trong đó vụ Đông - xuân 1.500 ha, vụ Hè thu 2000 ha, năng suất bình quân đạt 9,2 tạ/ha, trong đó vụ Đông xuân 8,0 tạ/ ha, vụ Xuân - hè 10,0 tạ/ ha. Tổng sản lượng cả năm đạt 3.200 tấn, trong đó vụ Đông - xuân đạt 1.200 tấn, vụ Hè - thu đạt 2000 tấn. Để đạt được mục tiêu này, huyện đã đề ra giải pháp cụ thể, trước hết về kỹ thuật, tiếp tục đẩy mạnh thâm canh giống mới, chọn lọc và đưa giống mới có năng suất cao và phù hợp với điều kiện của địa phương để mở rộng diện tích gieo trồng ở các xã, thị trấn như VX93, DT84, DT2000, Hoa Kiều, đảm bảo diện tích đậu tương giống mới đạt từ 70% tổng diện tích gieo trồng trở lên. Vận động nhân dân trồng xen canh gối vụ, tận dụng những diện tích đất trồng những loại cây mầu và cây lương thực cho năng suất thấp để trồng thâm canh cây đậu tương, hướng dẫn cho nhân dân gieo trồng đúng quy trình kỹ thuật và đúng thời vụ...Bên cạnh đó, thực hiện tốt công tác luân chuyển giống đối với các xã, thị trấn, phấn đấu hết năm 2010 lượng giống luân chuyển có thể đáp ứng được cho các hộ nghèo trên địa bàn huyện. Mặt khác, huyện cần có cơ chế chính sách bao tiêu sản phẩm đầu ra, nhằm tổ chức thu mua để tiêu thụ sản phẩm đậu tương cho nhân dân. Góp phần xóa đói giảm nghèo cho nhân dân các dân tộc trong toàn huyện...
Ý kiến bạn đọc