Vị Xuyên đẩy mạnh xây dựng các mô hình chăn nuôi hàng hóa
HGĐT- Thực hiện nghị quyết của Đảng bộ huyện Vị Xuyên về đẩy mạnh phát triển kinh tế, trong những năm qua bằng nhiều chương trình, dự án, Phòng Nông nghiệp huyện Vị Xuyên đã chú trọng xây dựng các mô hình kinh tế trọng tâm. Thông qua đó không chỉ giúp các hộ gia đình tự phát triển kinh tế, xoá đói giảm nghèo, mà còn là điểm sáng cho các hộ gia đình khác đến thăm quan, học tập và làm theo.
Nằm trong vùng trọng điểm của tỉnh với cơ sở hạ tầng được chú trọng đầu tư, trình độ dân trí phát triển, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân trong huyện luôn xác định ngành chăn nuôi hàng hoá là hướng đi mũi nhọn để thúc đẩy kinh tế phát triển. Tổng kết nông nghiệp năm 2009 của huyện chỉ rõ: Đàn gia súc, gia cầm tiếp tục phát triển ổn định, đạt tốc độ tăng trưởng trung bình trên 5,5% so với cùng kỳ năm trước, đưa tổng đàn gia súc của huyện lên trên 102.000 con các loại; đàn gia cầm là trên 430.000 con. Cơ cấu kinh tế nông nghiệp chuyển dần theo hướng giảm tỷ trọng của ngành trồng trọt và tăng dần tỷ trọng của ngành chăn nuôi. Có được kết quả trên, điều đầu tiên phải kể đến là sự cố gắng phấn đấu, vươn lên trong lao động sản xuất của đại bộ phận nông dân trong toàn huyện, cùng với những chủ trương, chính sách kịp thời và hiệu quả của chính quyền địa phương và sự vào cuộc của các ngành có liên quan. Điều này đã được chứng minh bằng chương trình nông nghiệp trọng tâm của huyện với tổng nguồn vốn được giao trên 900 triệu đồng. Phòng Nông nghiệp Vị Xuyên đã phối hợp với các xã, các ngành chú trọng triển khai xây dựng các mô hình điểm về trồng trọt và chăn nuôi. Trong đó các mô hình chăn nuôi lợn, gà, thả cá và nuôi trâu sinh sản là trọng tâm. Để các mô hình điểm triển khai được đồng bộ, không dàn trải, mang lại hiệu quả thiết thực, Phòng Nông nghiệp huyện đã chọn xã Việt Lâm để triển khai các mô hình điểm. Đây là xã có nhiều điều kiện thuận lợi không chỉ giúp dễ dàng trong việc chuyển giao kỹ thuật, quản lý nguồn vốn và giám sát thực hiện mà còn thuận lợi cho nhân dân khi đến thăm quan, học tập. Việc bình chọn các hộ gia đình thực hiện mô hình điểm được huyện xác định trên cơ sở phải là những hộ có hoàn cảnh khó khăn, thiếu vốn sản xuất hoặc những hộ gia đình tiêu biểu có kinh nghiệm thực tế trong phát triển kinh tế.
Đến thăm gia đình anh Lê Văn Phận, thôn Việt Thành (Việt Lâm) khi anh đang dọn dẹp vệ sinh, chăm sóc đàn gà của gia đình. Gia đình anh Phận có 4 nhân khẩu, trong đó 2 người con hiện đang là sinh viên đại học, lao động chính trong gia đình chỉ có 2 vợ chồng. Những năm trước, cuộc sống của gia đình, việc học tập của 2 con chỉ trông vào mấy sào đất trồng rau nên gặp rất nhiều khó khăn, đến đầu năm 2009 được Phòng Nông nghiệp hỗ trợ 25 triệu đồng từ nguồn vốn nông nghiệp trọng tâm, ông đã đầu tư xây dựng khu chuồng trại chăn nuôi gà với diện tích trên 100m2 để nuôi gà sinh sản, gà thịt. Trong quá trình chăn nuôi, ông được các cán bộ Phòng Nông nghiệp huyện xuống tận nơi hướng dẫn kỹ thuật chăn nuôi, cách phòng, chống dịch bệnh, nhờ đó đến nay trong chuồng gà nhà ông trung bình lúc nào cũng có trên 400 con gà các loại, sản lượng mỗi năm đạt trên 1.000kg, doanh thu đạttrên 60 triệu đồng/năm. Cũng như gia đình ông Lê Văn Phận, gia đình anh Nguyễn Văn Toàn, thôn Chang xã Việt Lâm cũng được hỗ trợ vốn từ chương trình nông nghiệp trọng tâm của huyện để chăn nuôi lợn thịt và lợn sinh sản. Có số tiền 25 triệu đồng được hỗ trợ, anh đã vay thêm của Ngân hàng Nông nghiện huyện 100 triệu đồng với mức hỗ trợ lãi suất 100% trong vòng 3 năm, cùng với số vốn hiện có của gia đình, anh đã đầu tư xây dựng hệ thống chuồng chăn nuôi lợn diện tích 200m2. Với sự cần cù, chịu khó học hỏi, biết áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, phòng, chống dịch bệnh tốt nên đàn lợn của gia đình phát triển ổn định, ngày một quy mô, đến nay gia đình anh có trên 200 con lợn các loại. Hàng năm anh cung cấp cho thị trường hàng tấn lợn thịt; cung cấp lợn giống cho các vùng lân cận, đem về thu nhập cho gia đình cả 100 triệu đồng.
Như vậy việc triển khai các mô hình điểm về phát triển kinh tế của huyện Vị Xuyên không chỉ giúp khai thác tối đa các thế mạnh sẵn có trong từng hộ gia đình ở địa phương, mà đây thực sự còn là cơ hội tốt cho các hộ gia đình có hoàn cảnh khó khăn được tiếp cận nguồn vốn, khoahọc kỹ thuật tự vươn lên phát triển kinh tế gia đình, XĐGN bền vững. Qua những mô hình điểm đó còn giúp các địa phương trong, ngoài huyện đến thăm quan, học tập và làm theo.
Những kết quả thiết thực mà các mô hình chăn nuôi của chương trình nông nghiệp trọng tâm huyện Vị Xuyên đem lại cho từng hộ gia đình đã khẳng định đây là hướng đi đúng. Tuy nhiên, do nguồn vốn có hạn nên các hộ gia đình được hưởng lợi còn ít, do đó hơn ai hết những người nông dân mong muốn chính quyền các cấp sẽ tiếp tục có nhiều chính sách ưu đãi để ngày càng có được nhiều hơn những hộ gia đình nghèo vươn lên làm giầu thông qua những mô hình chăn nuôi hàng hoá.
Ý kiến bạn đọc