Thay đổi tập quán sản xuất giúp Mậu Long xóa đói giảm nghèo bền vững

16:46, 26/05/2010

HGĐT- Nằm trên địa bàn huyện vùng cao khó khăn, xã Mậu Long (Yên Minh) đã tìm cho mình hướng đi vững chắc từ nội lực để thúc đẩy phát triển kinh tế, xoá đói giảm nghèo. Đó là việc thay đổi tập quán sản xuất, chăn nuôi tự cung, tự cấp sang sản xuất hàng hoá, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, mùa vụ, tăng năng suất, sản lượng cây trồng, vật nuôi.


Mặc dù là xã vùng cao nhưng Mậu Long lại có những thuận lợi cơ bản trong phát triển kinh tế. Điểm nổi bật nhất đó là diện tích đất của xã chủ yếu là đồi núi đất nên có thể phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp với các loại cây trồng như: Lúa; ngô; lạc; đậu tương, chè. Mặt khác, diện tích đất tự nhiên rộng cũng là điều kiện thuận lợi cho xã phát triển chăn nuôi đại gia súc, gia cầm…Đó là những thế mạnh nếu biết cách khai thác, phát huy sẽ giúp xã có hướng phát triển kinh tế vững chắc. Tuy nhiên, nhiều năm trước, những thế mạnh đó chưa được khai thác triệt để bởi trình độ dân trí nơi đây thấp nên bà con chưa thay đổi được tập quánsản xuất, chăn nuôi tự cung, tự cấp. Sản xuất, chăn nuôi cầm chừng, không có sự đầu tư giống, vốn, kỹ thuật, chưa mở rộng quy mô nên hiệu quả kinh tế trong sản xuất, chăn nuôi còn thấp, cuộc sống của đại bộ phận người trên địa bàn vẫn còn nghèo.


Với quyết tâm phát triển kinh tế, xoá đói giảm nnghèo từ nội lực theo hướng bền vững, Đảng bộ xã xác định được những lợi thế ở địa phương, đồng thời thẳng thắn nhìn nhận những hạn chế dẫn đến nền kinh tế kém phát triển. Từ đó xây dựng phương hướng, giải pháp cụ thể, hợp lý để thúc đẩy kinh tế phát triển. Một trong những yếu tố trọng tâm được xã đặt lên thực hiện hàng đầu đó là phải thay đổi tập quán sản xuất lạc hậu, tự cung, tự cấp sang phát triển kinh tế hàng hoá, có sự đầu tư về giống, vốn, kỹ thuật...


Để thay đổi tập quán canh tác, chăn nuôi cũ đã hằn sâu vào tư tưởng của người dân bao đời nay là việc rất khó, do đó Đảng bộ, chính quyền xã tập trung thực hiện công tác tuyên truyền, vận động bằng nhiều hình thức. Trước hết, ngay từ những ngày đầu năm, khi xác định chỉ tiêu, kế hoạch sản xuất, chăn nuôi, xã tập trung triển khai đến từng thôn, từ đó triển khai đến từng hộ gia đình thông qua các buổi họp thôn. Đồng thời các tổ chức đoàn thể như: Hội Phụ nữ, Đoàn Thanh niên, Hội Nông dân cũng cùng vào cuộc triển khai cho hội viên, đoàn viên của mình. Trong các buổi họp, tuyên truyền mạnh mục đích, ý nghĩa của việc áp dụng các giống cây, giống con mới vào sản xuất, chăn nuôi hay thay đổi cơ cấu giống, mùa vụ để người dân hiểu. Đối với những chương trình mới, giống cây con mới lần đầu áp dụng vào địa phương, xã phát huy vai trò gương mẫu của hộ gia đình cán bộ, đảng viên làm trước để người dân học tập làm theo. Cùng với đó, xã cũng đã triển khai, thực hiện tốt các các mô hình trình diễn giống cây, con mới, mô hình thâm canh giống cây trồng, vật nuôi do các chương trình, dự án như: Dự án DPPR, Chương trình Nông nghiệp trong tâm... đang được triển khai trên địa bàn thực hiện. Qua đó giúp người dân tận mắt thấy hiệu quả của việc thay đổi tập quán sản xuất, từ đó tạo sự chuyển biến về nhận thức.


Nhờ thực hiện mạnh các giải pháp nhằm thay đổi tư duy sản xuất, chăn nuôi lạc hậu nên lĩnh vực sản xuất nông nghiệp của xã đã có sự chuyển biến đáng mừng trong những năm gần đây. Thành công đáng ghi nhận đó là việc thực hiện Chương trình phát triển chăn nuôi quy mô trang trại hộ gia đình theo Nghị quyết của BCH Đảng bộ huyện. Từ năm 2007, huyện Yên Minh triển khai Chương trình phát triển chăn nuôi trang trại theo hình thức huyện hỗ trợ lãi suất cho người dân vay vốn mở rộng quy mô chăn nuôi, đầu tư chuồng trại. Khó khăn ban đầu là tập quán chăn nuôi nhỏ lẻ của người dân vẫn còn, mặt khác các hộ chưa mạnh dạn vay vốn do sợ có sự rủi ro. Xã vận động các hộ gia đình cán bộ, đảng viên đăng ký vay vốn thực hiện trước. Năm đầu triển khai có khoảng 10 hộ thực hiện. Hầu hết các hộ đã thành công, phát triển quy mô chăn nuôi theo hướng hàng hoá, có sự đầu tư từ chuồng trại, con giống, trồng cỏ nên có hiệu quả kinh tế khá. Nhờ những trang trại điển hình đó giúp người dân có nhận thức tiến bộ trong chăn nuôi. Đến năm 2009, toàn xã đã có 39 trang trại chăn nuôi, trong đó có 12 trang trại nuôi bò, 27 trang trại nuôi lợn. Quan trong hơn đó là chăn nuôi ở xã đã dần phát triển theo hướng hàng hoá. Đàn gia súc, gia cầm của xã tăng dần theo từng năm, đến nay xã đã có tổng đàn gia súc gần 6.500 con, đàn gia cầm hàng chục vạn con. Gắn liền với phát triển chăn nuôi, diện tích cỏ ở xã cũng được phát triển với diện tích gần 300 ha. Nét nổi bật nữa đó là việc xã thực hiện chuyển đổi cơ cấu mùa vụ. Toàn xã hiện có 130 ha đất trồng lúa, do điều kiện nước tưới tiêu không thuận lợi nên diện tích đất lúa chỉ trồng 1 vụ mùa, sau đó đồng đất bỏ không trong vụ Đông. Năm 2008, huyện thực hiện chương trình chuyển đổi cơ cấu mùa vụ, đưa cây ngô xuống chân ruộng 1 vụ lúa.Ngay từ năm đầu tiên thực hiện chương trình, xã đã thành công, diện tích ngô trồng dưới chân ruộng 1 vụ lúa của xã đã lên đến gần 80 ha, diện tích đó được duy trì cho đến nay và có thể phát triển trong những năm tới. Việc đưa cây ngô xuống ruộng lúa 1 vụ không chỉ giúp xã tăng tổng diện tích ngô hàng năm lên đến trên 400 ha mà còn tạo việc làm, thu nhập cho người dân, đồng thời đây cũng là yếu tố quan trọng giúp xã triển khai thành công nhiều chương trình chuyển đổi cơ cấu mùa vụ trong sản xuất đến với dân. Diện tích lúa, ngô, đậu tương được trồng bằng giống mới, đầu tư thâm canh ngày một tăng, từ đó nâng cao năng suất, sản lượng lương thực từng năm. Đến năm 2009, tổng sản lượng lương thực toàn xã đạt 1.880 tấn, lương thực bình quân đầu người đạt 380 kg/người/năm. Ngoài ra, diện tích các loại cây công nghiệp như đậu tương, chè và các loại rau đậu cũng tăng, giúp người dân có thêm nguồn thu nhập.


Thay đổi tập quán sản xuất, chăn nuôi thực sự đã giúp xã có bước đi vững chắc trong phát triển kinh tế, xoá đói giảm nghèo. Tỷ lệ hộ nghèo của xã giảm từ 68% năm 2005 xuống còn 37% năm 2009, ở xã hiện không còn hộ phải hỗ trợ lương thực trong các tháng giáp hạt. Việc thay đổi tư duy sản xuất, chăn nuôi sẽ giúp xã tự tin, thành công hơn trong triển khai các mục tiêu, nhiệm vụ, kế hoạch phát triển kinh tế, xoá đói giảm nghèo trong những năm tiếp theo.


KHÁNH TOÀN

Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

Nỗ lực triển khai chương trình trồng cây cao su ở Vị Xuyên
HGĐT- Năm 2009 khép lại với nhiều khó khăn, trong đó phải nói đến vấn đề thời tiết khắc nghiệt và một bộ phận người dân chưa nhận thức đầy đủ về ý nghĩa của chương trình trồng cây cao su. Vì thế, với kế hoạch được giao chuyển đổi 300ha đất tại xã Trung Thành sang trồng cây cao su, huyện Vị Xuyên và xã Trung Thành mới chỉ bàn giao cho Công ty cổ phần Cao su Hà Giang (CP CSHG)
30/04/2010
Thực hiện lồng ghép các chương trình giảm nghèo
HGĐT- Năm 2009 vừa qua, toàn tỉnh có 13.452 hộ thoát nghèo, tỷ lệ hộ nghèo giảm từ 27,64% xuống còn 21,52%. Thông qua các chương trình giảm nghèo, tỉnh ta đã huy động được hàng trăm tỷ đồng từ các doanh nghiệp, tổ chức xã hội để đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng, mở rộng sản xuất, tạo việc làm cho người lao động. Các chương trình giảm nghèo đã góp phần mang lại cuộc sống ổn
28/04/2010
Công ty TNHH Thương mại Hùng Cường: Không ngừng đầu tư, áp dụng công nghệ tiên tiến
HGĐT- “Đầu tư, đổi mới công nghệ tiên tiến vào sản xuất và chế biến chè không ngoài mục đích nhằm đa dạng hoá sản phẩm, nâng cao chất lượng và giá trị hàng hoá, đáp ứng nhu cầu của người của tiêu dùng cũng như xuất khẩu. Chỉ khi sản phẩm chè có chỗ đứng ổn định trên thị trường thì cây chè mới có chỗ đứng, phát triển và đời sống của người trồng chè mới có thể sống bằng chính
25/05/2010
Lấy chăn nuôi gia súc hàng hóa làm hướng kinh tế mũi nhọn
HGĐT- Sau 5 năm thực hiện Nghị quyết phát triển đàn trâu, bò của BCH Đảng bộ Mèo Vạc, kết quả đạt được đã khẳng định: Chăn nuôi đại gia súc hàng hóa đang mở hướng thoát nghèo, từng bước làm giàu cho người dân. Tuy thành quả gặt hái chưa như mong muốn nhưng nó là điểm tựa, đòn bẩy để Mèo Vạc tiếp tục theo đuổi chiến lược phát triển chăn nuôi gia súc hàng hóa.
21/05/2010