Lấy chăn nuôi gia súc hàng hóa làm hướng kinh tế mũi nhọn
HGĐT- Sau 5 năm thực hiện Nghị quyết phát triển đàn trâu, bò của BCH Đảng bộ Mèo Vạc, kết quả đạt được đã khẳng định: Chăn nuôi đại gia súc hàng hóa đang mở hướng thoát nghèo, từng bước làm giàu cho người dân. Tuy thành quả gặt hái chưa như mong muốn nhưng nó là điểm tựa, đòn bẩy để Mèo Vạc tiếp tục theo đuổi chiến lược phát triển chăn nuôi gia súc hàng hóa.
Chợ bò Mèo Vạc.
|
Đã thành thông lệ, cứ vào ngày Chủ nhật hàng tuần, khắp trung tâm huyện Mèo Vạc lại ngập tràn không khí tưng bừng, rộn rã của phiên chợ bò có một không hai trên địa bàn tỉnh. Khắp khu vực chợ trung tâm huyện, cơ man nào là bò. Vào ngày chợ, người dân từ các xã Sủng Trà, Sủng Máng, Lũng Pù, Pả Vi, thị trấn Mèo Vạc...thức dậy khi trời còn mờ hơi sương. Trên các lối mòn xuống chơ, tiếng lục lạc vang động, đánh thức cả vùng núi đang ngủ yên. Những con bò đen bóng, vàng ươm, mình trắm được người dân mang xuống chợ vừa bán, vừa để khoe với thiên hạ tài chăm bò của mình. Có những con bò mộng được thương lái trả giá từ 15-17 triệu đồng. Chợ bò Mèo Vạc không chỉ nổi tiếng trong tỉnh, nó có sức hấp dẫn rất lớn đối với thương lái đến từ các tỉnh Vĩnh Phúc, Hải Dương, Hải Phòng... Mỗi phiên chợ, các thương lái “đánh” 5-7 xe tải trọng lớn, huy động hàng chục người lên gom hàng chở về xuôi. Thông qua các phiên chợ, mỗi năm Mèo Vạc xuất bán ra thị trường khoảng 2.500 con trâu, bò, chưa kể các loại gia súc, gia cầm khác, doanh thu đạt hàng chục tỷ đồng.
Chợ bò Mèo Vạc hình thành từ rất lâu, nhưng nó chỉ thực sự phát triển khi huyện có định hướng đầu tư, phát triển đàn trâu, bò hàng hóa. Chợ bò Mèo Vạc ra đời, hoạt động ổn định đã góp phần làm thay đổi cách nghĩ, cách làm của người dân nơi đây. Không chỉ dừng lại ở việc nuôi bò, mang xuống chợ bán, trên mảnh đất Mèo Vạc đã hình nghề mới-nghề vỗ béo bò và trồng cỏ chăn nuôi. Điều đó khẳng định, tư duy làm ăn thời cơ chế thị trường đã ăn nhập vào cách nghĩ, cách làm của người dân vùng cao và mang lại đổi thay nhanh chóng trong cuộc sống của người dân Mèo Vạc. Trong vòng 5 năm thực hiện chủ trương phát triển đàn trâu, bò, đã có 300 hộ dân trên địa bàn huyện thoát nghèo... Kết quả này khẳng định chủ trương phát triển đàn trâu, bò hàng hóa đã thực sự đi vào cuộc sống, được nhân dân đồng tình hưởng ứng, bước đầu mở ra hướng XĐGN, từng bước làm giàu đối với người dân Mèo Vạc.
Năm 2006, BCH Đảng bộ huyện Mèo Vạc ban hành Nghị quyết phát triển đàn trâu, bò giai đoạn 2006-2010. Mục tiêu đến năm 2010, tổng đàn trâu, bò của huyện có 48 nghìn con, trong đó có 15-20 nghìn con trâu, bò hàng hóa; bình quân mỗi gia đình có từ 4 con trâu, bò trở lên; 1.500 hộ có10 con trâu, bò trở lên; thu nhập từ chăn nuôi chiếm gần 51% tổng giá trị sản xuất ngành nông-lâm nghiệp. Với mục tiêu đó, huyện đề ra các giải pháp: Tiếp tục đầu tư, nâng cấp hạ tầng cơ sở, dịch vụ, phục vụ phát triển chăn nuôi từ khâu chọn giống, cung cấp thức ăn, kỹ thuật chăm sóc, dịch vụ thú ý, mạng lưới chợ buôn bán gia súc; thực hiện tốt chương trình phát triển đàn gia súc gắn với trồng cỏ, tổ chức khảo sát đàn trâu, bò sinh sản; làm tốt công tác quy hoạch, phát triển đàn trâu, bò giống; đẩy mạnh chuyển giao kỹ thuật chăn nuôi trâu, bò sinh sản cho các hộ gia đình; khuyến khích các hộ có điều kiện phát triển đàn trâu, bò giống với quy mô vừa, theo mô hình kinh tế hộ, kinh tế trang trại và HTX. Đồng thời, áp dụng các biện pháp kỹ thuật chọn lọc, bảo tồn giống bò vùng cao Mèo Vạc, từng bước mở rộng quy mô đàn trâu, bò theo hướng sản xuất hàng hóa, đảm bảo cung cấp cho thị trường trong nước; tiếp tục cho vay hỗ trợ lãi suất phát triển đàn trâu, bò sinh sản, trâu bò hàng hóa; phấn đấu 100% hộ gia đình nông dân có ít nhất 1 con bò sinh sản trở lên, mỗi hộ đảng viên khu vực nông thôn có 1 con trâu, bò sinh sản và 2-3 con trâu, bò hàng hóa trở lên; nâng số hộ có 10 con trâu, bò hoặc 30 con dê trở lên từ 500 hộ lên 1.500 hộ vào năm 2010; chuyển đổi diện tích đất nông, lâm nghiệp chưa sử dụng, đất trồng ngô năng suất thấp sang trồng 3.600 ha cỏ vào năm 2010; đẩy mạnh việc thâm canh, tăng năng suất cỏ, tận thu sản phẩm phụ trong nông nghiệp, chế biến, bảo quản, dự trữ, đảm bảo cung cấp đủ thức ăn cho đàn gia súc.
Trên cơ sở đó, Mèo Vạc đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức của cán bộ, đảng viên và nhân dân để nghị quyết thực sự đi vào cuộc sống. Được sự đồng tình, hưởng ứng của mọi tầng lớp nhân dân, tổng đàn trâu, bò hàng năm đã tăng với mức bình quân 5,3%/năm; diện tích trồng mới cỏ từ 2006 đến nay đạt 3.200 ha; đã khảo sát, bình tuyển được 339 con trâu, bò đực giống, 1.241 con trâu, bò cái giống; tổng nguồn vốn giải ngân cho các hộ vay chăn nuôi trâu, bò đạt trên 105 tỷ đồng... Tuy nhiên, sau 5 năm thực hiện, Nghị quyết đã bộc lộ nhiều hạn chế như: Một số chỉ tiêu về tỷ lệ tăng đàn hàng năm, số hộ có 10 con trâu, bò hoặc 30 con dê trở lên, số xuất bán ra ngoài địa bàn đạt thấp. Cụ thể, đến năm 2010 tổng đàn trâu, bò của huyện mới đạt 31.143 con, thấp hơn mục tiêu nghị quyết 16.857 con; số xuất bán ra thị trường bình quân 2.500 con, đạt khoảng 50% chỉ tiêu đặt ra.
Từ kết quả đạt được cũng như những hạn chế trong 5 năm thực hiện Nghị quyết, Mèo Vạc đề ra quyết tâm tiếp tục thực hiện chương trình chăn nuôi trâu, bò hàng hóa. Phấn đấu đến năm 2015, tổng đàn trâu, bò của huyện đạt 40.675 con; mỗi năm xuất bán ra thị trường 2.000-2.500 con trâu, bò; thu nhập từ chăn nuôi gia súc chiếm 55% tổng giá trị ngành nông-lâm nghiệp. Để đạt được mục tiêu trên, huyện đẩy mạnh tuyên truyền, vận động nhân dân trồng cỏ gắn với chăn nuôi gia súc theo hướng hàng hóa, mở rộng quy mô chợ bò nhằm ổn định đầu ra cho nhân dân; đẩy mạnh hoạt động cho vay vốn phát triển chăn nuôi trâu, bò hàng hóa và sinh sản. Phấn đấu đến cuối 2015, toàn huyện có 4.800 ha cỏ chăn nuôi, chuyển dần diện tích trồng cỏ voi năng suất thấp sang trồng cỏ VA06; tập huấn, nâng cao nhận thức cho nhân dân về công tác phòng, chống dịch bệnh trên gia súc...
Ý kiến bạn đọc