Nỗ lực triển khai chương trình trồng cây cao su ở Vị Xuyên

16:18, 30/04/2010

HGĐT- Năm 2009 khép lại với nhiều khó khăn, trong đó phải nói đến vấn đề thời tiết khắc nghiệt và một bộ phận người dân chưa nhận thức đầy đủ về ý nghĩa của chương trình trồng cây cao su. Vì thế, với kế hoạch được giao chuyển đổi 300ha đất tại xã Trung Thành sang trồng cây cao su, huyện Vị Xuyên và xã Trung Thành mới chỉ bàn giao cho Công ty cổ phần Cao su Hà Giang (CP CSHG) 283,88ha.


 
 Chưa đầy 2 năm từ khi trồng đến nay, nhưng cây cao su trồng trên đất Hà Giang đã cho thấy sự phát triển và thích nghi rất tốt

Mục tiêu đề ra không đạt, nhưng với những nỗ lực của cả địa phương và Công ty CPCSHG, đã vượt lên khó khăn để bước đầu triển khai khai hoang, làm đất được 148ha và đã trồng được trên 75ha cây cao su tại thôn Khuẩy Lác.


Thực hiện kế hoạch năm 2010 với chủ trương đẩy mạnh việc trồng cao su bù cho kế hoạch năm 2009, nỗ lực để hoàn thành chương trình trồng cao su mà tỉnh đã đề ra. Trên cơ sở đó, huyện Vị Xuyên đã ra quyết định thành lập các tổ điều tra, rà soát đất trồng cây cao su tại xã Trung Thành, Linh Hồ và Phú Linh. Theo đó, phấn đấu để năm nay, toàn huyện sẽ trồng được khoảng 725ha, trong đó Trung Thành là địa phương sẽ trồng nhiều nhất với 425ha (gồm 225ha bù cho kế hoạch 2009 và 200ha bàn giao đất trồng mới năm 2010), xã Phú Linh trồng 150ha, xã Linh Hồ trồng 150ha.


Với kế hoạch đề ra, nhưng đến nay, việc triển khai chương trình trồng cao su tại một số địa bàn vẫn gặp không ít khó khăn. Theo đánh giá từ phía huyện, mặc dù các cấp, các ngành và địa phương đã và đang triển khai đẩy mạnh công tác tuyên truyền, đại bộ phận nhân dân đã hưởng ứng với chương trình trồng cây cao su của tỉnh, nhưng vẫn còn một bộ phận người dân chưa đồng tình, hoài nghi. Trước tình hình đó, huyện đã thành lập 3 tổ tuyên truyền do các đồng chí trong Ban Thường vụ Huyện uỷ xuống tuyên truyền tại các thôn, bản, thậm chí còn đến trực tiếp nhiều hộ để vận động người dân góp đất trồng cao su. Qua đó, đến nay tại xã Phú Linh và Trung Thành, cơ bản các hộ trong vùng quy hoạch được rà soát đã nhất trí góp đất trồng cao su. Tính đến thời điểm ngày 27.4, xã Trung Thành đã giao được 120ha, xã Phú Linh giao được 51ha. Lãnh đạo huyện cho biết, hiện nay tiến độ bàn giao đất trên các địa bàn Trung Thành, Phú Linh đang được đẩy mạnh, phấn đấu sẽ giao đạt số diện tích theo kế hoạch trồng cao su năm nay.


Hiện nay, cùng với sự nỗ lực của huyện và các địa phương, công tác chi trả tiền hỗ trợ chuyển đổi đất cho các hộ dân góp đất đang được tiến hành. Cùng với sự phối hợp từ phía Công ty CPCSHG, người dân một số địa bàn đang tiến hành tận thu lâm sản trên các diện tích đất đăng ký trồng cao su. Với sự có mặt của Công ty CPCSHG, hiện nay tổ sản xuất cao su Trung Thành hiện đã tuyển dụng được 26 công nhân chính thức, 53 công nhân đang được hợp đồng lao động. Mức thu nhập tối thiểu của một công nhân đạt 1,3 triệu đồng/tháng, bình quân lương tháng đạt 1,7 – 2,2 triệu đồng, có người còn đạt mức 3,5 triệu đồng/tháng.


Có dịp đến thôn Khuẩy Khài, xã Trung Thành, một trong những thôn được đánh giá là tích cực đi đầu trong việc vận động người dân góp đất trồng cao su. Với việc đẩy mạnh tuyên truyền, đại bộ phận người dân nơi đây đã ủng hộ chương trình trồng cao su. Toàn thôn có 7 hộ góp đất trồng cao su với diện tích lên đến trên 30ha. Anh Lù Mí Chương, 30 tuổi, dân tộc Nùng, gia đình anh được coi là một trong những hộ có diện tích rừng lớn nhất của thôn với khoảng trên 10ha. Nhưng đến thời điểm này, anh cũng là người đi đầu ủng hộ và vận động bà con thực hiện chương trình trồng cây cao su của tỉnh. Vì thế, gia đình anh đồng ý góp 7ha đất rừng, trong đó có nhiều diện tích đang trồng keo 3 năm tuổi để trồng cao su. Cùng với gia đình anh Chương, một số gia đình đồng bào Nùng khác cũng rất tích cực tham gia chương trình như gia đình các anh Thèn Vần Sán góp 5,7ha, Lù Sò Phàn góp 3ha… Anh Chương cho biết, dù có thiệt thòi trước mắt với những diện tích keo đã đầu tư mấy năm nay, nhưng thấy chủ trương đúng đắn, người dân cũng đồng tình. Anh cũng bày tỏ mong muốn được tham gia làm công nhân Công ty CP cao su Hà Giang khi chương trình trồng cao su được triển khai đến thôn Khuổi Khài.


Cho dù còn những khó khăn trước mắt trong công tác tuyên truyền, vận động người dân tham gia trồng cây cao su. Nhưng nếu quyết tâm, bằng sự nỗ lực, kiên trì của các cấp, các ngành chức năng và các xã trong vùng quy hoạch trồng cao su của huyện, chắc chắn người dân sẽ hiểu rõ được lợi ích lâu dài và ý nghĩa thiết thực của một chương trình kinh tế lớn mà tỉnh đã đề ra. Cây cao su sẽ trở thành một loại cây quan trọng, làm thay đổi tư duy của người nông dân, đổi mới nông thôn và nâng cao đời sống kinh tế cho người dân trong huyện, đặc biệt là ở những địa bàn có nhiều diện tích đất rừng nghèo kiệt, kém hiệu quả.


Phùng Nguyên

Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

Thực hiện lồng ghép các chương trình giảm nghèo
HGĐT- Năm 2009 vừa qua, toàn tỉnh có 13.452 hộ thoát nghèo, tỷ lệ hộ nghèo giảm từ 27,64% xuống còn 21,52%. Thông qua các chương trình giảm nghèo, tỉnh ta đã huy động được hàng trăm tỷ đồng từ các doanh nghiệp, tổ chức xã hội để đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng, mở rộng sản xuất, tạo việc làm cho người lao động. Các chương trình giảm nghèo đã góp phần mang lại cuộc sống ổn
28/04/2010
Khánh thành Cửa hàng Xăng, dầu Cầu Trì
HGĐT- Lập thành tích kỷ niệm ngày Giải phóng miền Nam 30.4, ngày Quốc tế Lao động 1.5, kỷ niệm ngày sinh Bác Hồ kính yêu và chào mừng Đại hội Đảng các cấp, sáng 28.4, Công ty Xăng dầu Hà Giang đã long trọng tổ chức lễ khánh thành Cửa hàng Xăng dầu cầu Trì (thị trấn Vĩnh Tuy-Bắc Quang).
28/04/2010
Khuyến khích phát triển công nghiệp nông thôn, đôi điều ghi nhận
HGĐT- Với nhiều khó khăn, nhưng để thúc đẩy công nghiệp nông thôn phát triển, tỉnh ta luôn tạo điều kiện thuận lợi về cơ chế, chính sách và nguồn kinh phí cho hoạt động này. Đặc biệt là kể từ khi có chủ trương hỗ trợ và khuyến khích phát triển công nghiệp nông thôn của Chính phủ, được thể hiện qua Nghị định số 134/NĐ-CP, ngày 9.6.2004, CN, TTCN của tỉnh ta đã có nhiều cơ hội
26/04/2010
Quang Bình chú trọng phát triển nuôi trồng thủy sản
HGĐT- Là huyện vùng thấp, Quang Bình không chỉ có thế mạnh về trồng chọt, chăn nuôi gia súc, gia cầm... mà Quang Bình còn là một trong những huyện có tiềm năng, thế mạnh về nuôi trồng thủy sản (NTTS). Việc đầu tư NTTS trong của người dân trong những năm qua đã và đang góp phần đưa giá trị tăng trưởng trong sản xuất nông nghiệp cũng như trong chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông
26/04/2010