Khuyến khích phát triển công nghiệp nông thôn, đôi điều ghi nhận
HGĐT- Với nhiều khó khăn, nhưng để thúc đẩy công nghiệp nông thôn phát triển, tỉnh ta luôn tạo điều kiện thuận lợi về cơ chế, chính sách và nguồn kinh phí cho hoạt động này. Đặc biệt là kể từ khi có chủ trương hỗ trợ và khuyến khích phát triển công nghiệp nông thôn của Chính phủ, được thể hiện qua Nghị định số 134/NĐ-CP, ngày 9.6.2004, CN, TTCN của tỉnh ta đã có nhiều cơ hội để vươn lên.
Sản xuất ngói máng ở Na Khê (Yên Minh). |
Nhiều cơ sở sản xuất (CSSX), doanh nghiệp, HTX đã được hình thành và phát triển. Giá trị sản xuất công nghiệp năm sau cao hơn năm trước. Theo thống kê, nếu như năm 2005, giá trị sản xuất công nghiệp của tỉnh chỉ đạt 241,7 tỷ đồng thì đến năm 2009, giá trị này đạt 813,36 tỷ đồng. Số lao động trong lĩnh vực công nghiệp tăng từ 9.294 người năm 2005 lên 12.150 người năm 2009…
Từ sự hỗ trợ của nguồn khuyến công, giúp nhiều đơn vị vượt lên khó khăn. Năm 2008, HTX Hiếu Thành (Bắc Quang) chuyên sản xuất tăm hương xuất khẩu được hỗ trợ 30 triệu đồng để mua máy chẻ tăm. Với lợi thế nguồn nguyên liệu, tìm được đầu ra, đến nay HTX này đã tạo việc làm cho 40 lao động, bình quân đạt 1,5 triệu đồng/người/tháng. Cũng giống như HTX Hiếu Thành, HTX Đại Lộc (Vị Xuyên) chuyên sản xuất vật liệu xây dựng, HTX Trúc Thanh (Quang Bình) chuyên sản xuất, cung ứng con giống nông nghiệp và nhiều đơn vị SXKD khác đã nhận được sự hỗ trợ hàng chục triệu đồng để mua máy móc, thiết bị, chuyển giao kỹ thuật từ nguồn hoạt động khuyến công… Từ đó, giúp cho các đơn vị nhanh chóng sản xuất ổn định, mang lại nhiều lợi ích như giải quyết việc làm cho hàng chục lao động nông thôn, có những đơn vị, người lao động có thu nhập từ 2 – 2,5 triệu đồng như HTX Đại Lộc…
Những kết quả trên cho thấy sự quan tâm của Trung ương và tỉnh, tạo điều kiện hỗ trợ phát triển CN, TTCN nông thôn. Riêng về phía tỉnh, đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách ưu đãi nhằm khuyến khích mọi thành phần kinh tế tham gia vào lĩnh vực công nghiệp, bố trí hợp lí nguồn kinh phí cho hoạt động khuyến công và đăng ký kế hoạch khuyến công Quốc gia với Bộ Công Thương. Từ năm 2005 – 2009, tổng kinh phí cho hoạt động khuyến công của tỉnh là trên 4.921 triệu đồng, hỗ trợ cho 90 đề án. Trong đó, khuyến công địa phương hỗ trợ 73 đề án với số kinh phí trên 3.959 triệu đồng, chiếm 80,5%; kinh phí khuyến công Quốc gia hỗ trợ 17 đề án với 962 triệu đồng, chiếm 19,5%. Hoạt động hỗ trợ tập trung vào các lĩnh vực phát triển sản xuất nông – lâm sản, vật liệu xây dựng, gia công cơ khí, khôi phục một số ngành nghề truyền thống, giúp nhiều CSSX có điều kiện tiếp xúc với những công nghệ mới; hỗ trợ đào tạo nghề, truyền nghề và phát triển nghề. Tạo điều kiện cho không ít tổ chức, cá nhân trên địa bàn mạnh dạn chuyển hướng đầu tư vào sản xuất công nghiệp.
Từ sự hỗ trợ về kinh phí, kỹ thuật và các cơ chế thuận lợi, đã mang lại hiệu quả đáng kể về KT – XH và lợi ích cho người lao động, phát huy được lợi thế vùng nguyên liệu sẵn có. Để từng bước xóa bỏ vùng trắng về công nghiệp, đã có 65 đơn vị được hỗ trợ về thiết bị, công nghệ mới. Nhiều đơn vị trong số đó đã có được những sản phẩm có thương hiệu trên thị trường trong và ngoài tỉnh như chè Hùng Cường, Thuận An; mật ong bạc hà Mèo Vạc; rượu truyền thống Xuân Giang, Ngọc Minh… Khắc phục những khó khăn về trình độ quản lí, lao động, hoạt động khuyến công đã tích cực hỗ trợ phát triển nguồn lực lao động, qua đó đã đào tạo nghề cho 1.890 lao động. Hỗ trợ nâng cao trình độ tay nghề và năng lực quản lí cho công nhân cũng như chủ các CSSX.
Hàng năm, Trung tâm Khuyến công – Xúc tiến công thương tỉnh đã lựa chọn những địa điểm, mô hình phát triển làng nghề, những đơn vị SXKD hiệu quả tại một số tỉnh vùng xuôi như Hà Tây, Hà Nam, Nam Định… để tổ chức cho các HTX, doanh nghiệp của địa phương tham gia học tập kinh nghiệm. Từ đó, giúp cho các đơn vị tiếp thu cách thức sản xuất từ các tỉnh bạn về áp dụng vào thực tế hoạt động sản xuất của đơn vị mình, nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh của sản phẩm, công tác khuyến công đã hỗ trợ cho 8 đơn vị thực hiện nội dung đăng ký thương hiệu, thiết kế lô - gô, bao bì, nhãn mác sản phẩm, tiêu biểu như rượu Thiên Hương, Nàng Đôn và một số sản phẩm như gạo, thực phẩm…
Có thể nói, hoạt động khuyến công đã tích cực tham gia thúc đẩy sự phát triển CN, TTCN của tỉnh. Với nhiều khó khăn về nguồn vốn, về đối tượng lựa chọn hỗ trợ, nhưng bước đầu, sự hỗ trợ đã tìm được các đối tượng là các đơn vị có vốn SXKD bình quân từ 500 triệu đến 1,5 tỷ đồng với doanh thu bình quân đạt từ 150 – 300 triệu đồng/đơn vị/năm. Mỗi CSSX có thể giải quyết việc làm cho từ 15 – 30 lao động. Đây là một sự đầu tư hợp lí, phù hợp với điều kiện thực tế của tỉnh, đồng thời khuyến khích các đơn vị tham gia giải quyết việc làm cho lao động, đặc biệt là khu vực nông thôn. Từ đó, phát huy được lợi thế vùng nguyên liệu, giải quyết việc làm cho hàng ngàn lao động nông thôn, góp phần XĐGN, làm thay đổi bộ mặt nông thôn. Đồng thời, mở ra nhiều cơ hội cho các CSSX công nghiệp nâng cao năng lực SXKD, năng lực cạnh tranh, tìm kiếm thị trường, liên doanh, liên kết sản xuất trong và ngoài nước.
Tuy nhiên, cũng phải thấy rằng, trong hoạt động khuyến công, việc hỗ trợ cho đào tạo nhân lực chủ yếu là lao động phổ thông. Các đề án xin hỗ trợ về máy móc thiết bị đa phần có quy mô nhỏ; trình độ năng lực của các chủ CSSX còn hạn chế, cùng với nhiều yếu tố khác đã dẫn đến những kết quả đạt được chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế. Một số lĩnh vực sản xuất TTCN còn phát triển kém bền vững, tốc độ tăng trưởng chưa cao, sức cạnh tranh hạn chế. Các hình thức tổ chức sản xuất chậm đổi mới. Để có thể thúc đẩy phát triển công nghiệp nông thôn, thời gian tới, tỉnh luôn quan tâm, chú trọng đến công tác khuyến công hỗ trợ các thành phần kinh tế phát triển, góp phần chuyển đổi cơ cấu sản xuất, tăng thu nhập cho người nông dân. Nhưng để hỗ trợ kịp thời, đảm bảo hiệu quả, thúc đẩy phát triển CN-TTCN nông thôn, các ngành chức năng, các địa phương cần tiếp tục đẩy mạnh quan tâm đến công tác khuyến công. Chú trọng đào tạo nhân lực, lựa chọn đầu tư những đề án có tầm ảnh hưởng và có vai trò hạt nhân để thúc đẩy phát triển…
Ý kiến bạn đọc