Tăng cường chống hạn, chăm sóc cây trồng vụ Xuân ở Quang Bình
HGĐT- Đến thời điểm hiện tại, hạn hán đã ảnh hưởng khá nặng nề đến sản xuất nông, lâm nghiệp ở Quang Bình. Theo số liệu thống kê chưa đầy đủ, hiện toàn huyện đã có 10% diện tích lúa bị khô hạn, tương đương gần 200 ha.
Diện tích ngô, đậu, lạc bị ảnh hưởng nghiêm trọng khó có thể khắc phục được là 50%, tương đương gần 600 ha lạc, 700 ha ngô và 175 ha đậu tương. Ngoài ra, khô hạn còn làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến tiến độ trồng rừng, thâm canh, chăm bón chè Xuân và các loại rau màu khác..., khô hạn còn tác động không nhỏ đến đời sống sinh hoạt (nước) cho đồng bào. Theo nhận định, thời tiết còn diễn biến phức tạp, có thể hạn hán cục bộ ở một số nơi...
Giải pháp trước mắt, Đảng bộ, chính quyền huyện chỉ đạo: “Tiết kiệm tối đa chi tiêu để dành ngân sách tập trung chống hạn cứu các loại cây trồng, nhất là lúa Xuân”. Đến Quang Bình hiện nay có thể ghi nhận là tất cả các cấp, ngành, các đồng chí lãnh đạo thuộc thường trực 3 bên đều về cơ sở bám nắm tình hình, cùng toàn dân chống hạn. Các địa phương vùng trọng điểm lúa đã đồng loạt lập các trạm bơm dã chiến để cơ động bơm nước ở hồ ao, sông suối lên đồng tưới lúa. Các thôn bản, xóm, xã gần như toàn bộ bà con đều đổ ra đồng. Các xã trích kinh phí dự phòng cùng tiết kiệm cho ngân sách để mua dầu, vật tư trang thiết bị phục vụ việc lắp đặt bơm tưới. Nơi có nước bơm lên, xã, thôn bản tập trung bà con chuẩn bị đủ phân bón, thực hiện “tưới tràn” qua gốc đồng loạt để bón phân chăm sóc, tạo điều kiện cho cây lúa đẻ nhánh. Thực hiện tưới nhanh, tưới luân phiên đủ để đảm bảo quá trình sinh trưởng ở từng kỳ cho lúa phát triển. Qua ghi nhận, thời điểm hiện tại ở 9/15 xã vùng trọng điểm của huyện gần như toàn bộ diện tích lúa đều đã được cấy hoàn chỉnh theo kế hoạch và chăm sóc kịp thời nên ít ảnh hưởng. Các xã vùng trọng điểm ngoài tiết kiệm chi ngân sách, cắt bỏ chi tiêu công và huy động sự tham gia đóng góp của bà con, các thành phần kinh tế để dành kinh phí tưới tiêu, quyết tâm không để hạn hán làm thiệt hại trên diện tích đã trồng cấy. Bí thư Huyện ủy Quang Bình Nguyễn Văn Tuệ cho biết: Huyện sẽ kêu gọi thêm các nguồn tài trợ bên ngoài để cùng ngân sách cơ sở, ngân sách huyện tập chung chống hạn. Đến nay, gần như toàn bộ diện tích lúa xuân (trừ gần 200 ha hạn nghiêm trọng) đều đã được làm cỏ, chăm bón đợt 1, một số đã được chăm bón đợt 2. Như vậy, về cơ bản diện tích lúa Xuân của Quang Bình (đến thời điểm này) đều phát triển tốt. Tuy nhiên, dự báo thời tiết có thể hanh khô kéo dài đến trung tuần tháng 4 mới có mưa, nên việc chủ động chống hạn, sâu bệnh vẫn là nhiệm vụ trọng tâm của Đảng bộ, chính quyền các cấp.
Số diện tích ngô, đậu, lạc hiện đang bị hạn nặng đang đặt ra vấn đề cần cân nhắc trước khi đi đến kết luận hủy bỏ. Theo quan sát thực tế, thời tiết khí hậu hiện nay ngày nắng nóng, gió hanh khô, đêm trời quang, nhiều sao, rét buốt về khuya và sáng sớm có sương muối, rất bất lợi cho cây trồng, gây bốc hơi, mất nước nhanh. Do vậy, cần có các giải pháp lâu dài, kêu gọi nguồn kinh phí dự phòng để lúc nào cũng có thể chủ động chống hạn hoặc hỗ trợ giống, phân bón khi đồng bào gặp khó khăn do bắt buộc chuyển hướng sản xuất.
Đi đôi với giải pháp chống hạn, chăm bón, hiện nhân dân các xã, ở một số nơi cũng đã phát hiện kịp thời sâu bệnh, chủ động phòng trừ, không để lây lan. Thời tiết biến đổi và khô hạn, ngoài chống hạn cứu lúa, chăm bón rau màu, các địa phương còn đề ra nhiều biện pháp, giải pháp phòng chống cháy rừng, cháy nhà. Nhiều xã có rừng phòng hộ đã chủ động vận động đồng bào không đốt nương rẫy lúc này. Đồng thời, tổ chức lực lượng canh phòng rừng, phát băng cản lửa để phòng cháy đang là những việc “cần làm ngay” và hiện đang được đồng bào triển khai sâu, rộng từ tất cảthôn bản, xóm xã.
Ý kiến bạn đọc