Hỗ trợ phát triển chăn nuôi ở những xã khó khăn
HGĐT- Mèo Vạc là một trong 6 huyện nghèo nhất của tỉnh, vì thế, những năm qua Dự án DPPR đã triển khai nhiều chương trình hỗ trợ phát triển KT - XH cho người dân nơi đây. Một trong những chương trình đã và đang đem lại hiệu quả là việc hỗ trợ người dân phát triển chăn nuôi.
Với nhiều mô hình hỗ trợ, chương trình này đã từng bước giúp cho người dân thay đổi tư duy, nhận thức có thêm điều kiện để phát triển kinh tế, góp phần xoá đói, giảm nghèo.
Nắm bắt được thực tế, tập quán và truyền thống sản xuất của người dân, từ năm 2007 đến nay, Dự án DPPR huyện đã hỗ trợ cho hàng trăm hộ vay vốn phát triển chăn nuôi bò, lợn sinh sản với 211 con bò và 38 con lợn nái; hỗ trợ người dân 150 đàn ong nuôi lấy mật. Theo đánh giá của các địa phương được triển khai Dự án, nhìn chung các mô hình do Dự án hỗ trợ đều cho lợi nhuận cao, lợn sinh sản từ 4 – 5 lứa, bò sinh sản từ 2 – 3 lứa. Trung bình các hộ nuôi bò thu lợi nhuận sau hơn 2 năm từ 10 – 13 triệu đồng, các hộ nuôi lợn nái thu lãi trung bình từ 10 – 14 triệu đồng.
Theo chân các cán bộ Dự án đến các địa bàn, chúng tôi được chứng kiến nhiều mô hình phát triển chăn nuôi khá từ sự hỗ trợ của Dự án, điển hình như hộ ông Phàn Văn Sơn, dân tộc Dao ở xóm Khuổi Luông, xã Niêm Sơn, với nguồn vốn vay ban đầu của Dự án là 5 triệu đồng từ năm 2007, gia đình đã mua được 1 cặp bò mẹ con, đến nay đã sinh sản thêm được 2 con bê và hiện đang chuẩn bị có lứa thứ 3. Những con bò được nuôi dưỡng, chăm sóc đúng kĩ thuật nên sinh sản, phát triển tốt, hứa hẹn sẽ mang lại khoản thu nhập khá lớn cho hộ ông Sơn. Hay như hộ ông Thào Mí Nô, xóm Làn Chải xã Cán chu Phìn, chỉ có 1,5 triệu vốn vay ban đầu, gia đình ông đã mua lợn sinh sản, đến nay lợn đã đẻ được 5 lứa, thu được 16 triệu đồng. Thấy được hiệu quả từ việc nuôi lợn nái sinh sản, từ cuối năm 2006 đến nay, nhiều hộ đã đăng ký vay vốn mua 38 con lợn nái sinh sản và mua tăng thêm được 204 con lợn nái bằng nguồn vốn tự có của các hộ nông dân.
Thời gian qua, mô hình cải tạo giống bò (Thiến bò bằng kìm bấm chuyên dụng không chảy máu) do Dự án triển khai đã đạt được thành công ban đầu, giúp nhân dân nhận thức được lợi ích từ việc cải tạo, phục tráng đàn bò địa phương và nhiệt tình tham gia. Đến nay, đã thiến được 147 con bò đực còi cọc, chọn được 2 bò đực giống và phối giống thành công 20 con bò cái, hiện tại đã cho ra đời 13 con bê khoẻ mạnh và có vóc dáng to cao. Ngoài ra, huyện Mèo Vạc đang mở rộng việc thiến bò, trâu còi hoặc già cần thải loại để vỗ béo bán thịt. Dự án còn hỗ trợ kinh phí cho việc cải tạo giống lợn tại xóm Phú Mỳ, xã Tả Lủng với 4 hộ được chọn làm mô hình đã mua lợn đực giống từ tháng 8.2008, đến nay mô hình này đang phát huy hiệu quả.
Thông qua việc mở các lớp đào tạo nghiệp vụ thú y, kỹ thuật chăm sóc vật nuôi, Dự án đã giúp cho nhiều cán bộ thú y và hàng trăm hộ tại các xã thuộc vùng Dự án đã được tập huấn, nâng cao kỹ năng, nhận thức về phát triển chăn nuôi. Đã có 1.515 hộ dân, đặc biệt với đa phần là hộ nghèo đã được Dự án hỗ trợ 15.150m bạt phục vụ cho việc chống rét cho gia súc. Các xã và các cán bộ thú y thôn cũng đã được cấp phát, hỗ trợ 69 tủ thuốc thú y, 97 hộp thuốc bảo ôn đựng vác xin, 27 kìm chuyên dụng để thiến trâu, bò thải loại; hoàn thiện, bàn giao đưa vào sử dụng 2 mô hình bioga cho 2 hộ gia đình tại xã Nậm Ban. Hoạt động vốn thuốc quay vòng tại 60 thôn và tủ thuốc thú y tại xã Dự án nhìn chung phát huy được hiệu quả. Vốn thuốc được quay vòng đều đặn, cơ số thuốc được đảm bảo thường xuyên các loại thuốc thú y thông dụng để phục vụ cho việc phòng và trị các loại bệnh thông thường của gia súc, đáp ứng được nhu cầu của người chăn nuôi, nhất là người dân ở các xóm xa trung tâm xã và huyện.
Phong trào phát triển chăn nuôi của Mèo Vạc đã và đang được nhân rộng. Với một địa bàn còn gặp rất nhiều khó khăn như Mèo Vạc thì sự hỗ trợ của Dự án DPPR để phát triển chăn nuôisẽ từng bước nâng cao nhận thức, kiến thức, nguồn vốn cho người dân tạo đà cho sự phát triển đàn gia súc nói riêng và phát triển sản xuất nói chung đem lại một cuộc sống ấm no hạnh phúc trong tương lai.
Ý kiến bạn đọc