Vươn mình ra “biển lớn”
HGĐT - Ngày 21.12.2009, Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội đã chấp thuận cho niêm yết và đưa 6 triệu cổ phiếu phổ thông của Công ty Cổ phần Cơ khí và Khoáng sản Hà Giang vào giao dịch. Đây là sự kiện quan trọng, khẳng định thành công và đánh dấu bước phát triển mới của Công ty trong thương trường thời hội nhập.
Cuối tháng 12.2009, tiếng cồng của sàn giao dịch chứng khoán Hà Nội lại vang lên, chính thức ghi dấu sự tham gia của Công ty Cổ phần Cơ khí và Khoáng sản Hà Giang. Đây là sự kiện quan trọng, khẳng định doanh nghiệp đủ mạnh, đủ tầm để vững bước trong quá trình hội nhập. Tính đến thời điểm hiện nay, tỉnh ta có hơn 700 doanh nghiệp nhưng mới chỉ có hai doanh nghiệp được tham gia niêm yết và có cổ phiếu giao dịch trên sàn chứng khoán. Công ty Cổ phần Cơ khí và Khoáng sản Hà Giang tiền thân là doanh nghiệp Nhà nước, năm 2006 chuyển hình thức hoạt động từ doanh nghiệp Nhà nước sang cổ phần hoá với ngành nghề chính thăm dò, chế biến khoáng sản. Sau nhiều năm gây dựng, Công ty có hai cơ sở sản xuất quan trọng gồm Nhà máy Ăng-ti-mon Mậu Duệ (Yên Minh) công suất 1 nghìn tấn/năm và Nhà máy tuyển quặng Chì - kẽm Minh Sơn (Bắc Mê) công suất tuyển 300 tấn quặng/ngày. Như vậy cho tới thời điểm này, trên hai sàn niêm yết Hà Nội và TP Hồ Chí Minh, cả nước có 6 doanh nghiệp thuộc lĩnh vực khai khoáng niêm yết cổ phiếu gồm: Khoáng sản Hà Giang, Bắc Kạn, Bình Định, Hà Nam, Quảng Nam và khoáng sản Mangan (MMC).
Ngay khi chuyển sang cổ phần hoá, Công ty Cổ phần Cơ khí và Khoáng sản Hà Giang đặt quyết tâm trong thời gian ngắn phải tạo dựng được uy tín, thương hiệu trên thị trường. Nhưng những ngày đầu tập tễnh với phương thước làm ăn mới cũng gặp rất nhiều khó khăn. Giai đoạn đầu của quá trình cổ phần hoá là thời điểm cam go nhất, nhiều cán bộ, kỹ sư có tay nghề nghỉ chế độ, chuyển ra ngoài làm việc cho các doanh nghiệp khoáng sản khác. Thiếu vốn, thiết bị và đặc biệt là đội ngũ cán bộ có tay nghề luôn là áp lực đè nặng lên đôi vai những người lãnh đạo Công ty. Nhưng trong khó khăn đó, càng khẳng định được ý chí, quyết tâm chèo lái con thuyền vượt qua gian nguy. Giải pháp được đưa ra là phải tập trung trí tuệ, đầu tư máy móc, tạo ra sản phẩm có hàm lượng chất xám cao. Như vậy, mới khẳng định được vai trò, vị thế của Công ty trong lĩnh vực khoáng sản. Và những hàm lượng chất xám kết tinh trong sản phẩm quặng ăng-ti-mon A-H đã minh chứng cho điều đó. Sản phẩm ăng-ti-mon kim loại của Công ty Cổ phần Cơ khí khoáng sản mang thương hiệu A-H luôn đứng số 1 trên toàn quốc, 100% sản phẩm làm ra xuất khẩu cho các nước có nền công nghiệp cao. Đây là minh chứng sinh động, chứng minh sự làm ăn bài bản, chuyên nghiệp của Công ty.
Ngày giao dịch đầu tiên trên sàn chứng khoán, cổ phiếu của Công ty Cổ phần Cơ khí và Khoáng sản Hà Giang (HGM) đã thu hút sự quan tâm của nhiều nhà đầu tư, mức giá giao dịch bình quân đạt 68 nghìn đồng/cổ phiếu, cao gấp gần 7 lần mệnh giá ban đầu. Tham gia vào sàn giao dịch chứng khoán sẽ có rất nhiều thuận lợi trong việc tiếp cận kênh huy động vốn dài hạn. Khi tham gia niêm yết cổ phiếu trên thị trường Chứng khoán, doanh nghiệp có thể huy động vốn nhanh chóng, thuận tiện, dễ dàng từ việc phát hành cổ phiếu dựa trên tính thanh khoản cao và uy tín của doanh nghiệp được niêm yết trên thị trường. Huy động theo cách này, doanh nghiệp không phải thanh toán lãi vay cũng như trả vốn gốc. Từ đó sẽ rất chủ động trong việc sử dụng nguồn vốn huy động được cho mục tiêu, chiến lược dài hạn của mình. Mặt khác, tham gia niêm yết cổ phiếu trên thị trường chứng khoán sẽ khuyếch trương uy tín của doanh nghiệp. Bởi lẽ để được niêm yết chứng khoán, doanh nghiệp phải đáp ứng được những điều kiện chặt chẽ về mặt tài chính, hiệu quả sản xuất kinh doanh cũng như cơ cấu tổ chức... Do đó, những công ty được niêm yết trên thị trường thường là những công ty có hoạt động sản xuất kinh doanh tốt. Niêm yết cổ phiếu trên thị trường chứng khoán cũng tạo tính thanh khoản cho cổ phiếu của doanh nghiệp. Các cổ đông của doanh nghiệp dễ dàng chuyển nhượng cổ phiếu đang nắm giữ, qua đó tăng tính hấp dẫn của cổ phiếu. Đồng thờigóp phần làm gia tăng giá trị thị trường của doanh nghiệp. Xét về dài hạn, giá cổ phiếu của doanh nghiệp niêm yết đều tăng so với mức giá tại thời điểm trước khi niêm yết.
Việc lên sàn giao dịch Chứng khoán Hà Nội đã mở ra cơ hội phát triển sản xuất, kinh doanh của Công ty Cổ phần Cơ khí và Khoáng sản Hà Giang, tạo tiền đề để Công ty cổ phần cơ khí và khai thác khoáng sản Hà Giang vững bước trên con đường hội nhập và phát triển.
Ý kiến bạn đọc