Phát triển đậu tương - Những kết quả đáng ghi nhận
HGĐT - Nghị quyết đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIV đã đề ra mục tiêu, nhiệm vụ chủ yếu để phát triển sản xuất cây đậu tương “Đến năm 2010 tổng diện tích đậu tương toàn tỉnh đạt 20.000ha, năng suất bình quân đạt 14 tạ/ha, sản lượng đạt trên 2,6 vạn tấn..”
Để thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XIV Đảng bộ tỉnh đề ra, từ năm 2005 đến nay, ngành Nông nghiệp và PTNT đã phối hợp với các huyện, thị xã xây dựng kế hoạch phát triển cây đậu tương giai đoạn 2006-2010 với mục tiêu tăng diện tích,năng suất, sản lượng, nâng cao hiệu quả kinh tế, tăng thu nhập góp phần đẩy nhanh công cuộc XĐGN, cải thiện đời sống cho người nông dân.
Sở Nông nghiệp và PTNT đã tập trung chỉ đạo, khuyến cáo, hướng dẫn các huyện sử dụng các giống có tiềm năng năng suất và tính chống chịu khá như: Giống DT84, DT90, VX93 chiếm 80% diện tích tại các huyện Hoàng Su Phì, Xín Mần và Mèo Vạc, bên cạnh đó tỉnh đã khảo nghiệm một số giống DT92, DT95 ,DT96, AK03, AK05, AK06. Qua kết quả khảo nghiệm cho thấy các giống đậu tương nêu trên đã sinh trưởng phát triển tốt trên đất Hà Giang nên có thể nhân ra diện rộng nhằm đa dạng hóa cơ cấu giống đậu tương của tỉnh. Đến nay một số địa phương có diện tích gieo trồng bằng giống mới chiếm tỷ lệ cao như Hoàng Su Phì, Xín Mần, Yên Minh, Bắc Mê với tỷ lệ đạt 80 - 90% tổng diện tích gieo trồng đậu tương.
Việc đưa các giống mới vào gieo trồng là bước đột phá để nâng cao sản lượng cũng như chất lượng sản phẩm cây đậu tương. Hiện nay tỉnh ta đã đưa vào khảo nghiệm một số giống đậu tương mới và đã chọn được một số giống đậu tương đưa vào sản xuất như: DT84, DT90, DT96, VX93, DT12… các giống này đều có thời gian sinh trưởng ngắn và năng suất cao, phù hợp với điều kiện của địa phương, trồng được cả 2 vụ sản xuất/năm. Sản phẩm cây đậu tương được thị trường ưa chuộng vì có giá trị kinh tế cao, tính năng sử dụng đa dạng nên được tiêu thụ dễ dàng.
Tỉnh đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách nhằm hỗ trợ cho bà con nông dân phát triển sản xuất, khuyến khích các thành phần kinh tế chế biến, tiêu thụ sản phẩm đậu tương nhằm phát triển sản xuất chế biến nông, lâm sản và phát triển cây đậu tương theo hướng sản xuất hàng hoá.
Từ năm 2006 đến nay, diện tích đậu tương hàng năm của tỉnh đều tăng nhanh và vượt chỉ tiêu kế hoạch giao hàng năm. Cụ thể: Năm 2006 toàn tỉnh gieo trồng đạt 15.893,6 ha, thì đến năm 2009 gieo trồng đạt 21.224,5 ha, tăng 1.358,1 ha so với năm 2008 (vượt chỉ tiêu Nghị quyết đề ra 1.224,5 ha và tăng 5.513 ha so với năm 2005). Diện tích đậu tương tăng nhanh qua hàng năm là do nhu cầu thị trường lớn, nguồn hạt đậu tương cung cấp không đủ do phát triển công nghệ chế biến ở đậu tương ở một số trung tâm, thành phố lớn. ở tỉnh ta, ngoài các vùng đậu tương truyền thống như: Hoàng Su Phì, Xín Mần. Các huyện khác cũng đã chú trọng phát triển cây đậu tương như huyện Yên Minh, Bắc Mê, Mèo Vạc.
Đặc biệt, cấp ủy, chính quyền các cấp đã thực sự chú trọng đến việc đầu tư thâm canh, đồng thời tỉnh đã có những chính sách hỗ trợ đầu tư thâm canh, cho vay vốn và đặc biệt là đầu tư phân bón nên năng suất cây đậu tương năm sau tăng cao hơn năm trước.Năng suất đậu tương bình quân toàn tỉnh năm 2006 đạt 8,9tạ/ha thì đến năm 2009 đạt 11,2tạ/ha, tăng 2,3tạ/ha so với năm 2006. Huyện Hoàng Su Phì là huyện luôn dẫn đầu đạt năng suất đậu tương cao nhất tỉnh. Năm 2009 năng suất đậu tương của Hoàng Su Phì đạt 13,3 tạ/ha. Sản lượng đậu tương của tỉnh cũng không ngừng tăng, năm 2006 đạt 14.115,7tấn thì đến năm 2009 là 23.692,4 tấn, tăng 2.793 tấn so với năm 2008 và so sánh với năm 2005 sản lượng đã tăng là 8.998,6 tấn (đạt 92% chỉ tiêu Nghị quyết XIV đề ra).
Theo Tiến sỹ Nguyễn Văn Bào, Giám đốc Sở Nông nghiệp-PTNT: Diện tích đậu tương của tỉnh từ năm 2006 đến nay tăng nhanh, hàng năm đều vượt chỉ tiêu kế hoạch giao. Tính đến hết năm 2008 cơ bản đã đạt được chỉ tiêu diện tích Nghị quyết BCH Đảng bộ tỉnh đề ra đến 2010. Tỉnh ta đã hình thành được các vùng đậu tương tập trung tại các huyện có diện tích ruộng 1 vụ lớn và có khả năng mở rộng diện tích. Tuy nhiên năng suất và sản lượng còn đạt thấp so với mục tiêu Nghị quyết tỉnh Đảng bộ đã đề ra và so với tiềm năng năng suất của cây Đậu tương cũng như năng suất bình quân của các tỉnh trong cùng khu vực. Công tác giống chưa được thực sự chú trọng, các huyện vùng cao núi đá một số nơi bà con nông dẫn vẫn còn sử dụng giống đậu tương địa phương có năng suất thấp, thời gian sinh trưởng dài. Chính sách trợ cước thu mua tiêu thụ nông sản do kinh phí hàng năm còn thấp nên lượng thu mua ít, chưa đáp ứng được nhu cầu thúc đẩy phát triển sản xuất hàng hoá. Phần lớn sản phẩm vẫn do người dân tự tiêu thụ, giá trị sản phẩm thấp...
Phát huy những kết quả đã đạt được, từ năm 2010-2015, ngay trong năm 2010 này ngành Nông nghiệp-PTNT tỉnh sẽ triển khai rà soát, quy hoạch chi tiết vùng chuyên canh sản xuất đậu tương tập chung với quy mô diện tích trên 15.000 ha tập trung tại 2 huyện phía Tây, 4 huyện vùng cao núi đá và huyện Bắc Mê để tập trung nguồn lực đầu tư cho xây dựng cơ sở hạ tầng thủy lợi phục vụ tưới tiêu, đầu tư thâm canh tăng năng suất, sản lượng đậu tương. Tiếp tục mở rộng thêm diện tích trồng đậu tương trên các chân ruộng 1 vụ, chuyển đổi những diện tích đất trồng ngô hiệu quả thấp và đất trên nương rẫy sang trồng đậu tương... Phát triển diện tích gieo trồng theo hướng tạo thành các vùng chuyên canh sản xuất đậu tương tập trung, mở rộng diện tích gieo trồng đậu tương đến năm 2015 đạt 25.000ha/năm; phấn đấu đưa năng suất bình quân đến 2015 đạt trên14 tạ/ha; sản lượng đậu tương đến năm 2015 đạt 35.000 tấn/năm.
Ý kiến bạn đọc