Tích cực, chủ động phòng, chống đói, rét và dịch bệnh cho đàn gia súc
HGĐT- Thời gian gần đây, thời tiết, khí hậu biến đổi thất thường, rét đậm, rét hại và dịch bệnh gia súc trong mùa Đông đã gây ra nhiều thiệt hại cho sản xuất chăn nuôi của người dân địa phương trong tỉnh. Để đảm bảo an toàn cho đàn gia súc, nhất là tại các huyện vùng cao, Sở NN&PTNT tỉnh tiếp tục chỉ đạo tuyên truyền người dân thực hiện kịp thời các biện pháp phòng, chống đói, rét cho đàn gia súc, nhất là chủ động dự trữ nguồn thức ăn thô xanh dự trữ, vệ sinh chuồng trại, dự trữ thuốc thú y, tích cực, chủ động phòng, chống dịch.
Gia đình anh Lù Văn Xẻng thôn Lũng Càng (Phong Quang, Vị Xuyên) đóng máy xén cỏ cho gia súc. |
Để chủ động phòng, chống đói, rét, dịch bệnh cho gia súc, UBND tỉnh đã yêu cầu các địa phương cần tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền, phổ biến các biện pháp kỹ thuật và kinh nghiệm phòng, chống đói, rét, dịch bệnh cho gia súc trên các phương tiện thông tin đại chúng và đến từng hộ dân; thường xuyên cập nhật diễn biến thời tiết, khí hậu, đặc biệt là nhhững đợt rét đậm, rét hại để thông tin kịp thời cho người chăn nuôi biết để có biện pháp phòng ngừa có hiệu quả, trong trường hợp có dự báo rét đậm, rét hại xẩy ra, phải phân công cán bộ kỹ thuật về tận xã, phường, thị trấn hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc việc tổ chức thực hiện.
Theo thống kê của Sở NN&PTNT, tổng số đại gia súc toàn tỉnh là 263.327 con, tổng đàn lợn là 466.371 con. Ngay khi thời tiết có những diễn biến bất thường, 11 huyện, thị đã chủ động triển khai kiện toàn Ban chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh gia súc; rà soát kết quả tiêm phòng vụ Đông vừa qua và tổ chức tiêm chủng bổ sung các loại vắc xin phòng bệnh cho đàn gia súc; kiểm soát chặt chẽ động vật và sản phẩm động vật lưu thông trên địa bàn; tăng cường giám sát dịch bệnh nhằm phát hiện, bao vây kịp thời, khống chế hiệu quả, tuyệt đối không để dịch lan rộng; phát động tháng vệ sinh, tiêu độc, khử trùng trong những tháng cuối năm này nhằm làm sạch môi trường, giảm lượng mầm bệnh tiềm tàng gây dịch bệnh cho đàn gia súc. Sở NN&PTNT cũng chủ động tuyên truyền hướng dẫn người dân các địa phương tiến hành gia cố, nâng cấp, che chắn chuồng trại tránh mưa rét, gió lùa và đảm bảo vệ sinh, cách ly với nguồn bệnh; chủ động dự trữ, chế biến, bảo quản nguồn thức ăn thông qua việc tận dụng sản phẩm nông nghiệp, các loại thức ăn thô xanh; áp dụng các phương pháp chế biến thức ăn bằng việc ủ rơm u rê, ủ thân cây ngô… Các cơ quan chuyên môn cũng khuyến nghị các địa phương: Khi nhiệt độ xuống dưới 12 độ C, cần đưa trâu, bò về chuồng, lán tạm, tuyệt đối không thả rông tự do ngoài đồng, ngoài bãi chăn thả hay qua đêm trên nương, đồi. Trong thời gian này cần để trâu, bò nghỉ làm việc và cho ăn đảm bảo dinh dưỡng, tăng sức đề kháng cho gia súc.
Trong những ngày cuối năm 2009, về xã Phong Quang (Vị Xuyên), cảm nhận của chúng tôi là công tác chuẩn bị phòng, chống đói, rét cho gia súc của đồng bào, nhân dân đang diễn ra hết sức khẩn trương. Chủ tịch UBND xã Phong Quang, ông Đỗ Đức Yên cho biết: Ngay sau có ý kiến chỉ đạo của UBND tỉnh, Sở NN&PTNT, Ban chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh của huyện Vị Xuyên, chúng tôi đã chủ động xây dựng kế hoạch cho Ban thú y xã triển khai các biện pháp tiêm chủng kịp thời; vận động nhân dân làm tốt công tác vệ sinh nên toàn xã không có dịch bệnh lớn xảy ra. Hiện nay toàn xã có 2.719 con gia súc, Ban thú ý xã đã tiêm phòng 4.495 liều vắc xin trong năm 2009, trong đó: Lở mồm long móng 1.050 liều, tụ huyết trùng 2.945 liều… UBND xã và các đoàn thể đã tích cực đến từng hộ dân trong xã có lượng gia súc lớn, vận động đồng bào nâng cấp chuồng trại, dự trữ rơm, cỏ, đảm bảo đàn gia súc không bị đói, rét trong mùa Đông.
Anh Lù Văn Xẻng tại thôn Lũng Càng (Phong Quang – Vị Xuyên) cho biết thêm: Gia đình anh có tổng cộng 16 con gia súc, bao gồm 3 con trâu, 4 con bò và đàn lợn 9 con. Ngay khi thấy thời tiết diễn biến phức tạp, rét đậm kéo dài, anh cùng gia đình đã nhốt toàn bộ số gia súc trong chuồng, quây chuồng kín gió bởi các tấp liếp tre, vỏ bao, hun lửa xung quanh chuồng trại vừa giữ ấm cho trâu, bò vừa giúp vệ sinh chuồng trại. Do làm tốt công tác phòng, chống dịch và chống đói, rét cho gia súc nên đàn gia súc của gia đình luôn khoẻ mạnh, không dịch bệnh.
Việc chủ động phòng ngừa để giảm mức thấp nhất thiệt hại do thời tiết gây ra cho đàn gia súc là điều cần thiết trong thời gian này. Các cấp, các ngành cần tuyên truyền một cách sâu rộng tới các địa phương về chủ trương phòng, chống dịch bệnh, chống đói, rét cho đàn gia súc trong các đợt rét kéo dài nhằm duy trì và phát triển lượng gia súc phục vụ cho nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội địa phương và kinh tế hộ gia đình.
Ý kiến bạn đọc