Đẩy mạnh phát triển kinh tế mậu dịch biên giới
HGĐT- Trong chuyến thăm và làm việc của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng cùng các Bộ, ngành Trung ương tại tỉnh ta gần đây đã khẳng định “Hà Giang có rất nhiều lợi thế để đẩy mạnh hoạt động mậu dịch khu vực biên giới”.
Hà Giang có trên 270 km đường biên giới giáp nước bạn Trung Quốc; có 4 cửa khẩu tiểu ngạch được đánh giá đang trên đà phát triển là: Cửa khẩu mốc 5 (Xín Mần), Bạch Đích (Yên Minh), Thanh Thủy (Vị Xuyên) và cửa khẩu Phó Bảng (Đồng Văn). Ngoài ra còn có cả chục cửa khẩu tiểu ngạch khác ở Hoàng Su Phì, Quản Bạ…đã được nối lại để thương nhân, nhân dân 2 nước thăm thân, trao đổi hàng hoá. Đặc biệt, khu kinh tế cửa khẩu Thanh Thủy mới đây được Chính phủ mở rộng với vùng quy hoạch gồm 7 xã: Thanh Thủy, Phương Tiến, Thanh Đức, Xín Chải, Lao Chải, Phong Quang (Vị Xuyên) và xã Phương Độ (TXHG), với tổng diện tích tự nhiêm là 29.000 ha. Khu kinh tế được tổ chức thành khu phi thuế quan và các khu chức năng như: Khu công nghiệp, khu giải trí, khu du lịch, khu đô thị, khu dân cư, hành chính và các khu vực chức năng khác để kết nối thị trường Trung Quốc và các nước trong khu vực Asean. Trong thời gian tới nâng cấp Cửa khẩu mốc 5 Xín Mần thành Cửa khẩu Quốc gia để tăng cường giao thương với khu vực Tây Bắc. Hiện Hà Giang còn nằm trong chính sách phát triển kinh tế vùng Tây Bắc, bao gồm các tỉnh Điện Biên, Lai Châu, Lào Cai, Yên Bái, Hà Giang, tạo thành khu vực kinh tế mậu dịch khu vực biên giới năng động nối liền với nền kinh tế trong khu vực. Điều này cho phép nền kinh tế của tỉnh ta mở ra nhiều cơ hội thuận lợi nhất từ trước tới nay. Lợi thế đó đã được Chính phủ nhìn nhận và có chính sách hỗ trợ đầu tư. Tỉnh sẽ tạo mọi điều kiện, cơ chế tốt nhất cho các nhà đầu tư, xuất khẩu, nhằm tạo nên một thị trường mậu dịch biên giới sôi động trong toàn tỉnh vào cuối năm 2010 và các năm tiếp theo. Trong năm 2009, có trên 160 doanh nghiệp và tư thương thường xuyên tham gia XNK hàng hoá qua cửa khẩu, trong đó có 72 doanh nghiệp, tư thương trong tỉnh, chiếm 45%; làm thủ tục cho trên 6.000 lượt phương tiện vận tải XNC, tăng 15% so với năm 2008. Giá trị hàng hoá xuất - nhập khẩu đạt 120 triệu USD. Lượng hàng hoá lưu thông qua các cửa khẩu tăng về nhiều mặt. Số thuế XNK nộp ngân sách Nhà nước năm 2009 đạt 190,5 tỷ đồng, tăng 22% so với năm 2008. Ngoài sự tham gia xuất, nhập khẩu qua cửa khẩu Thanh Thuỷ có chuyển biến tích cực, còn có sự góp phần của Cửa khẩu Mốc 5 (Xín Mần) với giá trị xuất - nhập, trao đổi hàng hoá đạt hàng chục tỷ đồng; Cửa khẩu Bạch Đích (Yên Minh), Phó Bảng (Đồng Văn) cũng đang diễn ra sôi động qua thăm thân, trao đổi hàng hoá. Tại Cửa khẩu mốc 5 Xín Mần, tỉnh cũng đã đầu tư bằng ngân sách được duyệt trên 5 tỷ đồng. Quy hoạch trên 3 ha cho giai đoạn I để vừa xây dựng, vừa khai thác nhằm giảm bớt vốn lúc khó khăn, thu lợi nhuận tại chỗ để đầu tư cho giai đoạn II trên 30 ha. ở Bạch Đích (Yên Minh), chính quyền 2 bên (Việt Nam - Trung Quốc) thuộc 2 huyện tiếp giáp đã xúc tiến xây dựng hạ tầng, quy chế giao thương cho cả 2 bên trên cơ sở “Hợp tác toàn diện, ổn định lâu dài và cùng có lợi”. Tại đây, huyện Yên Minh đã quy hoạch 3,7 ha, đầu tư điện nước, hạ tầng phụ trợ để tạo môi trường thu hút, làm hấp dẫn các doanh nghiệp, thương nhân trong, ngoài nước đến hợp tác làm ăn. Mới đây là các cửa khẩuở Nghĩa Thuận (Quản Bạ); Thượng Phùng, Xín Cái (Mèo Vạc) hay của Bản Máy (Hoàng Su Phì) cũng đã có nhiều chuyển biến tích cực, vừa nối lại quan hệ truyền thống lâu dài của cả 2 nước Việt Nam - Trung Quốc, vừa tạo ra vùng động lực kinh tế thuận lợi cho nhân dân 2 nước tiếp tục con đường hội nhập kinh tế quốc tế. Ông Nguyễn Đình Bẩy, Giám đốc Sở Công thương cho rằng: Phát triển kinh tế khu vực biên giới với một thị trường rộng lớn có nền kinh tế phát triển năng động vào bậc nhất thế giới như hiện nay thì không có nơi nào, tỉnh nào chiếm lợi thế như Hà Giang. Đến nay, sau 5 năm thực hiện Nghị quyết Đảng bộ tỉnh lần thứ XIV, với mục tiêu phát triển kinh tế mậu dịch, mở rộng đầu tư để tạo bước đột phá phát triển bền vững đã có nhiều chuyển biến tích cực. Kết quả thu được ban đầu tuy chưa tương xứng với tiềm năng, song nó đã khẳng định một hướng đi đúng, phù hợp với xu thế hội nhập, với triển vọng để rút ngắn quãng thời gian XĐGN tại Hà Giang. Mục tiêu đến năm 2015 đưa tỉnh thoát khỏi tỉnh đặc biệt khó khăn đã có bước chuyển hết sức to lớn, trong đó kinh tế biên mậu đã và đang góp phần không nhỏ trong chiến lược phát triển kinh tế của tỉnh.
Ý kiến bạn đọc