Vị Xuyên tích cực cho sản xuất vụ Đông - xuân 2009-2010
HGĐT- Là huyện có thế mạnh trong phát triển kinh tế nông, lâm nghiệp và cây lúa ở Vị Xuyên được coi là cây lương thực chính. Trong những năm gần đây, sản xuất nông nghiệp của huyện phát triển khá ổn định và đã thực hiện bước đột phá về thâm canh, tăng vụ chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo hướng sản xuất hàng hoá, góp phần quan trọng để đảm bảo an ninh lương thực, ổn định xã hội, xoá đói giảm nghèo.
Làm nấm linh chi tại Công ty TNHH Tuấn Duy, xã Thuận Hòa (Vị Xuyên). Ảnh: Hoàng Ngọc |
Từ các chương trình nông nghiệp trọng tâm, Vị Xuyên đã đưa lương thực bình quân đầu người năm 2009 đạt 420 kg/người/năm, thu nhập bình quân đạt trên 7 triệu đồng/người/năm.
Năm 2009, Vị Xuyên thu hoạch trên 43.910 tấn lương thực, (trong đó sản lượng lúa đạt trên 32.600 tấn, tăng 3.286 tấn so với năm 2008; sản lượng ngô đạt trên 11.300 tấn). Ngoài lúa và ngô là cây lương thực chính, hàng năm từ lạc, đậu tương, rau các loại cũng được bà con nhân dân chú trọng gieo trồng và cũng cho sản lượng trên 2 nghìn tấn mỗi năm. Để đạt được năng suất, sản lượng các loại cây lương thực có hạt, ngay từ đầu năm, Vị Xuyên đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động nhân dân chuyển giao, thay thế những giống cây trồng có năng suất, chất lượng thấp, sang trồng các loại giống có năng suất, chất lượng cao, đồng thời huyện đã hỗ trợ trên 2,1 tỷ đồng cho hơn 5000 hộ nghèo mua giống và phân bón; hệ thống kênh mương được tu sửa thường xuyên, đã cơ bản đảm bảo đủ nguồn nước tưới tiêu phục vụ cho sản xuất. Đặc biệt huyện đã thực hiện mô hình gieo sạ lúa thuần chất lượng cao bằng công cụ giàn kéo tay tại một số xã đã làm giảm chi phí đầu tư, tiết kiệm giống, phân bón, công lao động và rút ngắn sinh thời gian sinh trưởng từ 5-7 ngày được nhân dân các xã đồng tình ủng hộ. Đây đang được coi là mô hình có hiệu quả, tạo tiền đề cho nhân dân mở rộng.
Để tiếp tục giành thắng lợi vụ Đông - Xuân 2009-2010, đặc biệt năm nay là năm thứ 4 huyện triển khai thực hiện gieo trồng cây vụ Đông, trong đó chủ yếu là cây ngô làm thức ăn chăn nuôi trâu, bò trong mùa Đông nên đến nay đã thực hiện được gần 100 ha. Ngoài ra cây khoai lang, khoai tây trồng được trên 40 ha. Tại một số xã, thị trấn có diện tích mặt bằng đất đai, điều kiện nước tưới tiêu đang đẩy mạnh gieo trồng các loại rau như: Cải ngọt, cải bắp, su hào, dưa chuột, khoai tây và đậu đỗ các loại… đây là vụ sản xuất được coi là có ý nghĩa quan trọng, góp phần thực hiện thành công các mục tiêu phát triển KT-XH của huyện, tạo đà cho việc hoàn thành và vượt các chỉ tiêu kế hoạch sản xuất nông, lâm nghiệp năm 2010. Do đó ngay từ đầu vụ, Đảng bộ huyện đã đề ra những chỉ tiêu cây trồng chính cho vụ Đông - xuân như: Gieo trồng trên 1.920 ha lúa, trong đó lúa thâm canh 1.550 ha; lúa lai 1.220 ha; các giống lúa đăng ký giống gieo trồng là: Nhị Ưu 725, Nhị Ưu 838, Vân Quang 14, TH 3-3, Khang dân 18, HT1, BT 13… Cây ngô diện tích gieo trồng 2.800 ha, trong đó ngô thâm canh 2.140 ha, sử dụng các loại giống có năng suất cao, chống chịu sâu bệnh tốt như: DKC 919, CP 888, CP999, CP989, CP 3Q, Bioseed 9698…; cây lạc 900 ha; cây đậu tương 200 ha; cây rau các loại 600 ha; cây đậu các loại 250 ha…Đặc biệt huyện đã chỉ đạo mỗi xã phải tập trung xây dựng ít nhất từ 2 cánh đồng mẫu trở lên với tiêu chí: Diện tích phải đủ 3 ha trở lên; đầu tư thâm canh đạt 100% theo định mức quy trình kỹ thuật; năng suất phải đạt từ 7 tấn/ha trở lên; giá trị kinh tế đạt từ 40 – 50 triệu đồng/ha… đồng thời vụ Đông - xuân 2009 – 2010 tiếp tục hỗ trợ 50% lãi suất vay ngân hàng cho Chương trình thâm canh lúa, ngô trong thời gian 6 tháng. Để đạt được các chỉ tiêu kế hoạch đã đề ra, huyện chỉ đạo tập trung trồng các loại cây có giá trị kinh tế phù hợp với điều kiện đất đai, khí hậu ở từng vùng; tiếp tục có chính sách trợ cước vận chuyển vật tư phân bón cho các hộ nông dân; chuyển những diện tích gieo trồng cây lương thực kém hiệu quả sang trồng lac, đậu tương và các loại cây ăn quả khác; đẩy mạnh việc ứng dụng những tiến bộ KHKT vào sản xuất, thâm canh tăng năng suất cây trồng, đặc biệt chú trọng việc áp dụng gieo sạ lúa bằng công cụ sạ hàng, làm mạ bán thủy canh; chuyển dịch cơ cấu cây trồng theo hướng sản xuất hàng hoá, quy hoạch trồng thành vùng tập trung, thuận lợi cho việc thu mua chế biến nông sản... Song song với cây lúa là thế mạnh, nhưng để phá thế độc canh, huyện cũng đã đưa vào sản xuất nông nghiệp nhiều loại cây trồng khác có giá trị kinh tế cao như lạc, đặc biệt là giống lạc L14, L18, L23, TB25 tập trung trồng ở xã Trung Thành, xã Việt Lâm, Đạo Đức... tạo thành vùng chuyên canh sản xuất lạc trên địa bàn huyện. Đối với cây ăn quả như cam, quýt, huyện đề ra chủ trương duy trì chăm sóc diện tích hiện có đồng thời phát triển trồng mới 25 ha, tập trung trồng tại các xã Trung Thành, thị trấn Việt Lâm, Quảng Ngần, thị trấn Vị Xuyên... mở rộng thêm diện tích để trồng mới 100 ha chè, 50 ha cây thảo quả, 200 ha cỏ chăn nuôi và 800 ha cây cao su... Trong lâm nghiệp, khuyến khích các thành phần kinh tế tham gia đầu tư trồng rừng nguyên liệu, phục vụ cho các ngành công nghiệp chế biến, thực hiện tốt việc trồng rừng sản xuất, phấn đấu năm 2010 thực hiện đạt kế hoạch trồng mới 3.050 ha rừng các loại.
Trước những mục tiêu kế hoạch và các giải pháp triển khai vụ Đông -xuân 2009-2010, hiện nay tất cả các ngành chức năng như: Phòng Kinh tế, Trạm Khuyến nông, Trạm BVTV, cửa hàng vật tư NLN, Tài chính, Ngân hàng và các đoàn thể… đều đã được giao nhiệm vụ, kế hoạch cụ thể và đang tích cực vào cuộc, cùng quyết tâm thực hiện thắng lợi vụ Đông - xuân năm 2009- 2010, nhằm đảm bảo an ninh lương thực, nâng cao giá trị sản phẩm trên cùng đơn vị diện tích, góp phần tích cực trong công cuộc xóa đói, giảm nghèo bền vững của huyện.
Ý kiến bạn đọc