Nông nghiệp và những khởi sắc năm 2009
HGĐT- Năm 2009 khép lại, sản xuất nông nghiệp tỉnh ta đã diễn ra trong điều kiện kinh tế thế giới cả nước và thời tiết có nhiều diễn biến phức tạp: Rét đậm, khô hạn kéo dài; mưa lũ, lốc xảy ra trên diện rộng; suy thoái kinh tế chung; giá cả vật tư phục vụ sản xuất tăng mạnh... ảnh hưởng rất lớn đến kết quả sản xuất. Mặc dù vậy, với sự chỉ đạo sâu sát của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh, sự vào cuộc sát sao của các cấp, các ngành, đoàn thể và sự nỗ lực của nhân dân các dân tộc trong tỉnh, sản xuất nông - lâm nghiệp tiếp tục tăng trưởng, đạt được những kết quả khả quan.
Cánh đồng thâm canh sử dụng phân bón EEB26 tại Tùng Bá (Vị Xuyên) |
Thắng lợi từ những cánh đồng mẫu:
Thực hiện Kết luận của Ban Thường vụ Tỉnh ủy và Chỉ thị của UBND tỉnh về tăng cường đầu tư thâm canh cho lúa, ngô vụ mùa năm 2009; trên cơ sở cơ chế, chính sách của tỉnh tại Nghị quyết 12/NQ-HĐND của HĐND tỉnh; các cấp, các ngành trên địa bàn toàn tỉnh đã tập trung quyết liệt vào chỉ đạo thâm canh, xây dựng các cánh đồng mẫu. Toàn tỉnh đã xây dựng được 290 cánh đồng thâm canh với tổng diện tích 23.331 ha, trong đó có 127 cánh đồng được chỉ đạo xây dựng thành cánh đồng thâm canh mẫu với diện tích 1.191,8 ha. Trong số 127 cánh đồng mẫu có 102 cánh đồng trồng lúa với diện tích 950,4 ha, gồm 76 cánh đồng trồng các loại lúa lai như: Vân quang 14, Kim ưu 725, Nhị ưu 725, Shan ưu 63..., 26 cánh đồng lúa thuần gồm các giống: Bắc thơm, Khẩu mang, Già dui, Khang dân 18... Về cây ngô, có 25 cánh đồng ngô lai thâm canh mẫu với diện tích 241,4 ha gồm các giống: NK 4300, NK 66, CP 989, CP888, CP 999, DK 919... Trên cơ sở đánh giá tại các huyện, mặc dù mức đầu tư mới chỉ đạt từ 50 - 60% định mức thâm canh theo hướng dẫn của Sở Nông nghiệp - PTNT nhưng năng suất lúa bình quân của các cánh đồng mẫu đạt xấp xỉ 60 tạ/ha, trong đó lúa lai đạt từ 66,5 - 75 tạ/ha, lúa thuần đạt từ 45 - 52 tạ/ha. Cây ngô đạt trên 30 tạ/ha, vượt xa so với năng suất bình quân các năm trước.
Tính toán hiệu quả kinh tế sau khi trừ mọi chi phí, bình quân 1 ha lúa, ngô được thực hiện theo cánh đồng thâm canh mẫu lợi nhuận thu thêm được gần 4 triệu đồng. Qua thực hiện cánh đồng thâm canh lúa, ngô mẫu có thể thấy rằng tiềm năng, năng suất lúa, ngô của tỉnh còn rất lớn. Khả năng cho thu nhập trên một đơn vị diện tích đất canh tác còn rất cao nếu đầu tư thâm canh theo đúng quy trình kỹ thuật. Qua đây cũng khẳng định được chủ trương đúng đắn và hiệu quả của Ban Thường vụ Tỉnh ủy trong định hướng và chỉ đạo về lĩnh vực sản xuất nông - lâm nghiệp.
Năm 2009, toàn tỉnh có 35.593,5 ha lúa ruộng, sản lượng đạt 179.109,3 tấn, tăng 14.949,8 tấn so với năm 2008. Diện tích ngô cả năm 46.758,5 ha, sản lượng đạt 121.368,8 tấn. Tổng sản lượng lương thực ước 303.370 tấn, đạt 102,84% kế hoạch, tăng 23.213 tấn so với năm 2008. Trên đây là những con số đáng mừng do ngành chức năng tổng hợp, khẳng định sự tăng trưởng vượt bậc trong sản xuất nông nghiệp tỉnh ta năm qua.
Bước tăng trưởng của đàn gia súc:
Tính đến nay, toàn tỉnh có 152.758 con trâu, tăng 6.380 con so với năm 2008; đàn bò 95.858 con, tăng 5.714 con; đàn lợn 395.582 con (không kể lợn sữa), tăng 22.597 con; đàn dê 155.034 con, tăng 1.863 con. Để có bước tăng trưởng như trên, công tác phòng, chống đói, rét được quan tâm thực hiện đồng bộ, năm 2009 toàn tỉnh không có gia súc bị chết do đói, rét. Việc chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh được tổ chức thực hiện khá tốt nên không có dịch bệnh lớn xảy ra. Khi có dịch bệnh gia súc tái phát ở các ổ dịch cũ đã được phát hiện sớm và khống chế kịp thời, không để lây lan ra diện rộng. Công tác tiêm phòng dịch bệnh cho gia súc, gia cầm đã có nhiều tiến bộ, đảm bảo tiến độ và hoàn thành vượt chỉ tiêu kế hoạch giao, góp phần ngăn chặn, phòng ngừa dịch bệnh phát sinh, giảm thiểu thiệt hại, tạo điều kiện cho chăn nuôi phát triển. Công tác kiểm soát giết mổ gia súc và kiểm dịch được quan tâm. Các huyện trọng điểm đều thành lập các tổ liên ngành kiểm tra, kiểm soát việc vận chuyển động vật trên địa bàn. Chốt kiểm dịch động vật tại đầu mối giao thông Vĩnh Tuy được duy trì thường xuyên đã hạn chế việc xuất, nhập lậu gia súc, gia cầm ra khỏi địa bàn. Ngoài những công tác trên, một yếu tố quan trọng nữa để tăng trưởng đàn gia súc là ý thức của người dân đã được nâng cao. Nhiều hộ, Hợp tác xã phát triển chăn nuôi ở quy mô trang trại, đầu tư lớn, mang lại hiệu quả kinh tế cao. Từ đó góp phần ổn định và phát triển đàn gia súc, tăng giá trị chăn nuôi trong cơ cấu ngành.
Một số giải pháp cho năm 2010:
Trên cơ sở thực hiện nhiệm vụ và những thắng lợi trong năm 2009, Sở Nông nghiệp - PTNT đã đề ra một số giải pháp thực hiện cho năm 2010 như: Tiếp tục chuyển đổi cơ cấu giống cây trồng, mỗi huyện, thị lựa chọn từ 2 - 3 cánh đồng điểm đầu tư thâm canh. Các huyện, thị phối hợp với ngành chức năng rà soát, đánh giá, lựa chọn ra những giống lúa, ngô năng suất cao, chất lượng tốt, phù hợp với thị trường tiêu thụ để định hướng cho người dân đưa vào sản xuất, đảm bảo mỗi tiểu vùng khí hậu có tối đa từ 1 - 2 giống, mỗi huyện, thị có từ 3 - 5 giống. Chỉ đạo tiến hành ngay công tác cung ứng giống, phân bón đảm bảo chất lượng, kịp thời vụ. Thực hiện tốt chính sách hỗ trợ sản xuất, thâm canh lúa, ngô... theo các chương trình như 135, nông nghiệp trọng tâm, Nghị quyết 30a của Chính phủ và Nghị quyết 12 của HĐND tỉnh... Về chăn nuôi sẽ đánh giá lại Chương trình cải tạo giống bò vùng cao, trên cơ sở đó tiếp tục cải tiến, nâng cao hiệu quả của chương trình. Tăng cường đôn đốc, kiểm tra, đảm bảo trong vụ Đông-xuân năm 2010, 100% số hộ có trâu, bò đều phải có chuồng trại, thực hiện tốt các biện pháp phòng, chống dịch bệnh; khuyến khích các tổ chức, cá nhân phát triển chăn nuôi theo hướng tập trung...
Ý kiến bạn đọc