Làm tốt vai trò “bà đỡ” của nông dân
HGĐT- Xác định sản xuất nông – lâm nghiệp giữ vai trò quan trọng trong cơ cấu nền kinh tế của tỉnh, lĩnh vực quyết định đến đời sống của đại bộ phận dân cư, trong những năm qua, tỉnh đã đề ra nhiều chủ trương, chính sách ưu tiên đầu tư cho lĩnh vực này, đồng thời đẩy mạnh sự chỉ đạo chặt chẽ, sát sao, kịp thời, quyết liệt đối với các cấp, các ngành, sự đồng thuận nỗ lực của người dân, nhờ vậy tỉnh ta đã tạo được bước đột phá trong sản xuất nông- lâm nghiệp.
Vượt qua những khó khăn về điều kiện thời tiết, giá rét, khô hạn, dịch bệnh và sâu hại, tỉnh nhà đã bảo toàn được đàn gia súc, gia cầm phát triển ổn định, những cánh rừng trồng đang “vượt cạn” lên xanh,... Đặc biệt, sự thành công của những “Cánh đồng mẫu”, của những “mô hình mẫu” đã mở ra một hướng mới của một nền nông nghiệp bền vững trên vùng đất đầy gian khó này. Để có thể xoay chuyển được nền nông nghiệp, vấn đề quan trọng đầu tiên là xây dựng, củng cố hệ thống tổ chức khuyến nông toàn tỉnh.
Cho đến nay, với sự quan tâm đầu tư của tỉnh, hệ thống khuyến nông đãđược xây dựng, củng cốvới một đội ngũ đông đảo lên tới 2.193 người. Cơ quan đầu mối Trung tâm Khuyến nông tỉnh có 18 người, hầu hết số họ được đào tạo qua các trường đại học chính quy chuyên ngành nông nghiệp, lâm nghiệp, có trình độ chuyên môn vững và nhiều kinh nghiệm trong chỉ đạo sản xuất. Họ đã nỗ lực thực hiện tốt nhiệm vụ tham mưu cho tỉnh trong việc thống nhất tổ chức quản lý đối với khuyến nông cơ sở, như khuyến nông xã do Trạm Khuyến nông các huyện, thị quản lý về chuyên môn nghiệp vụ và chi trả lương hàng tháng; khuyến nông thôn, bản do khuyến nông xã quản lý về chuyên môn, nghiệp vụ, UBND các xã, thị trấn quản lý về nhân sự; phối hợp với các cấp chính quyền, chuyên môn ở cơ sở rà soát, tuyển chọn đội ngũ khuyến nông thôn, bản theo đúng tiêu chí của tỉnh đề ra; phối hợp với các cơ quan trong ngành tổ chức 65 lớp tập huấn cho 1.899 khuyến nông thôn, bản và 6 lớp tập huấn cho 195 cán bộ khuyến nông xã để nâng cao chất lượng của hoạt động khuyến nông, tập trung chỉ đạo quyết liệt đưa năng suất 2 loại cây trồng chính là lúa lai và ngô lai đạt cao, bằng biện pháp kỹ thuật thâm canh.
Qua rà soát, sắp xếp, tuyển chọn lại cán bộ; Trạm khuyến nông các huyện, thị có 81 người (trong đó 44 người có trình độ đại học chuyên ngành, 33 người trình độ trung cấp chuyên ngành nông- lâm, chỉ có 4 người ngành nghề khác). Đội ngũ này đã làm tốt công tác tham mưu cho các huyện, thị chỉ đạo sản xuất, quản lý khuyến nông cơ sở.
Trong năm qua, việc rà soát, bồi dưỡng chuyên môn cho đội ngũ khuyến nông xã và thôn, bản được chú trọng. Trong 195 cán bộ khuyến nông xã, thị trấn giờ đây đã có 18 người có trình độ đại học, chủ yếu trong lĩnh vực nông nghiệp, lâm nghiệp; 177 người có trình độ trung cấp (NN 103 người, LN 74người, ngành khác 2người). Đội ngũ khuyến nông thôn, bản với 1.899 người (trong đó có 3 người trình độ đại học, 196 người có trình độ trung cấp nông- lâm nghiệp, 54 người trình độ sơ cấp...). Đội ngũ này có một vai trò cực kỳ quan trọng, họ bám nắmtại cơ sở và là khuôn mẫu để bà con học tập, làm theo.Tuy nhiên, trong số họ còn có tới 292 người trình độ văn hóa cấp I, còn 2 người không biết chữ. Vì vậy, vấn đề đặt ra cấp thiết là bồi dưỡng trình độ văn hóa, chuyên môn cho họ. Công tác tập huấn khuyến nông, chuyển giao tiến bộ kỹ thuật sản xuất nông, lâm nghiệp là nhiệm vụ trọng tâm hàng đầu. Trong năm, khuyến nông cơ sở đã tổ chức trên một ngàn lớp tập huấn, với trên 41 nghìn lượt người tham gia. Sau các lớp tập huấn, họ đã lại “cầm tay chỉ việc” cho bà con tại các thôn, bản. Cùng với đó, bà con còn được trang bị các tài liệu thông tin khuyến nông, các tờ gấp hướng dẫn kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi và theo dõi qua các chuyên trang, chuyên mục khuyến nông trên báo, đài của tỉnh. Những kiến thức đó đã có tác dụng trực tiếp chuyển đổi tư duy sản xuất, cách nghĩ, cách làm cho bà con, giúp bà con vượt qua đói nghèo, vươn tới làm giàu.
Cùng với các hoạt động tập huấn khuyến nông chuyển đổi nhận thức cho nông dân, hoạt động xây dựng các mô hình trình diễn đã mang lại hiệu quả kinh tế và xã hội cao. Với nguồn kinh phí hỗ trợ của Trung tâm Khuyến nông, Khuyến ngư Quốc gia, Trung tâm Khuyến nông tỉnh đã chỉ đạo các Trạm Khuyến nông xây dựng được 22/22 mô hình với 688 hộ tham gia đạt kết quả tốt, như:2 mô hình thâm canh tổng hợp cây lúa tại Xín Mần, Vị Xuyên (NS đạt 65 tạ/ha); 3 mô hình thâm canh tăng năng suất chất lượng cây chè, quy mô 15 ha ở Đồng Văn, Quản Bạ, Quang Bình; mô hình vườn ươm cây chè ở Xín Mần 1,2 triệu cây chè giâm hom; 2 mô hình trồng thảo quả, quy mô 50,5 ha ở TXHG và huyện Hoàng Su Phì; mô hình vỗ béo đàn bò thịt 300 con ở Mèo Vạc và Yên Minh; mô hình tưới nước tiết kiệm cho chè và hoa ở Bắc Quang, Đồng Văn; mô hình cơ giới hóa làm đất bằng máy kéo đa năng ở Bắc Quang và Vị Xuyên... Ngoài các môhình trên, các Trạm còn tổ chức hàng chục mô hình trình diễn khuyến nông về các loại cây trồng từ nguồn kinh phí của tỉnh. Các mô hìnhtrình diễn được chọn thực hiện tại các địa điểm gần đường giao thông để thuận lợi cho người dân học tập, thực hiện mô hình mang tính lâu dài, ổn định, chất lượng, hiệu quả và đặc trưng cây trồng, vật nuôi cho mỗi vùng miền.
Với sự nỗ lực vượt bậc của công tác khuyến nông, trong năm qua tỉnh ra đãxây dựng thành công những “Cánh đồng mẫu” cây lúa, cây ngô đạt năng suất cao, chất lượng tốt. Riêng vụ mùa, toàn tỉnh xây dựng được 127 “Cánh đồng mẫu”, với diện tích 1.191,8 ha. Trong đó có 102 cánh đồng lúa, với 950,4 ha. Hầu hết các cánh đồng đều đạt năng suất cao (48,5 tạ/ha lúa thuần, 68-70 tạ/ha lúa lai), đặc biệt cánh đồng thâm canh lúa lai của Trung tâm Khuyến nông thực hiện tại xãĐạo Đức (Vị Xuyên) đạt bình quân tới 76 tạ/ha. 26 cánh đồng ngô lai, với 241,4 ha, gồm các giống CP888, CP989, DK919, Bioeed 9698, Bioeed 9681...
Không chỉ làm tốt khâu hướng dẫn kỹ thuật thâm canh, phòng trừ sâu bệnh, khi những cánh đồng mẫu “kết trái”, các địa phương đã tổ chức tốt hội nghị, hội thảo đầu bờ rút ra những bài học kinh nghiệm, giới thiệu thành quả với nhân dân quanh vùng và các cấp, các ngành, để từ đó nhân rộng đại trà các cánh đồng thâm canh trên địa bàn toàn tỉnh.
Với những thành quả trên, hệ thống khuyến nông của tỉnh đã khẳng định được vai trò “bà đỡ” của nông dân.Bước sang năm 2010, với sự chỉ đạo, quyết sách đúng đắn của tỉnh, nỗ lực của hệ thống khuyến nông và của từng người dân, tỉnh nhà sẽ tiếp tục gặt hái được những mùa vụ bội thu.
Ý kiến bạn đọc