Hiệu quả từ một mô hình thâm canh chè
HGĐT- Sau 8 tháng kể từ ngày triển khai mô hình khuyến nông thâm canh chè tại xã Yên Bình (Quang Bình), người trồng chè đã có lãi dòng 9.750.000đ/ha. Đem kết quả trên so sánh với hình thức trồng, thu hái quảng canh hiện nay của đồng bào địa phương khoảng 400kg/ha/lứa/tháng, thì con số lãi dòng nêu trên là rất đáng quan tâm.
Đáng quan tâm hơn nữa là trồng, thâm canh mới tạo ra sản phẩm chè hàng hóa đủ sức cạnh tranh trong khi nguồn tài nguyên đất ngày một hạn hẹp, cùng với đó thì sức tăng cơ học đối với con người lại một ngày đẩy lên. Cho nên việc trồng, thâm canh để tạo ra sản phẩm hàng hóa là con đường tất yếu trong quá trình sản xuất hiện nay.
Chị Lý Thị Bằng, thôn Tân Bình, xã Yên Bình cho biết: Vườn chè nhà chị được trồng cách đây 10 năm, từ khi trồng đến nay, ngoài sới cỏ hoặc phun thuốc khi cây chè có sâu bệnh, còn lại gần như bỏ mặc cho đất. Trước kia đất còn tốt, chè gặp thời tiết thuận lợi thì cho nhiều búp, ngược lại thời tiết khô hạn thì cho ít búp. Mỗi năm gia đình chị rỗi khi nào, chè cho búp thì hái khi ấy, còn lại là bỏ hoang để mặc cho đất. Thu hoạch từ cây chè trong nhà lúc được, lúc không. Nói chung quy lại, nhiều năm qua, thu hoạch từ cây chè trong gia đình là thu hoạch phụ, không xếp vào danh mục nào. Tương tự, đồng bào trong thôn Tân Bình cũng xác nhận: Trong thời gian dài, cây chè trong mỗi hộ chủ yếu trồng để “ăn”, thừa mới đem bán, cho nên cách trồng thì chăm bón gần như “bằng không”. Trưởng trạm Khuyến nông huyện Quang Bình, anh Phạm Uyên Hùng, cho biết: Sau khi khảo sát các vùng chè trong huyện, trạm lấy thôn Tân Bình, xã Yên Bình làm mô hình điểm vì thôn có diện tích trồng khá tập trung (khoảng 40 ha), dân cư khá đông, điều kiện tham quan, học tập thuận lợi, thị trường rộng và gần trung tâm huyện nên việc để đồng bào tiếp cận sẽ dễ dàng hơn... Tháng 12.2008, trạm bắt đầu tập huấn cho bà con trong thôn, tiến hành rà soát diện tích, khảo sát thị trường, đánh giá năng suất, xem xét thổ nhưỡng, khí hậu... Đến đầu tháng 1.2009, trạm bắt đầu đầu tư trên quy mô 5 ha, 38 hộ có vườn chè tham gia. Chị Lý Thị Bằng cho biết: Sau khi được tập huấn kỹ thuật, gia đình chị cũng như 38 hộ trong thôn đã nhận từ Trạm Khuyến nông huyện mức đầu tư cho mỗi ha chè thâm canh như sau: Phân đạm 1.100 kg; lân 1.200 kg, ka-li 600 kg, phân vi sinh Sông Gianh 3.000 kg, thuốc bảo vệ thực vật trị giá 350.000đ, còn lại là phân chuồng do các hộ tự lo chăm bón. Tổng chi phí mỗi ha chè được đầu tư từ khuyến nông 28.650.000đ. Qua 8 tháng chăm sóc đúng kỳ, bón theo quy trình hướng dẫn sau tập huấn, năng suất vườn chè đã tăng từ 400 kg/ha/tháng (lúc chưa chăm bón) lên 1.600 kg/tháng (tăng gấp 4 lần). Sau 8 tháng thu hoạch (tính thu chính vụ) mỗi ha chè đã đạt 12,8 tấn/ha/8 tháng. Theo giá bán bình quân trong năm là 3.000đ/kg, mỗi ha chè thâm canh từ đầu tư ban đầu đã cho lãi dòng 9.750.000đ (chưa kể 2 tháng tận thu cuối năm là tháng 9+10).
Sau khi kết thúc vụ thu hái vừa qua, Trạm Khuyến nông huyện Quang Bình tiến hành Hội thảo đầu bờ đánh giá năng suất sau 8 tháng đầu tư theo tiêu chuẩn đề ra, đã được bà con trong, ngoài thôn thừa nhận. Xác định hướng đi cho các năm tiếp theo, nhiều ý kiến cho rằng: Đầu tư đủ để thâm canh, chè sẽ cho năng suất cao (4 lần). Nhưng điều kiện kinh tế nhà nông trong vùng nói chung còn hạn chế, nên khả năng đầu tư như mục tiêu đề ra rất khó thực hiện. Mong rằng: Nhà nước hỗ trợ vốn ban đầu hoặc xem xét cho vay không lãi để nhân dân có đủ vốn đầu tư cho cây chè đang thu hoạch hoặc lồng ghép các chương trình, dự án để hỗ trợ đồng bào. Còn lại đa số đồng bào sau khi tham dự đánh giá kết quả từ mô hình cho rằng, họ sẽ cố gắng để đầu tư bằng những gì mình có. Xét về cả hai phương diện: Nhà nước hoặc nhân dân đầu tư, cho thấy: Cần sự phối, kết hợp của cả 2 bên, nhưng quan trọng nhất vẫn là “nội lực” từ người dân.
Qua thực tiễn trên cho thấy, rất cần có nhiều mô hình ở các vùng miền để làm mẫu cho nhân dân làm theo.
Ý kiến bạn đọc