Để ngành khai khoáng thành “trụ cột”
HGĐT- Kết thúc năm 2009, giá trị sản xuất công nghiệp của tỉnh ước đạt 984,79 tỷ đồng, đạt 89,53% kế hoạch năm. Kết quả trên cho thấy, năm 2009 là một năm hết sức khó khăn bởi ảnh hưởng của suy thoái kinh tế toàn cầu, làm cho sản xuất chung bị đình trệ, Mọi chi tiêu bị cắt giảm và sự gia tăng thất nghiệp, kéo theo là một loạt khó khăn phải giải quyết về vấn đề an sinh xã hội.
Thế giới là vậy, nền kinh tế đất nước ta đã bước vào hội nhập gần 2 năm cũng chịu ảnh hưởng chung, dẫn đến ảnh hưởng “dây chuyền” tới tất cả các ngành sản xuất ở các tỉnh, thành phố.
Nhìn thực tế ở Hà Giang chúng ta là tỉnh biên giới nghèo trong các vùng nghèo đang được Chính phủ hỗ trợ giảm nghèo bằng Nghị quyết 30aCP, lại càng khó khăn hơn. Hà Giang chúng ta hạ tầng giao thông còn hạn chế, trình độ kỹ thuật, năng lực sản xuất nhìn chung còn thấp. Kết quả sản xuất trong năm đạt gần 90% kế hoạch đề ra đã khẳng định sự nỗ lực vượt bậc để cùng cả nước “vượt cạn” đi lên.
Trong sản xuất công nghiệp, ngành khai khoáng của Hà Giang tuy non trẻ, nhưng được đánh giá là ngành sản xuất “mũi nhọn” của nền kinh tế. Kết thúc năm 2009, giá trị khai khoáng đạt 135,19 tỷ đồng, đạt 71,15% kế hoạch đề ra. Sỡ dĩ ngành khai thác, chế biến, xuất khẩu khoáng sản không hoàn thành chỉ tiêu kế hoạch chính là sự ứ đọng sản phẩm không tiêu thụ được do các nước nhập khẩu bị ngừng sản xuất, không mua nguyên liệu. Các sản phẩm chính trong ngành khai khoáng là: Tinh quặng sắt, man gan, chì, kẽm và Ăng ti mon kim loại. Trong 5 loại sản phẩm chủ lực trên duy nhất có Ăng ti mon kim loại còn có khả năng xuất khẩu, song thị trường, giá bán bị giảm mạnh, nhiều thời điểm đã “giảm sâu” so với lúc cao điểm về giá bán tới gần 40% giá thành. Các sản phẩm quặng: Sắt, chì, kẽm, man gan, trong nửa năm 2009 gần như không có thị trường. Đã có rất nhiều doanh nghiệp khai thác quặng sắt, chì kẽm buộc phải sản xuất cầm chừng, có nơi, có chỗ buộc phải ngừng sản xuất, cắt giảm lao động, hoặc chuyển hướng sang làm việc khác để chờ cơ hội quay lại hoạt động sản xuất, kinh doanh.
Nhìn vào tình hình cụ thể trong ngành công nghiệp khai khoáng thấy rằng năng lực sản xuất, chế biến của chúng ta còn thiếu, còn yếu. Trước hết là các doanh nghiệp hoạt động khai thác còn thiếu đồng bộ. Theo số liệu của Sở Công thương, chỉ tính riêng ngành khai thác chì kẽm tỉnh có 3 doanh nghiệp đang khai thác là: Ao Xanh (Quang Bình), công suất khai thác 150 tấn quặng nguyên khai/ngày; Na Sơn, xã Tùng Bá(Vị Xuyên) 600 tấn/ngày; Tả Pan, xã Minh Sơn (Bắc Mê), công suất 300 tấn quặng nguyên khai/ngày. Như vậy, mỗi ngày trong 3 địa điểm mỏ khai thác nêu trên đã cho sản lượng quặng nguyên khai tới trên 1 ngàn tấn, một năm khai thác tương đương 1 triệu tấn quặng, nhưng chủ yếu là khai thác nguyên liệu, không có sản phẩm chì kẽm được chế biến tại chỗ. Sơ qua các điểm mỏ khai thác man gan ở Ngọc Linh (Vị Xuyên) hay Đồng Tâm (Bắc Quang) quặng khai thác ra ứ đọng, lượng bán thô nguyên liệu trong năm cũng rất hạn chế…
Cái yếu trong khai thác chính là chế biến sau khai thác các loại quặng trên của các doanh nghiệp chưa được thực hiện. Tại sao các doanh nghiệp lại không liên kết với nhau để tạo ra một sân chơi chung mà họ đều có lợi. Đồng thời lại không “làm mất” cơ hội sản xuất, chế biến, xuất khẩu, để cùng nhau “tiến chắc”? Xét về xuất phát điểm, nền kinh tế của tỉnhcòn thấp. Không ít ý kiến cho rằng năng lực sản xuất của các doanh nghiệp còn chưa đủ mạnh, nên phải “vừa bới, vừa ăn” lại vừa tích lũy, nên chưa thể làm cả dây chuyền sản xuất đủ đảm bảo vừa khai thác, vừa chế biến, vừa xuất khẩu sản phẩm…
Thực tế cho thấy, trong và ngoài nước đã có rất nhiều tập đoàn kinh tế hoạt động, sản xuất kinh doanh đa ngành nghề mang lại hiệu quả to lớn, có nhiều tập đoàn có tính quy mô toàn cầu. Đấy là bài học. Thực tế cũng cho thấy, tại Hà Giang, sản phẩm Ăng ti mon kim loại hiệu (A-H) của Công ty Cổ phần cơ khí và khoáng sản Hà Giang được hoàn thiện từ khai thác, chế biến, xuất khẩu đảm bảo “tinh”, cho giá trị lợi nhuận rất cao, hiện đang trở thành thương hiệu có giá trị bảo hộ toàn cầu. Với quy mô khai thác vừa, quy trình chế biến phù hợp, áp dụng công nghệ tiên tiến, đã tạo ra giá trị đích thực và tránh được bán nguyên liệu thô. Việc đưa ra ví dụ trên để một lần nữa minh chứng rằng: Sử dụng tài nguyên khoáng sản một cách hiệu quả, tiết kiệm rất cần một sự lựa chọn thích hợp, hoặc một sự liên kết đồng bộ, thống nhất, để đưa ra “một giải pháp” phù hợp với điều kiện hiện có.
Từ bỏ “ao nhà” để vươn ra “biển lớn” trong nền kinh tế hội nhập, hơn lúc nào hết cần phải có một giải pháp phù hợp, hết sức năng động để đưa ngành công nghiệp khai khoáng trở thành ngành “trụ cột” của nền kinh tế. Hà Giang với trên 149 mỏ, điểm mỏ sẽ là tiềm năng to lớn để ngành khai khoáng phát triển, làm giàu cho nền kinh tế - xã hội.
Ý kiến bạn đọc