Để các công trình thủy lợi phát huy hiệu quả

18:22, 18/12/2009

HGĐT- Trên địa bàn tỉnh hiện có 994 công trình thuỷ lợi phục vụ tưới cho gần 7 nghìn ha lúa Đông - xuân và trên 19 nghìn ha lúa Mùa. Tuy nhiên, kết quả rà soát của cơ quan chức năng xác định chỉ có 640 công trình vận hành tốt, 354 công trình bị hư hỏng cần được nâng cấp sửa chữa. Trong thời gian tới sẽ tiếp tục có nhiều công trình thuỷ lợi được sửa chữa, nâng cấp, đầu tư mới. Nhưng vấn đề đặt ra hiện nay là việc quản lý vận hành như thế nào để các công trình thuỷ lợi phát huy hiệu quả.


Trong sản xuất nông nghiệp, cha ông ta vẫn thường nói “Nhất nước, nhì phân, tam cần, tứ giống”. 4 yếu tố làm lên thành công của sản xuất nông nghiệp, nước có vai trò rất quan trọng, quyết định lớn đến hiệu quả của một mùa vụ. Nhận thức rõ điều này, tỉnh ta luôn chú trọng, tranh thủ các nguồn vốn đầu tư phát triển hệ thống kênh mương thuỷ lợi. Những ngày này, khi người nông dân các tỉnh vùng lúa đồng bằng Sông Hồng đang gồng mình đối phó với hạn hán thì trên vùng cao Hà Giang, nguồn nước tận dụng từ các khe đá, con suối được thu gom qua hệ thống đập, kênh mương dẫn về đồng ruộng đang phát huy hiệu quả. Trên khắp cánh đồng Bắc Quang, Quang Bình, Vị Xuyên...; tranh thủ thời tiết ấm áp, bà con nông dân đang xuống đồng chuẩn bị cho mùa vụ gieo cấy mới. Đi trên cánh đồng thôn Thanh Bình, thị trấn Việt Quang (Bắc Quang), chúng tôi gặp nhiều bà con nông dân đang dẫn nước từ con kênh mới hoàn thiện vào thửa ruộng của gia đình. Chị Nguyễn Thị Tính, ngừng tay cuốc nói với chúng tôi: Mấy năm trước đây, hệ thống kênh mương dẫn nước về cánh đồng thôn bị thiên tai phá huỷ, nước chảy tràn ra ngoài, không về được cánh đồng nên đã ảnh hưởng nhiều đến việc gieo trồng của người dân. Vừa qua, Nhà nước đã đầu tư hàng trăm triệu đồng xây lại hệ thống đập, mương dẫn nước bằng bê tông, tốt hơn con kênh cũ rất nhiều. Bây giờ đang là thời điểm gay gắt nhất của mùa khô nhưng con kênh này vẫn ăm ắp nước, đảm bảo nước phục vụ sản xuất và sinh hoạt của người dân.


Mấy năm gần đây, sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh ta luôn được mùa lớn. Ngoài các yếu tố như chuyển đổi cơ cấu giống cây trồng, thời tiết thuận lợi thì có vai trò không nhỏ của hệ thống thuỷ lợi. Hệ thống kênh mương thuỷ lợi đang dần đươc đầu tư, mở rộng đã góp phần mở mang diện tích gieo trồng hàng năm. Năm 2009, tổng diện tích gieo trồng cây hàng năm đạt gần 152,5 nghìn ha, tăng gần 7,6 nghìn ha so với năm trước. Trong đó, diện tích lúa cả năm gần 35,6 nghìn ha, tăng 687 ha so với năm 2008; ngô cả năm trên 46,7 nghìn ha, tăng 620 ha. Năng suất lúa ruộng bình quân đạt 50,3 tạ/ha, tăng 3,2 tạ/ha; ngô gần 26 tạ/ha, tăng 1,6 tạ/ha so với năm trước. Sản lượng lương thực có hạt đạt trên 30 vạn tấn, tăng gần 2,4 vạn tấn, bình quân lương thực đạt 419kg/người/năm. Con số này có thể tăng cao hơn trong những vụ sản xuất tiếp theo. Bởi lẽ, toàn tỉnh còn 2.666 ha lúa Đông - xuân, 5.871 ha lúa Mùa chưa chủ động được nguồn nước, nếu giải quyết tốt vấn đề nước tưới thì diện tích gieo cấy sẽ tăng lên.


Theo quy hoạch phát triển hệ thống thuỷ lợi, trong thời gian tới, tại các huyện vùng cao núi đá sẽ xây dựng mới 68 công trình gồm các hồ, phai đập nhỏ có diện tích tưới từ 10-120 ha và một số cụm công trình giải quyết nước tưới cho 292 ha lúa Đông - xuân, 1.562 ha lúa Mùa, 978 ha hoa màu; kiên cố thêm 140,78 km kênh mương đưa tổng số kênh kiên cố hoá đến năm 2020 là 202 km. Các huyện vùng cao núi đất, sẽ cải tạo, nâng cấp 108 công trình, giải quyết nước tưới cho 308 ha lúa Đông - xuân, 1.215 ha lúa Mùa và 208 ha hoa màu; xây dựng mới 140 công trình tiểu thuỷ nông và cụm công trình giải quyết nước tưới cho 594 ha lúa Đông - xuân, gần 2 nghìn ha lúa Mùa, 527 ha hoa màu; kiên cố thêm 254,43 km kênh, đưa tổng số kênh kiên cố lên 435,33 km vào năm 2020. Các huyện vùng núi thấp sẽ cải tạo nâng cấp 217 công trình, giải quyết nước tưới cho 1.203 ha lúa Đông - xuân, 1.456 ha lúa Mùa... Như vậy, hệ thống các công trình thuỷ lợi sẽ tiếp tục được đầu tư nhằm phục vụ đắc lực cho hoạt động sản xuất, nuôi trồng của người dân.


Tính đến nay, toàn tỉnh có 994 công trình thuỷ lợi được đầu tư xây dựng, góp phần tưới chắc cho gần 7 nghìn ha lúa Đông - xuân (71% diện tích gieo cấy) và trên 19 nghìn ha lúa vụ Mùa (76 % diện tích). Hiện tại, có 97 công trình thuỷ lợi đang thi công bằng nguồn vốn xây dựng cơ bản với tổng mức đầu tư gần 146 tỷ đồng; 82 công trình chuẩn bị đầu tư với tổng nguồn vốn 124 tỷ đồng. Trong thời gian tới, một số khu vực có khả năng về nguồn nước sẽ tiếp tục được đầu tư xây dựng hệ thống công trình thuỷ lợi. Tuy nhiên, vấn đề đặt ra hiện nay là trong số 994 công trình thuỷ lợi trên địa bàn tỉnh, chỉ có 640 công trình vận hành tốt, 354 công trình bị hư hỏng cần được nâng cấp sửa chữa. Các công trình thuỷ lợi bị hư hỏng do nhiều nguyên nhân như xây dựng đã lâu nên bị xuống cấp; điều kiện địa hình thường xuyên xảy ra sạt, lở; kinh phí dành cho công tác duy tu bảo dưỡng hàng năm rất ít. Bên cạnh đó, các công trình thuỷ lợi xây dựng xong, bàn giao cho các huyện quản lý nhưng các huyện hầu hết đều thiếu cán bộ chuyên ngành thuỷ lợi do đó không tránh khỏi tình trạng cán bộ không nắm bắt, am hiểu được tình hình thực tế của hệ thống công trình trên địa bàn. Mặt khác, hệ thống công trình thuỷ lợi ở tỉnh ta được đầu tư bằng nhiều nguồn vốn, do vậy sẽ có nhiều dạng đầu tư và cấp quản lý khác nhau nên công tác quản lý chung gặp nhiều khó khăn.


Theo ông Hoàng Văn Đế, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT: Để phát huy hiệu ích các công trình thuỷ lợi hiện có cũng như tiếp tục tìm kiếm nguồn lực đầu tư các công trình mới đòi hỏi các ngành chức năng phải tiếp tục nghiên cứu, bổ sung, hoàn thiện chính sách hỗ trợ đầu tư xây dựng các công trình thuỷ lợi nhỏ do dân tự làm, kiên cố hoá kênh mương và quản lý khai thác các công trình thuỷ lợi. Thực hiện tốt phân cấp quản lý, đầu tư xây dựng các công trình thuỷ lợi theo qui định của tỉnh ban hành. Phát triển mạnh các HTX dịch vụ thuỷ lợi, quản lý khai thác thuỷ nông và cấp nước sinh hoạt. Các địa phương có công trình thuỷ lợi cần thực hiện tốt nhiệm vụ quản lý Nhà nước về khai thác, vận hành, căn cứ vào số lượng công trình, diện tích được tưới để thành lập HTX dùng nước hoặc tổ quản lý khai thác công trình cho phù hợp... Có như vậy, các công trình thuỷ lợi được đầu tư mới phát huy tốt hiệu quả, phục vụ đắc lực cho chiến lược phát triển sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh.


Thiên Thanh

Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

Tổng kết mô hình trình diễn giống ngô lai chịu hạn 8960
HGĐT- Sáng ngày 26.11, tại thôn Minh Thành, xã Bạch Ngọc (Vị Xuyên), Chi cục Kinh tế hợp tác và phát triển nông thôn tỉnh tổ chức Hội nghị Tổng kết mô hình trình diễn giống ngô lai chịu hạn 8960 vụ Hè - thu năm 2009.
30/11/2009
Cục Thuế Hà Giang với mục tiêu cải cách và hiện đại hóa
HGĐT- Để thực hiện mục tiêu của Chiến lược Cải cách hành chính, hiện đại hoá hệ thống thuế trên phạm vi cả nước giai đoạn 2005-2010 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt và thực hiện chỉ đạo của Bộ Tài chính, Tổng cục Thuế, UBND tỉnh, Cục Thuế Hà Giang đã triển khai đồng bộ nhiều biện pháp nhằm đáp ứng yêu cầu của công tác quản lý thuế, phù hợp với tình hình phát triển kinh
30/11/2009
Tổng kết mô hình khảo nghiệm giống ngô lai ssc557 tại huyện Quản Bạ
HGĐT- Vừa qua, Sở NN&PTNT Hà Giang phối hợp với Trung tâm Giống cây trồng và gia súc Phó Bảng huyện Đồng Văn, Công ty Cổ phần Giống cây trồng Miền Nam tổ chức tổng kết Mô hình khảo nghiệm giống ngô lai SSC 557 tại xã Quyết Tiến huyện Quản Bạ.
30/11/2009
Diễn đàn Khuyến nông @ công nghệ
HGĐT- Sáng 15.12, tại Hội trường Liên đoàn Lao động tỉnh, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh phối hợp với Trung tâm Khuyến nông - khuyến ngư Quốc gia, Cục Lâm nhiệp (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) tổ chức Diễn đàn Khuyến nông @ công nghệ với chuyên đề: “Các loại cây lâm nghiệp ưu tiên cho các tỉnh miền núi phía Bắc”.
17/12/2009