Sính Lủng thực hiện tốt hợp phần tài chính tín dụng nông thôn
HGĐT- Xã Sính Lủng (Đồng Văn) là một trong những địa phương được triển khai Dự án Phân cấp Giảm nghèo Nông thôn (DPPR). Xã đã được đón nhận nhiều chương trình đầu tư trực tiếp nhằm nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân cũng như xây dựng cơ sở hạ tầng phục vụ phát triển kinh tế, văn hoá, xã hội. Một trong những hoạt động nổi bật, đạt được nhiều kết quả có ý nghĩa đối với người dân nơi đây đó là Hợp phần Tài chính tín dụng nông thôn.
Khi triển khai Hợp phần tại xã, BQL Dự án xã đã gặp không ít khó khăn bởi một số lý do như: Đa số chị em phụ nữ nghèo ở các thôn, bản đều không biết chữ hoặc không thạo tiếng phổ thông nên việc tuyên truyền và thành lập các nhóm Tín dụng Tiết kiệm (TDTK) gặp rất nhiều khó khăn; khi đi vào hoạt động, do không hiểu được nội dung tuyên truyền nên còn nhiều người chưa hiểu rõ về mục đích, ý nghĩa cũng như quy trình hoạt động của nhóm TDTK, từ đó gây ảnh hưởng đến chất lượng, hiệu quả hoạt động. Mặt khác, đội ngũ cán bộ xây dựng nhóm vẫn còn kiêm nhiệm nhiều công việc, chưa thực sự nhiệt tình trong công việc đã làm ảnh hưởng đến chất lượng hoạt động của nhóm. Trước những khó khăn đó, BQL Dự án xã đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động. Cán bộ xuống tận thôn, bản, đến từng nhà để tuyên truyền ý nghĩa, mục đích và phương thức hoạt động của nhóm để chị em phụ nữ nghèo tham gia. Do có sự phối hợp chặt chẽ trong công tác tuyên truyền nhiều chị em đã hiểu rõ ý nghĩa, mục đích, từ đó đồng tình tham gia các hoạt động của nhóm. Để các nhóm TDTK hoạt động hiệu quả, Ban Tín dụng xã còn thường xuyên hướng dẫn quy trình cho các nhóm, giúp đi vào hoạt động ổn định. Ngoài ra, để nâng cao năng lực hoạt động, cán bộ làm công tác tín dụng ở xã còn thường xuyên tham gia các lớp tập huấn, nâng cao trình độ về sử dụng vốn tiết kiệm...Đồng thời các nhóm cũng được Dự án cung cấp máy tính cá nhân, két sắt, văn phòng phẩm để duy trì hoạt động
Nhờ sự cố gắng chung đó, Ban Tín dụng xã đã thành lập được 7 nhóm TDTK với 140 thành viên tham gia. Trong đó có 138 chị em phụ nữ nghèo. Lúc đầu mới thành lập và đi vào hoạt động, hàng tháng sinh hoạt nhóm đều đặn. Các thành viên đóng góp tiền tiết kiệm đầy đủ. Sau khi đóng quỹ được từ 300.000 đến 500.000, các thành viên trong nhóm bình xét cho chị em nghèo, khó khăn nhất vay trước số tiền quỹ tiết kiệm được. Với khoản tiền đóng góp của các thành viên và với hoạt động cho vay như vậy, các nhóm đã biết sử dụng và quản lý đồng vốn mà mình tự đóng góp, từ đó nâng cao được kiến thức về tiết kiệm cũng như sử dụng vốn vay. Biết thu lãi và giám sát thành viên vay vốn; biết sử dụng vốn đúng mục đích. Tính đến thời điểm này, tiền tiết kiệm mà các nhóm đã huy động được là trên 19 triệu đồng. Sau khi các nhóm được thành lập và hoạt động 12 tháng mới được nhận vốn viện trợ lần 1 từ Dự án, 9 tháng sau được nhận vốn viên trợ lần 2. Tổng số tiền Dự án đã cấp là 140 triệu đồng. Đến nay, sau 5 năm triển khai, đã có 106 thành viên vay với số tiền 167 triệu đồng, trong đó số lượt thành viên vay đã trả là 97 thành viên. Tổng tiền lãi thu được trên 11 triệu đồng. Đa số các nhóm đều hoạt động hiệu quả, ban đầu chỉ có 1 vài thành viên tham gia những qua quá trình hoạt động lâu dài bình quân mỗi nhóm có 20 thành viên tham gia. Các thành viên tham gia đều được vay vốn khi có nhu cầu sử dụng và được nhóm bình xét. Từ đồng vốn này, chị em phụ nữ trong nhóm đã biết đầu tư đúng mục đích, phát huy hiệu quả, góp phần phát triển kinh tế gia đình và trả vốn đúng kỳ hạn.
Hoạt động tín dụng nông thôn thực sự đã phát huy hiệu quả, góp phần giúp xã thực hiện tốt công tác phát triển kinh tế, xoá đói, giảm nghèo.
Ý kiến bạn đọc