Xín Mần chuyển đổi cơ cấu giống lúa bằng các mô hình
HGĐT- Vụ mùa 2009, Xín Mần xây dựng 142 mô hình cấy lúa bằng 3 loại giống thuần chủng là Khang Dân 18, Bao Thai và HT1 với mong muốn làm thay đổi nhanh chóng cơ cấu giống lúa cấy tại các xã trong huyện, và tiết kiệm chi phí đầu vào trong quá trình sản xuất nông nghiệp, tăng lợi ích kinh tế cho đồng bào địa phương, đồng thời giảm chi phí trong công tác khuyến nông, từng bước tiến tới xã hội hóa về giống để người làm nông chủ động toàn bộ trong quá trình sản xuất, tiến tới “tự chủ” hoàn toàn trên mặt trận sản xuất nông nghiệp vốn mang những đặc thù riêng của Xín Mần.
Trồng rau xen canh các mô hình ngô, lúa đậu tương ở xã Thèn Phàng (Xín Mần). |
Thực tế cho thấy: Vụ mùa năm nay Xín Mần giành thắng lợi trong sản xuất nông nghiệp với 2.986,39 ha diện tích lúa gieo cấy, đạt 101,57% so với kế hoạch đề ra. Năng suất bình quân đạt 47,93 tạ/ha, sản lượng ước đạt trên 14.313 tấn, tăng khá so với cùng kỳ năm trước.
Được mùa là điều đáng mừng, song đáng mừng hơn là qua vụ thu hoạch gọn, đồng bào đã tự đổi giống cho nhau theo hình thức “1 đổi 1” kg giống lúa cấy từ 142 mô hình “để làm giống” cho vụ sau với số hộ là 6.500 hộ/11.000 hộ trong toàn huyện, chiếm quá nửa số hộ trong huyện và chiếm gần 2/3 số hộ làm nông nghiệp ở Xín Mần. Số lượng giống được được đổi “1 lấy 1” tương đương với 120 tấn (giống lúa thuần) xấp xỉ cấy được 1.500 ha vào vụ tới mà không cần sự cung ứng từ bên ngoài. Số giống trên cũng loại bỏ tương đương lượng giống tồn cũ đã thoái hóa cấp nhiều năm và tránh được giống “cần trợ cước, trợ giá” như những năm trước từ phía Nhà nước, đưa sự chủ động mùa vụ giống vật tư về tay người sản xuất. Giúp cho Nhà nước – người lao động “giảm nhẹ” chi phí đầu vào, nhằm nâng cao hiệu quả cho người lao động tại địa phương. Theo tính toán sơ bộ của ngành chuyên môn: Nếu Nhà nước đầu tư đủ cho 1 ha/vụ gieo cấy đến khi thu hoạch là 10 triệu đồng, thì nay người dân chủ động toàn bộ trước, trong sản xuất, chỉ chi phí gần 8 triệu đồng, giảm tương đương 2 triệu đồng/ha. Với Xín Mần, mỗi vụ mùa cấy gần 3.000 ha, thì số giảm 2 triệu đồng/ha sẽ là lợi ích không nhỏ trong sản xuất nông nghiệp tại địa phương. Ngoài lợi ích về kinh tế, qua 142 mô hình cấy giống lúa thuần để tự nhân giống trong nhân dân vụ mùa này tại 72 thôn bản của 17/19 xã, thị trấn còn “làm giảm”, chi phí khuyến nông rất lớn, mang hiệu quả xã hội cao. Vì rằng, thông qua 142 mô hình ở 72 thôn bản với 278 hộ tham gia, ban đầu nhân dân tại mỗi thôn bản đó “tự” theo dõi cách làm, phương thức đầu tư, để “cùng học hỏi” lẫn nhau và rồi “tự cho điểm” đánh giá kết quả qua quá rình trồng cấy và thu hoạch. “... Thấy hay, thấy tốt thì đổi giống thôi...!” đấy là đánh giá, là nhận xét của đồng bào tại các cuộc Hội thảo đầu bờ ngay khi thu hoạch. Và cũng ngay sau thu hoạch 142 mô hình, từ 278 hộ làm điểm, số lượng giống được đổi thành 6.500 hộ ở 186 thôn bản ở 19/19 xã, thị trấn toàn huyện Xín Mần. Điểm nào đưa ra sự khác biệt đặc biệt trên? Câu trả lời tại các buổi hội thảo đầu bờ vừa qua chính là “sự thật khách quan hết sức đời thường do chính mỗi người dân, tại mỗi thôn bản được, xem, được làm, được thu hoạch, đã tạo lòng tin, niềm tin trong các mô hình giống “đổi” giống và khuyến nông “thấy” khuyến nông là những nông dân làm ruộng tạo nên. Còn trở lại câu hỏi: “Các nơi đang đưa giống lai, thì tại sao Xín Mần lại chủ trương thay đổi giống bằng giống lúa thuần? Bởi lẽ trong quá trình sản xuất tại địa phương năng suất lúa lai với lúa thuần nêu trên không chênh lệch nhau là mấy. Thay vào đó đưa lúa thuần vào vừa dễ làm, đầu tư thấp, giá bán lại khá cao bởi chất lượng gạo tốt. Và quan trọng là “tạo sự chủ động” cho nhà nông trong quá trình tự chủ sản xuất, giảm chi phí khuyến công, khuyến nông. Tất nhiên, theo đánh giá chuyên môn và sự chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền các cấp, việc để nhân dân “tự chủ giống đổi giống” sẽ được chỉ đạo làm thành quy trình cho mỗi năm để tránh sự thoái hóa của giống và sự mất ổn định và gen trong quá trình trồng cấy. Thiết nghĩ, đó là sự “điều tiết” vĩ mô cần thiết trong quá trình sản xuất. Có vậy mới đảm bảo tính chủ động – khoa học và cũng phải làm chặt chẽ, mới đem lại hiệu quả lâu dài, bền vững, giúp cho nhà nông làm nông nghiệp hiệu quả hơn, bền vững hơn.
Ý kiến bạn đọc